“Bắt” Tây cày ruộng - nghề ra tiền của nông dân Hội An

Đến Hội An, không khó để bắt gặp hình ảnh những “hướng dẫn viên áo nâu” hướng dẫn tham quan cho khách nước ngoài. Đặc biệt, những bác nông dân này lại rất rành tiếng Anh, chính điểm mới mẻ này đã làm du khách thích thú.

Nông dân làm du lịch

 

Được thả hồn mình vào khung cảnh làng quê yên tĩnh, được tự tay chăm bón những luống rau, thử sức mình trong vai trò người nông dân… là những trải nghiệm đặc biệt mà không phải khu du lịch nào cũng có. Chính bởi làng rau Trà Quế không phải chỉ để kinh doanh du lịch mà còn là nơi cung cấp rau cho cả vùng nên vẫn giữ được sự giản dị, gần gũi. Không cần những khu biệt thự, không có những quán cà phê, “có gì dùng nấy” là điểm đặc biệt tại làng rau này.

 

Vườn rau tại Trà Quế mỗi ngày tiếp cả trăm lượt khách đến tham quan. Không chỉ khách nước ngoài mà các tour trong nước cũng được tổ chức ở đây để tham gia các trò chơi xem ai vun luống đẹp nhất, ai hái được nhiều rau xanh nhất... Những luống hành, rau húng xanh mướt tưởng chừng như quen thuộc với người Việt thì ở nơi đây chúng lại hái được ra tiền.

 

“Bắt” Tây cày ruộng - nghề ra tiền của nông dân Hội An



Từ 7h sáng khi khách du lịch chưa đến thì những người dân xung quanh đã đổ ra đồng nhặt bớt những lá héo úa, sửa sang lại những luống rau để đón khách. Lão nông Nguyễn Văn Thế năm nay đã ngoài 70 tuổi hào hứng: “Chúng tôi ở đây vừa trồng rau vừa kết hợp làm du lịch. Buổi sáng thì vợ tôi cắt rau đi bỏ sỉ tận Trà Kiệu (huyện Duy Xuyên), còn tôi ở nhà lo dọn dẹp vườn tược tươm tất để đón khách. Cứ khoảng 9,10h sáng là ở đây đông như đô hội’’.

 

Đúng như lời ông Thế miêu tả, chỉ trong một khoảnh vườn nhỏ đã có 3 tốp du khách gần 30 người đến tham quan. Nhanh tay cầm cuốc, ông Thế và con trai phân đoàn khách ra làm 2 nhóm để tiện hướng dẫn. Những vị khách Tây này đều được mặc áo nâu sồng, đi chân đất để giống một nông dân thực thụ. Công việc của ông Thế là hướng dẫn họ các bước để trồng nên một luống rau.

 

Không chỉ hướng dẫn cách trồng rau mà nông dân ở đây còn kết hợp với các đơn vị lữ hành tổ chức ăn uống, nghỉ ngơi cho du khách ngay tại nhà mình. Với khoảnh sân rộng nhiều cây cối mát mẻ, gia đình ông Phan Văn Long thường xuyên được chọn làm địa điểm nghỉ ngơi sau những giờ lao động của “Tây nông dân”.

 

Ích nước, lợi nhà

 

Ông Long cho biết: “Mùa mưa thì không nói nhưng cứ ra tết là nhà tôi lúc nào cũng đông người. Con cái đi làm ăn xa hết nên vợ chồng tôi cũng chỉ ở nhà. Khi nào có khách thì bên lữ hành họ điện thoại báo trước. Tôi lo dọn dẹp nhà cửa, còn vợ tôi đi chợ mua tôm, thịt về đúc bánh xèo”.

 

Trung bình công hướng dẫn làm đất, trồng rau thì nông dân được trả 50 nghìn đồng/15 phút hướng dẫn. Đối với việc dẫn khách về nhà lo ăn uống thì trừ tiền nguyên vật liệu ông Long được nhận từ 200-300 nghìn đồng. Ông Long tuổi cao nhưng vẫn năng nổ, hiếu khách nên hầu như đoàn khách nào đến nhà cũng gửi thêm tiền bồi dưỡng cho ông. “Khách Tây thích được người già hướng dẫn vì chúng tôi tỉ mỉ và có nhiều kinh nghiệm hơn lớp trẻ. Hơn nữa, nhìn chúng tôi quê mùa... giống “hai lúa” hơn”, ông Long cười.

 

Bỗng nhiên trở thành “thầy dạy làm nông dân”, nhiều gia đình đã sáng tạo ra cách đưa tất cả những gì lạ mắt, độc nhất chỉ có ở làng quê vào tour du lịch. Những cánh đồng lúa thành nơi tập cấy, những con trâu thì thành trâu du lịch. Những vị khách Tây mặc áo nâu lui cui từ dưới ruộng lên dính đầy bùn đất nhưng họ lại rất vui vẻ, còn chỉ vào thành quả nói “good, good”. Với họ, một ngày làm nông dân quả là một ấn tượng mới mẻ, khó quên.

 

Vừa tạo được công ăn việc làm cho người dân địa phương, mô hình “nông dân làm du lịch” còn góp phần xây dựng một môi trường phố cổ sạch đẹp, gần gũi. Với những gì đạt được, cách làm du lịch theo kiểu nông dân tại Trà Quế là một cánh cửa mới trên hành trình phát triển du lịch phố cổ Hội An.

 
Theo Hồng Anh

Pháp luật VN