Cần phát triển du lịch bền vững thế nào?

Làm thế nào để phát triển du lịch một cách bền vững thay vì chạy đua, “ăn xổi” như hiện nay? Ông Hoàng Nhân Chính - Trưởng ban thư ký, Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam (TAB) chia sẻ về vấn đề phát triển du lịch bền vững, có trách nhiệm với môi trường và xã hội.

Cần phát triển du lịch bền vững thế nào? - 1

Ông Hoàng Nhân Chính  - Trưởng ban thư ký, Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam (TAB).

Việt Nam được đánh giá là giàu tài nguyên để phát triển du lịch nhưng có một nghịch lý là ngồi trên kho vàng đó mà người dân ở nhiều điểm đến vẫn nghèo. Theo ông, nguyên nhân vì sao?

- Có thể thấy, ở nhiều nơi, chúng ta chưa khai thác được tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hóa, hoặc là bỏ phí, hoặc là tận thu từ thiên nhiên, khai thác kiểu tàn phá nên ngồi trên mỏ vàng mà vẫn nghèo. Trong khi đó, theo bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh du lịch của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) năm 2019, tài nguyên văn hóa và kinh doanh du lịch của Việt Nam được xếp thứ 29, tài nguyên thiên nhiên xếp thứ 35/140 quốc gia được xếp hạng. Điều này cho thấy, tài nguyên của chúng ta rất lớn, cả tài nguyên tự nhiên và tài nguyên nhân văn, chỉ có điều  phải khai thác thế nào thôi.

Cần phát triển du lịch bền vững thế nào? - 2

Cầu Vàng ở Đà Nẵng - một điểm thu hút du khách thời gian qua.  Ảnh: P.V

"Tôi cho rằng, cần phải hài hoà giữa bảo tồn và phát triển, bảo tồn để phát triển, phát triển để bảo tồn nhưng không nên đại trà hoá các điểm đến mà cần lựa chọn đối tượng khách, phân khúc thị trường”.

Ông Hoàng Nhân Chính

Sự phát triển của du lịch Việt Nam gần đây, từ khi có sự tham gia của các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, đã có nhiều phát triển bứt phá, với tốc độ tăng trưởng thuộc top đầu thế giới. Ông đánh giá như thế nào về vai trò của các doanh nghiệp tư nhân trong sự phát triển du lịch bền vững theo định hướng của Nghị quyết 08?

- Đây là câu hỏi khó, nếu muốn trả lời chính xác phải đến từng điểm đến để nghiên cứu và lắng nghe người dân xem thực sự các dự án du lịch tác động như thế nào đến kinh tế của địa phương và người dân. Nhưng phải nhìn nhận thẳng thắn rằng sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp vào hoạt động du lịch là rất quan trọng và là điều không thể bỏ qua.

Nếu không có các nhà đầu tư chiến lược này thì không biết đến bao giờ mới có thể phát triển được. Tuy nhiên, để các nhà đầu tư hiểu cách làm như thế nào để bền vững và có lợi ích thì cần có Bộ tài liệu hướng dẫn để phát triển du lịch bền vững. Các doanh nghiệp khi phát triển đều phải nhìn vào những bộ tài liệu hướng dẫn đó để thực hiện hoặc các địa phương khi cấp phép cho các dự án cũng phải đối chiếu vào đó để triển khai cho phù hợp với yêu cầu phát triển của địa phương.

Các tỉnh cũng cần phải có quy hoạch du lịch đồng thời sáng suốt sự lựa chọn các nhà đầu tư có tâm, có tầm để thực hiện các dự án du lịch, thay vì phát triển du lịch một cách tự phát, manh mún, nhỏ lẻ, có thể làm hại đến tài nguyên mà lợi ích kinh tế, lợi ích xã hội thu về không được bao nhiêu. Thậm chí, nếu chính quyền và nhà đầu tư không thống nhất được quan điểm phát triển du lịch bền vững, địa phương cần dũng cảm từ chối cấp phép đầu tư.

Chúng tôi đang xây dựng bộ chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam (Vietnam Tourism Competitiveness Index - VTCI), trong đó có những chỉ số nói về sự hài lòng của các doanh nghiệp với sự quản lý của địa phương, sự hài lòng của khách du lịch với điểm đến hoặc sự hài lòng của người dân đối với những dự án du lịch trên địa bàn… Từ đó, giúp địa phương có những đánh giá tổng quát để quản lý và phát triển đúng hướng.

Thời gian tới, Nhà nước và cộng đồng cần có sự nhìn nhận và khuyến khích ra sao để thêm nhiều đơn vị du lịch tâm huyết tham gia phát triển du lịch xanh, bền vững?

- Như tôi đã phân tích ở trên, vai trò dẫn dắt của cơ quan quản lý nhà nước là rất quan trọng. Do đó, cần xây dựng bộ công cụ hướng dẫn phát triển du lịch bền vững, nêu rõ thế nào là phát triển bền vững, những gì là bắt buộc thực hiện và những gì khuyến khích thực hiện.

Ở nước ngoài, các bộ quy tắc ứng xử thường được xây dựng trên 3 mức độ. Mức độ 1 là bắt buộc thực hiện (ví dụ như ở trong vườn quốc gia cấm được đốt lửa trại); mức độ 2 là cần thiết thực hiện (ví dụ như ở trong vườn quốc gia không được xả rác bừa bãi); mức độ 3 là khuyến khích thực hiện (ví dụ như ở trong vườn quốc gia nên tổ chức du lịch xanh gắn với bảo vệ môi trường). Ở Việt Nam, bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch đã được Bộ trưởng Bộ VHTTDL ký ban hành nhưng chỉ là vận động, khuyến khích thực hiện chứ không có bắt buộc.

Hiện nay, có quan điểm cho rằng cần giữ nguyên trạng tài nguyên thiên nhiên và văn hóa để phát triển du lịch bền vững thay vì đầu tư đồng bộ để phát triển. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

- Cần phải nhìn nhận rõ ràng là việc phát triển du lịch mang lại rất nhiều lợi ích cho đất nước, cộng đồng và dân cư. Ngoài việc đem lại giá trị kinh tế, việc phát triển du lịch còn làm cho cộng đồng có ý thức tốt hơn về bảo tồn, nhìn thấy lợi ích từ bảo tồn và có nguồn thu để tái đầu tư cho bảo tồn. Việc phát triển du lịch cũng thu hút các nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của di sản và cảnh quan thiên nhiên.

Tuy nhiên, nếu phát triển quá tải hoặc phát triển không đúng hướng, thương mại hoá cũng là vấn đề đáng lo ngại. 

Xin cảm ơn ông!

Theo Dân Việt