Bức tượng chim cú gây tranh cãi vì tạo hình dễ liên tưởng tới “bộ phận nhạy cảm”

(Dân trí) - Bức tượng về loài chim cú tai dài đang gây nhiều tranh cãi trong dư luận bởi tạo hình đặc biệt lại khiến người ta dễ liên tưởng tới “bộ phận nhạy cảm” của phái mạnh.

Bức tượng chim cú gây tranh cãi vì tạo hình dễ liên tưởng tới “bộ phận nhạy cảm”

Đó là một bức tượng làm bằng đất nung cao 2,4m, đặt tại thành phố Kikinda, Serbia, mô phỏng hình con chim cú tai dài. Được biết, tác phẩm nghệ thuật này nhằm để tôn vinh thành phố nơi có số lượng loài chim cú tai dài hiện sinh sống lớn nhất thế giới.

Được biết, hàng năm vào mùa đông, thành phố phía bắc của Serbia này thu hút hàng nghìn du khách tới ngắm nhìn loại chim cú đặc biệt này. Nhưng năm nay, thành phố nhỏ lại trở thành tâm điểm chú ý vì một lý do khác - đó là bức tượng điêu khắc kỳ quặc.

Bức tượng chim cú tai dài được thiết kế lại giống bộ phận nhạy cảm của phái mạnh
Bức tượng chim cú tai dài được thiết kế lại giống "bộ phận nhạy cảm" của phái mạnh

Ngay từ khi bức tượng chính thức ra mắt đã vấp phải làn sóng chỉ trích dữ dội. Nhiều tranh luận trên khắp diễn đàn đã nổ ra khi cho rằng, bức tượng nhìn giống “bộ phận nhạy cảm của nam giới”, hơn là một con chim cú tai dài. Nhiều người còn lên tiếng yêu cầu dỡ bỏ công trình.

Trên trang Facebook, những lời chê bai mỉa mai xung quanh bức tượng cũng thu hút người xem không kém. “Mọi người sẽ nhạo báng thành phố Kikinda mất thôi. Bức tượng như đại diện cho một thứ gì đó rất nam tính, chứ không phải hình ảnh một con chim cú tai dài”, một ý kiến nêu ra.

Jovan Blat, nhà điêu khắc địa phương, đồng thời là “cha đẻ” bức tượng, cho biết, anh sẵn sàng làm lại một tác phẩm mới, sau khi nhận quá nhiều chỉ trích. Anh cho biết, bản thân muốn làm một bức tượng cách điệu với phần thân dài, nhưng vẫn lấy hình mẫu từ một con chim cú nguyên bản.

Loài chim cú tai dài ở Kikinda, Serbia, nổi tiếng khắp thế giới
Loài chim cú tai dài ở Kikinda, Serbia, nổi tiếng khắp thế giới

Dù tác giả có ý định làm lại, nhưng chính quyền địa phương lại từ chối bình luận sự việc này. Theo ông Zeljko Bodrozic, tổng biên tập một tờ báo địa phương, bức tượng chim cú vẫn nên được giữ lại. “Có thể tác phẩm được cường điệu, nhưng theo một cách nào đó nó vẫn là biểu tượng của thành phố”.

Trong khi đó, anh Dragan Simic, một dân mê chim chóc lại cho hay, anh không để ý nhiều đến bức tượng. “Thành phố Kikinda giờ đây đã nổi tiếng khắp châu Âu, thậm chí toàn thế giới với loài chim cú tai dài. Chúng ta vốn có những vị khách rất đông đảo và trung thành”.

Huy Hoàng

Theo ABC