Bí kíp bỏ túi cho chuyến khám phá rừng

(Dân trí) - Trở về với thiên nhiên hoang sơ để tận hưởng vẻ yên bình đang là lựa chọn của nhiều du khách muốn rời xa nhịp sống ồn ào của đô thị.

Nằm lòng những bí kíp dưới đây sẽ giúp bạn có được chuyến đi an toàn, thú vị.

1. Nghiên cứu lịch trình

Nên tìm hiểu lịch trình của chuyến đi, những thông tin về thời tiết, địa điểm sẽ đi qua, mức độ an toàn, vị trí cắm trại...

2. Chuẩn bị sức khỏe

Đi rừng nên đi theo nhóm (Ảnh: Huynh Toàn).
Đi rừng nên đi theo nhóm (Ảnh: Huynh Toàn).

Với những chuyến phượt rừng, bạn cần nhất sức khỏe vì không có gì thay thế đôi chân. Đi bộ, chạy bộ thường xuyên trước thời gian bạn chuẩn bị đi rừng để cải thiện sức khỏe, luyện sự dẻo dai cho đôi chân, tránh hiện tượng đi nhiều bị chuột rút.

3. Chuẩn bị giấy tờ

Xác định thời gian, thời tiết để chuẩn bị đồ cho chuyến đi rừng và có những phương án cụ thể. Nếu đi đến khu vực ở vùng biên giới hoặc khu bảo tồn, bạn phải chuẩn bị những giấy tờ cần thiết. Nên mang theo bản đồ, một bản copy về lịch trình của bạn trong hành lý.

4. Thông báo cho người thân

Hãy cho người thân, bạn bè biết về ý định, lịch trình, địa điểm chuyến đi của bạn đề phòng có gì bất trắc, rủi ro.

5. Chuẩn bị đồ đạc

Những vật dụng cần thiết như quần áo, giày đế mềm, áo khoác nhẹ, áo mưa, mũ, kính, kem chống côn trùng, ba lô chống nước, có nhiều ngăn để đồ thuận tiện.

Ngoài ra, lều trại, túi ngủ, áo mưa, tấm trải, đèn pin, dao, bật lửa, nồi niêu xoang chảo (để nấu ăn), túi sơ cấp cứu và thuốc y tế, đặc biệt nên có thêm một loại thuốc khử trùng nước phòng trường hợp hết nước khoáng hoặc nước đun sôi đem theo dọc đường.

6. Thức ăn

Một số đồ ăn có thể bảo quản lâu và dễ sử dụng, nhiều năng lượng như ruốc, xúc xích, bánh mì, đồ hộp, lương khô, mì tôm, thịt bò khô, lạc rang mặn, rau khô đóng gói, bánh quy, kẹo ngọt, chocolate, viên C sủi để tăng cường sức đề kháng. Nước uống là thứ không thể thiếu khi đi rừng.

7. Nên đi theo nhóm đông người

Giữa rừng hoang sơ, bạn chỉ là một chấm nhỏ trong bạt ngàn cây rừng. Vì vậy nên đi theo đoàn, nhóm, để tránh lạc đường và có thể hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp rủi ro.

8. Thuê người dân địa phương dẫn đường

Nên hỏi những người dân bản địa (Ảnh: mocchautourism).
Nên hỏi những người dân bản địa (Ảnh: mocchautourism).

Khi du ngoạn tại rừng rậm, tốt nhất du khách nên thuê người dân địa phương dẫn đường để tránh bị lạc cũng như họ có thể phiên dịch giúp ta hiểu ngôn ngữ của người dân bản địa.

9. Cắm trại ở gần nơi có người địa phương ở

Khi ngủ trong rừng, bạn không nên chọn chỗ ngủ dưới chân núi có nhiều đá, thay vào đó, nên chọn vị trí bằng phẳng và thông thoáng. Chỗ ngủ phải nằm xen giữa các hàng cây (đề phòng mưa bão, cây đổ đè lên người). Nên dựng trại gần chỗ có người dân địa phương sinh sống.

10. Đốt lửa xua đuổi thú dữ

Bạn nên nhóm lửa khi ngủ nhằm giúp giữ ấm và xua đuổi thú dữ.

11. Di chuyển nhanh

Nếu đang du ngoạn trong rừng mà trời mưa bất chợt , bạn nên di chuyển lên cao đề phòng lũ về bất chợt.

12. Nếu bị lạc đường:

Nếu không may bị đi lạc, du khách nên đi theo đường mòn của dân đi củi, làm gỗ hoặc đi theo hướng nước sông suối chảy. Cách này sẽ giúp bạn trở về dưới xuôi và nhờ người dân địa phương chỉ đường về nhà an toàn. Ngoài ra, bạn có thể đốt lửa tạo khói, hoặc phát ra âm thanh, tín hiệu để hy vọng sự giúp đỡ. Có thể ăn trái cây rừng (không có độc), tuyệt đối không ăn những loại nấm độc, có màu sắc sặc sỡ.

13. Cách xử lý khi gặp sự cố

Nếu chẳng may đến địa phận của lâm tặc, bạn hãy nhanh chóng rời xa lán trại của họ hoặc nếu chạm mặt chỉ nói những câu xã giao rồi tìm cách rời nhanh nhất có thể. Trường hợp sa vào bẫy thú, bạn phải bình tĩnh và gọi người ứng cứu. Đừng cố tìm cách giãy giụa để thoát, bạn sẽ bị mắc kẹt sâu hơn.

Côn trùng cắn, đốt nên xé chút giấy thấm nước bọt đậy lên vết thương để cầm máu. Nếu bị rắn cắn nên buộc ca rô theo hướng dẫn của y tế và xuống núi thật nhanh. Trong trường hợp khẩn cấp, bạn có thể rạch một vết đường nhỏ để hút nọc độc ra.

Song An