“Chặt chém” dịp nghỉ lễ và chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi…”

(Dân trí) - Cứ mỗi kỳ nghỉ lễ, ngành du lịch lại nóng lên về tình trạng “chặt chém”. Hết khách quốc tế bị “móc túi”, giờ đến du khách trong nước. Có lẽ, đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc sụt giảm lượng khách quốc tế đến Việt Nam thời gian gần đây.

Kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 kéo dài đã tạo điều kiện cho du lịch trong nước "bùng nổ" ở nhiều điểm đến, và như đến hẹn lại lên, năm nào cũng thế cứ đến dịp này tình trạng “chặt chém”, nâng giá, ép giá lại xảy ra triền miên tại các điểm du lịch trên cả nước.

Bất chấp nắng nóng, du khách chen nhau xuống tàu đi du lịch trong dịp lễ vừa qua.
Bất chấp nắng nóng, du khách chen nhau xuống tàu đi du lịch trong dịp lễ vừa qua.

Thành phố Đà Nẵng được mệnh danh là điểm đến thân thiện bậc nhất ở Việt Nam nhưng trong dịp nghỉ lễ 30/4 vừa qua các khách sạn, nhà nghỉ tại TP Đà Nẵng đã không còn một chỗ trống, trong khi đó các quán nhậu ven biển, các hãng taxi gần như quá tải. Giá cả tại các nhà hàng, quán nhậu, đặc biệt là các quán bán hải sản, giá cả cũng tăng lên trên 30%, có quán tăng trên 50% so với ngày thường. Một kg hàu sữa nướng mỡ hành ngày thường giá từ 70.000 đồng- 100.000 đồng nhưng nay tăng lên từ 100.000- 150.000 đồng/kg.

Tại Vũng Tàu giá phòng tăng quá cao, nhiều du khách là công nhân, sinh viên, các bạn trẻ đi du lịch bằng xe máy không thể thuê phòng nghỉ đành phải lấy công viên làm chỗ nghỉ qua đêm.

Tình trạng cháy phòng cũng xảy ra ở nhiều địa điểm du lịch khác. Tại Bình Thuận, vào ngày 1/5, công suất phòng hầu như đạt 100% ở các trung tâm Mũi Né, Phan Thiết cũng như các vùng phụ cận. Bên cạnh đó, đợt này thời tiết không thuận lợi, nên lượng hải sản tươi sống không nhiều. Giá hải sản tươi sống có chỗ tăng tới 100%, thậm chí còn tăng hơn.
 
Tại Kiên Giang, nhiều du khách không thể mua được vé tàu ra các đảo Phú Quốc, Hòn Tre, Nam Du... mặc dù các nhà tàu đều đã tăng chuyến. Các khách sạn, cơ sở lưu trú tại Phú Quốc đều kín chỗ, nhiều đoàn du khách không có tàu ra đành phải quay về các điểm du lịch trong đất liền khiến các điểm này cũng có lượng khách tăng cao so với cùng kỳ mọi năm.
 
Bất chấp nắng nóng, du khách chen nhau xuống tàu đi du lịch trong dịp lễ vừa qua.
6 ngày nghỉ lễ vừa qua được xem là kỳ nghỉ “giải hạn” cho ngành du lịch trong bối cảnh ngành du lịch của chúng ta đang gặp nhiều khó khăn.

Tại Sapa trong dịp nghỉ lễ vừa qua, nhiều công ty du lịch và du khách choáng váng khi giá phòng tại Sa Pa tăng chóng mặt, cao gấp 4-5 lần so với ngày thường. Cá biệt ở trung tâm du lịch này có khách sạn còn “hét” tới giá 46 triệu/phòng/đêm.
 
Trước đó, vài tháng lượng khách du lịch đi tour của các doanh nghiệp lữ hành đã tăng chóng mặt. Nhiều hãng lữ hành phải tăng thêm tour, dịch vụ song vẫn không đáp ứng được hết nhu cầu đi chơi của người dân. Đến giữa tháng 4/2015, nhiều doanh nghiệp lữ hành đã phải ngừng đăng ký tour cho khách.

Thông tin từ Sở VHTTDL Quảng Ninh cũng cho biết, trong những ngày nghỉ lễ vừa qua, Quảng Ninh đã đón hơn 130 nghìn lượt du khách, trong đó có gần 100 nghìn lượt du khách tham quan vịnh Hạ Long.

Theo Cảng thủy nội địa Quảng Ninh, riêng trong hai ngày 30/4 và 1/5, đã có 1.647 chuyến tàu tham quan vịnh Hạ Long, cao điểm là ngày 1/5 có 828 chuyến tàu xuất bến với hơn 25 nghìn lượt du khách.

Tại Hải Phòng, hơn 6.000 phòng của các nhà nghỉ, khách sạn trên toàn đảo đều kín chỗ, trong đó hầu hết khách du lịch đều đăng ký trước. 3.474 phòng nghỉ lưu trú của 200 cơ sở du lịch tại Đồ Sơn đều được du khách đăng ký thuê. Số lượng khách du lịch về đây ngày nào cũng hơn 20 nghìn lượt người. Riêng ngày khai mạc liên hoan du lịch "Đồ Sơn - Biển gọi 2015" có hơn 40 nghìn lượt du khách về dự lễ.

Ở TP Đồng Hới, Quảng Bình, ngay trong ngày đầu tiên của đợt nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay, các khách sạn từ 1 đến 5 sao ở thành phố đã đón khoảng 90% lượng khách đăng ký trước đó, phần lớn là du khách ở Hà Nội và các tỉnh phía bắc. Dịp này, từ ngày 28/4 đến 1/5, có gần 6.800 đoàn với hơn 137 nghìn lượt người từ khắp mọi miền Tổ quốc đến viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Vũng Chùa - Đảo Yến, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch.

Cũng như nhiều doanh nghiệp lữ hành khác, trong 6 ngày nghỉ lễ Công ty Du lịch APT travel ước tính đã phục vụ được trên 2.000 khách. Chủ yếu vào hai tuyến chính là du thuyền nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long và Sapa theo các chương trình tour kéo dài từ 2 – 4 ngày.

“Không như các dịch vụ nhỏ lẻ làm ăn theo kiểu chộp giật chặt chém, dịp này cũng là để các doanh nghiệp uy tín tạo dựng thương hiệu với khách hàng, nên chất lượng phục vụ khá tốt, nhiều doanh nghiệp quyết định chịu cắt lãi để phục vụ khách đợt nghỉ lễ này”, ông Nguyễn Hồng Đài, Giám đốc Công ty Du lịch APT Travel cho biết.

Còn theo nhận định của công ty du lịch Vietravel thì kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay là kỳ nghỉ đặc biệt đối với nhóm khách gia đình. Vì thế, ngay sau Tết Nguyên đán, công ty đã lên kế hoạch chuẩn bị bộ sản phẩm đặc biệt, làm việc với các đối tác để có mức giá tốt nhất. Công ty hạn chế tối đa việc tăng giá tour bằng cách liên kết với các đối tác vàng. Vì thế, giá tour chỉ tăng nhẹ, khoảng 10%, do giá dịch vụ ngày lễ của các đơn vị cung cấp tăng.

Theo thống kê, năm 2015 lượng khách mua tour tại Vietravel tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, Vietravel phục vụ khoảng 8.000 lượt khách đi du lịch trong nước, 12.000 lượt khách đi du lịch nước ngoài (không bao gồm khách đoàn). Trước tình hình “hút” khách như dịp nghỉ lễ vừa qua, công ty này đã mở thêm các tour trong nước đi bằng ô tô và một số tour Đông Nam Á để kịp thời phục vụ du khách. Không chỉ dừng lại ở tour nội địa, đường tour nước ngoài rất đa dạng, từ thị trường xa như Nhật, Hàn, Hoa Kỳ, châu Âu, châu Úc đến chùm tour Đông Nam Á có tần suất khởi hành dày.

Có thể khẳng định, 6 ngày nghỉ lễ vừa qua được xem là kỳ nghỉ “giải hạn” cho ngành du lịch trong bối cảnh ngành du lịch của chúng ta đang gặp nhiều khó khăn, những ngày nghỉ lễ đã tạo cơ hội kinh doanh lớn cho ngành du lịch. Tuy nhiên, một điều dễ nhận thấy rằng, mặc dù vẫn cố gắng nhưng ngành du lịch Việt Nam chưa thoát khỏi tình trạng thiếu chuyên nghiệp. Câu chuyện khách bị "chặt chém” bao năm rồi vẫn không giải quyết nổi. Chính điều này đã minh chứng rằng, việc hơn một năm nay lượng khách quốc tế đến Việt Nam liên tục giảm sút và ít có tín hiệu hồi phục .

Bài, ảnh: Hữu Thắng