Bánh mì Sài Gòn, món ăn "vua" thời Covid-19

(Dân trí) - Bánh mì, “món ăn vua” nổi tiếng của người Sài Gòn bởi tính bình dân, tiện dụng. Nhiều người còn sánh nó "ngang" với môn thể thao vua là bóng đá.

Bánh mì SàiGòn, món ăn "vua" thời Covid-19
Bánh mì Sài Gòn, món ăn vua thời Covid-19 - 1
Nhân kỷ niệm 9 năm ngày Bánh mì được cộng đồng quốc tế công nhận là một nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của Việt Nam thông qua việc cụm từ “Bánh mì” được đưa nguyên bản tiếng Việt vào từ điển Oxford (24/3/2011 - 24/3/2020), và đặc biệt, sự kiện Bánh mì được đặt làm Doodle Google tại 12 quốc gia trong ngày hôm qua (24/3), Sở Du lịch TPHCM tổ chức chương trình giới thiệu hai sự kiện này và giá trị văn hóa hàm chứa trong món ăn bánh mì Việt Nam, bánh mì Sài Gòn đến cộng đồng quốc tế và trong nước.

“Bóng đá là môn thể thao vua vì không phân biệt đối tượng, số lượng, không gian và thời gian. Người không tiền chơi bóng nhựa, người có tiền chơi bóng hơi, thậm chí lấy phế liệu cuộn lại rồi đá, 1 người chơi cũng được, nhiều người chơi cũng được, đồng bằng chơi cũng được, đồi núi chơi cũng được. Tự đặt ra cho mình luật chơi, quy định. Bánh mì Sài Gòn cũng thế, rảnh rỗi hay bận rộn thì vẫn có thể trên tay ổ bánh mì. Có tiền thì ăn bánh mì thịt, vào nhà hàng, quán cà phê, không tiền thì ăn bánh mì không chấm nước tương, chấm đường, sữa. Thậm chí người ta còn ăn với kem, bánh mì gần gũi, dễ biến tấu nên với tôi nó là món ăn vua”, bà Nguyễn Thị Tắng, 66 tuổi, bán bánh mì kem ở quận 1 chi sẻ.

Bạn Nguyễn Quang Toàn, nhân viên văn phòng quận 3 cho biết: “Dịch Covid-19 phức tạp quá khi mà nay đã hơn trăm ca, hạn chế tụ tập thôi chứ bù khú như ở mấy hàng quán đông người mà gặp như kiểu quán bar bên quận 2 thì thôi thua. Em toàn mua bánh mì mang đi chứ cũng không dám vào hàng quán ngồi ăn như lúc trước. Hôm nào siêng về nhà làm ốp-la, nhanh và tiện thì bánh mì thịt, đạm bạc thì bánh mì không cho qua bữa”.

Chiến dịch cũng đồng thời chuyển tải thông điệp “Bánh mì” là một món ăn nhanh, dinh dưỡng, ngon và tiện (mua nhanh và có thể đặt giao hàng), góp phần đơn giản lối sống trong mùa dịch Covid-19. Nhiều cửa tiệm bánh mì hưởng ứng, phối hợp cùng Goviet, Now.vn và Foody để thực hiện các chương trình hấp dẫn, khuyến khích người dân đặt Bánh mì qua ứng dụng trực tuyến, giao tận nhà.

Bánh mì Sài Gòn, món ăn vua thời Covid-19 - 2
Lò bánh mì Hồng Hoa hơn 30 năm ở Sài Gòn mỗi ngày cho ra hàng trăm ổ bánh bánh mì nón
Bánh mì Sài Gòn, món ăn vua thời Covid-19 - 3
Bánh mì Sài Gòn trải qua thời gian trở thành khúc biến tấu đa sắc màu. Những năm trước, bánh mì đơn giản chỉ vài miếng thịt và nước dùng chan vào
Bánh mì Sài Gòn, món ăn vua thời Covid-19 - 4
Ngày nay, khi nhiều loại thịt chế biến sẵn ra đời đã làm cho phần nhân bên trong ổ bánh thêm nhiều sắc màu
Bánh mì Sài Gòn, món ăn vua thời Covid-19 - 5
Bánh mì Sài Gòn, rẻ, ngon, bắt mắt
Bánh mì Sài Gòn, món ăn vua thời Covid-19 - 6
Giữa mùa dịch Covid-19, việc mua nhanh một ổ bánh mì rồi nhanh chóng rời đi, tránh tập trung đông người hoặc đặt từ xa có lẽ là lựa chọn tối ưu nhất
Bánh mì Sài Gòn, món ăn vua thời Covid-19 - 7

“Có tiền thì ăn bánh mì thịt, vào nhà hàng, quán cà phê, không tiền thì ăn bánh mì không chấm nước tương, chấm đường, sữa. Thậm chí người ta còn ăn với kem, bánh mì gần gũi, dễ biến tấu nên với tôi nó là món ăn vua”, một người bán bánh mì chia sẻ cảm nhận về món ăn đường phố nổi tiếng thế giới của TPHCM.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh đã chia sẻ về bánh mì Sài Gòn: “Trên cả một món ăn, bánh mì Sài Gòn là đại diện tiêu biểu cho tính cách của con người Sài Gòn – đó là tính cách cởi mở, tiếp thu những tinh hoa của nhân loại và bằng sự sáng tạo, tinh tế, đã làm cho Bánh mì trở thành một món ăn khác biệt, đặc trưng và trở nên gần gũi với lối sống của người Sài Gòn. Bánh mì Sài Gòn cũng như tính cách của người Sài Gòn: hào sảng, cởi mở, dung nạp cái mới nhưng không hòa tan.”

Bánh mì Sài Gòn, món ăn vua thời Covid-19 - 8

Tiện dụng, nhanh chóng, giá cả bình dân, bánh mì Sài Gòn trở thành nét văn hoá đặc trưng.  Món ăn không phân biệt tầng lớp, giai cấp, màu da…

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam cũng chia sẻ: “Thưởng thức Bánh mì như thưởng thức một bản giao hưởng mà người chế biến, bằng sự sáng tạo, như một nhạc trưởng chế biến ra những bánh mì khác nhau, đó là nghệ thuật”.

Phạm Nguyễn