Bài học an ninh hàng không rút ra từ vụ máy bay Malaysia mất tích

(Dân trí) - Tình trạng hành khách bị mất hộ chiếu đã được Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) cảnh báo cho các chính phủ trước cả khi vụ việc máy bay Malaysia mất tích, nhưng dường như “mất bò mới lo làm chuồng”.

Giám đốc Interpol đã gửi lời cảnh báo về mối đe dọa này gần một tháng trước khi sự việc máy bay Malaysia mất tích với nghi vấn 2 hành khách sử dụng hộ chiếu đánh cắp. Dường như các chính phủ đã chưa giám sát đủ chặt chẽ tình trạng này.

 

Ronald Noble, người đứng đầu cơ quan tình báo quốc tế đã từng cảnh báo rằng việc không sử dụng cơ sở dữ liệu về hộ chiếu bị đánh cắp (SLTD ) của Interpol tạo ra một “lỗ hổng lớn” trong “bộ máy an ninh toàn cầu”. Ông cũng nói rằng các hãng hàng không nên sử dụng dữ liệu của Interpol để giám sát các hộ chiếu bị mất cắp.

 

Có lẽ sau sự vụ 2 hành khách được cho là sử dụng hộ chiếu bị đánh cắp lên chuyến máy bay Malaysia bị mất tích trên vùng Biển đông vừa qua cũng sẽ tác động nhiều đến các chính phủ và các hãng hàng không trong việc cân nhắc lời khuyên này.

 

Cơ sở dữ liệu về Hồ sơ du lịch bị mất và đánh cắp của Interpol hiện đang lưu trữ 40 triệu trường hợp được báo cáo từ 167 quốc gia trên thế giới.

 

Mặc dù trong năm 2013 dữ liệu này thu hút 800 triệu lượt tìm kiếm, truy cập nhưng ông Noble cho biết: “Mặc dù chi phí không cao và có thể sử dụng ở bất cứ đâu trên thế giới nhưng nhiều quốc gia đã không sử dụng dữ liệu này. Chỉ một số nước đang sử dụng nó có hệ thống để thẩm tra lý lịch du khách. Chính điều này đã tạo cơ hội cho tội phạm và khủng bố hoạt động”.

 

Luigi Maraldi người Ý mất hộ chiếu ở Thái Lan

Luigi Maraldi người Ý mất hộ chiếu ở Thái Lan
 

 

Ngay sau vụ 239 hành khách trên chuyến bay mất tích được báo cáo, chính phủ Áo đã báo cáo công dân Christian Kozel của nước mình không có trên chuyến bay vì anh ta vẫn an toàn dù tên anh ấy có trong danh sách mất hộ chiếu cách đây 2 năm. Tương tự như vậy thì Luigi Maraldi, 37 tuổi người Ý bị mất hộ chiếu trong chuyến du lịch Thái Lan hồi tháng 7 năm 2013 cũng được xác nhận là an toàn và không có trên chuyến bay thảm khốc.

 

Để phát hiện tội phạm sử dụng hồ sơ giả trước khi họ vượt qua biên giới trên một chiếc máy bay, Interpol đã phát triển I-Checkit – một sáng kiến cho phép các đối tác tư nhân trong ngành du lịch, khách sạn, và ngân hàng kiểm tra hồ sơ đối chiếu với cơ sở dữ liệu SLTD khi hành khách đặt vé máy bay, làm thủ tục nhận phòng khách sạn hay mở tài khoản ngân hàng.

 

Tuy nhiên, 2 hành khách trên chuyến bay Malaysia gặp nạn dường như đã không được xác nhận trước khi nó cất cánh ở Kuala Lumpur.

 

Đỗ Quyên

Theo telegraph