Các lễ hội Xuân không thể bỏ lỡ dịp Tết Nguyên đán

(Dân trí) - Đi hội Xuân là thú vui và là nét đẹp văn hóa từ ngàn xưa. Văn hóa Việt phong phú nên các lễ hội cũng mang nhiều ý nghĩa: có những lễ hội để tưởng nhớ cội nguồn, những lễ hội để cầu chúc may mắn, hay đơn giản để gặp gỡ giao duyên.

Lễ hội chùa Hương

Thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, lễ hội chùa Hương là một trong những lễ hội kéo dài nhất cả nước. Đến với lễ hội, du khách không chỉ được tham gia vào hành trình về cõi Phật mà còn được đắm mình trong không gian của non nước mênh mông với hàng giờ ngồi thuyền ngắm cảnh.

Chùa Hương là tập hợp nhiều động, chùa trong một tổng thể cấu trúc kết hợp với thiên nhiên nhân tạo bao gồm đồi, núi, hang động, suối rừng và chùa, tháp.

Vãn cảnh chùa Hương đầu năm không chỉ để cảm nhận không khí thanh tịnh, yên bình mà còn để cầu may mắn cho một năm mới an lành.
Vãn cảnh chùa Hương đầu năm không chỉ để cảm nhận không khí thanh tịnh, yên bình mà còn để cầu may mắn cho một năm mới an lành.

Để vào được chùa, du khách sẽ được ngồi thuyền xuôi dòng suối Yến thơ mộng, hòa mình cùng làn nước trong xanh. Trên đường đi thuyền vào chùa bạn sẽ được chiêm ngưỡng phong cảnh tuyệt đẹp núi non, sông nước tuyệt đẹp.

Đền Trình – Chùa Thiên Trù – Động Tiên Sơn – Chùa Giải Oan – Đền Trần Song – Động Hương Tích – Chùa Hinh Bồng là những địa điểm không thể bỏ qua được khi tới chùa Hương.

Lễ hội Lồng Tồng, Tuyên Quang

Lễ hội Lồng Tông là lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Tày tỉnh Tuyên Quang. Lễ hội được tổ chức vào mùng 8 tháng Giêng hàng năm với mong ước cầu một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình ấm no, hạnh phúc.

Hội Lim, Bắc Ninh

Hội Lim là một lễ hội lớn đầu xuân vùng Kinh Bắc được tổ chức từ ngày 12 đến 14 tháng Giêng hàng năm, trên địa bàn huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.

Hội Lim được coi là nét kết tinh độc đáo của vùng văn hoá Kinh Bắc.
Hội Lim được coi là nét kết tinh độc đáo của vùng văn hoá Kinh Bắc.

Hội Lim là một sinh hoạt văn hóa đặc sắc với dân ca quan họ nổi tiếng. Các làng quan họ xung quanh mang liền anh, liền chị tới hát giao duyên, hát đối đáp, thi hát với nhau ở trên bề, dưới bến.

Trong ngày lễ, có nhiều nghi lễ và trò chơi dân gian như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm.

Hội gò Đống Đa, Hà Nội

Hội gò Đống Đa diễn ra hàng năm vào ngày mùng 5 Tết tại gò Đống Đa, phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội.

Đây là lễ hội chiến thắng, được tổ chức để tưởng nhớ tới công tích lẫy lừng của vua Quang Trung - người anh hùng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Trong ngày hội có nhiều trò chơi vui khoẻ, thể hiện rõ tinh thần thượng võ. Trong đó, trò rước Rồng lửa Thăng Long là độc đáo nhất.

Lễ hội đền Gióng, Sóc Sơn, Hà Nội

Khai hội vào ngày 6/1 âm lịch hàng năm. Lễ hội đền Gióng được tổ chức tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Theo truyền thuyết đây chính là nơi dừng chân cuối cùng của Thanh Gióng trước khi bay về trời.

Lễ hội diễn ra trong 3 ngày với đầy đủ các nghi lễ truyền thống như: lễ khai quang, lễ rước, lễ dâng hương, dâng hoa tre lên đền Thượng, nơi thờ Thánh Gióng .

Hội Gióng là lễ hội để tưởng nhớ và ca ngợi chiến công của người anh hùng Thánh Gióng, một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.
Hội Gióng là lễ hội để tưởng nhớ và ca ngợi chiến công của người anh hùng Thánh Gióng, một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Hiện tại, khu di tích gồm: đền Trình, đền Mẫu, chùa Đại Bi, đền Thượng, tượng đài thánh Gióng, chùa Non nước và các lăng bia đá ghi lại lịch sử và lễ hội đền Sóc.

Năm 2011 Hội Gióng (gồm 2 lễ hội chính tại Sóc Sơn và tại làng Phù Đổng, huyện Gia Lâm, HN) đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Hội đua ngựa Gò Thì Thùng, Phú Yên

Lễ hội được tổ chức vào mùng 9 tháng Giêng, tại Gò Thì Thùng, xã An Xuân, huyện Tuy An. Mặc dù tham gia đường đua là những chú ngựa hàng ngày thồ hàng và kỵ sĩ là những người nông dân chân chất, nhưng vào ngày hội, du khách sẽ được chứng kiến những màn phi nước đại trong tiếng reo hò cổ vũ của hàng nghìn người xem.

Ngoài phần đua, lễ hội còn có các trò chơi dân gian sôi động.

Khai ấn Đền Trần, Nam Định

Lễ hội ở đền Trần thường diễn ra 3 ngày, từ 13 đến 15 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Hội mở đầu bằng lễ khai ấn bắt đầu từ giờ Tý (giữa đêm). Ấn được phát tại 3 nhà là nhà Giải Vũ, nhà trưng bày đền Trùng Hoa và một điểm trong khu vực vườn cây đền Trần.

Khai ấn là nét đẹp trong văn hóa Việt.
Khai ấn là nét đẹp trong văn hóa Việt.

Hầu hết du khách tới lễ hội Đền Trần đều mong muốn có một tờ ấn và mong ước được thăng tiến trong nghề nghiệp. Ngoài lễ phát ấn, lễ hội còn tổ chức những hoạt động truyền thống như: Múa rồng, múa lân, hát chèo, hát chầu văn, thi đấu cờ người…để phục vụ du khách tham quan.

Lễ hội Yên Tử, Quảng Ninh

Là một trong những trung tâm Phật giáo của Việt Nam, Yên Tử mỗi năm vào mùa lễ hội thu hút hàng trăm nghìn lượt khách hành hương. Lễ hội Yên Tử được tổ chức hàng năm bắt đầu từ ngày 10 tháng giêng và kéo dài hết tháng 3 (âm lịch).

Hàng năm, tới dịp lễ hội, du khách đổ về Yên Tử (Quảng Ninh) từ sáng sớm, hăm hở leo núi để được chạm tới ngôi chùa làm bằng đồng nằm trên đỉnh non thiêng.

Yên Tử là ngọn núi cao trong dãy núi Đồng Triều, với hệ thống cáp treo hoạt động hết công suất để phục vụ như cầu thưởng ngoạn du lịch của người dân.
Yên Tử là ngọn núi cao trong dãy núi Đồng Triều, với hệ thống cáp treo hoạt động hết công suất để phục vụ như cầu thưởng ngoạn du lịch của người dân.

Ngoài những nghi lễ truyền thống như dâng hương, lễ cầu quốc thái dân an còn có các tiệt mục nghệ thuật truyền thống, lễ đóng dấu thiêng Yên Tử…Đặc biệt nhất là sự tham gia của đồng bào dân tộc ít người quanh vùng núi Yên Tử và các vùng lân cận vào các hoạt động của lễ hội, vừa làm phong phú cho các chương trình vừa gắn chặt tình đoàn kết của các dân tộc anh em.

Hệ thống cáp treo 2 chặng từ bến Giải Oan đến chùa Hoa Yên và từ chùa Hoa Yên tới khu vực tượng An Kỳ Sinh đã được nâng cấp, đảm bảo việc vận hành trơn tru để phục vụ du khách.

Hoàng Ngọc

Tổng hợp