"Bạc Liêu có thể xây dựng thương hiệu du lịch với 3 tài nguyên độc đáo"

(Dân trí) - “Bạc Liêu hiện nay có khu Điện gió, khu lưu niệm Đờn ca tài tử và nhạc sĩ Cao Văn Lầu với bản Dạ cổ hoài lang, nhà Công tử Bạc Liêu là 3 tài nguyên có thể xây dựng thành 3 sản phẩm độc đáo duy nhất để tạo ra thương hiệu du lịch Bạc Liêu”, ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam nhận định.

UBND tỉnh Bạc Liêu cùng Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch phối hợp với Hiệp hội Du lịch ĐBSCL vừa tổ chức tọa đàm “Hợp tác, liên kết, khai thác tiềm năng du lịch Bạc Liêu”.

Bạc Liêu có thể xây dựng thương hiệu du lịch với 3 tài nguyên độc đáo - 1

Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu - bà Cao Xuân Thu Vân cho biết nhiều năm trước rất "trăn trở" với ngành du lịch tỉnh nhà. (Ảnh: Phạm Nguyễn)

Bạc Liêu hơn 10 năm trước chưa có tên trên bản đồ du lịch

Ông Lê Thanh Phong - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, cho rằng hơn 10 năm trước gần như Bạc Liêu không có tên trên bản đồ du lịch. Đến năm 2011, đây là địa phương có Nghị quyết về du lịch đầu tiên ở ĐBSCL. Sau nghị quyết này thì du lịch Bạc Liêu bắt đầu phát triển, trong đó đã “biến” tài nguyên du lịch thành sản phẩm du lịch.

Vào năm 2018, Tỉnh ủy Bạc Liêu tiếp tục ra Nghị quyết đẩy mạnh phát triển du lịch. Đến nay đã có hiệu quả khi 3, 4 năm gần đây du lịch Bạc Liêu phát triển một cách rõ nét. Như 10 tháng của 2019, doanh thu du lịch của Bạc Liêu đạt 1.867 tỷ đồng, đứng thứ 5 trong 13 tỉnh, thành ĐBSCL.

“10 năm trước, từ một tỉnh có thể nói là chưa có gì nhưng đến nay Bạc Liêu đã vươn lên vị trí thứ 5, việc này không phải đơn giản bởi những tỉnh khác cũng vươn lên, nhưng so với nhiều địa phương khác thì Bạc Liêu nhanh hơn, điều này cho thấy đã có sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt của tỉnh”, ông Phong đánh giá.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, tỉnh Bạc Liêu đã biết khơi dậy tiềm năng giá trị về văn hóa, như dàn nhạc ngũ âm của chùa Xiêm Cán (một ngôi chùa Khmer) từ một giá trị về tâm linh nhưng giờ đây đã trở thành một sản phẩm văn hóa du lịch độc đáo.

Bạc Liêu có thể xây dựng thương hiệu du lịch với 3 tài nguyên độc đáo - 2

Ông Lê Thanh Phong - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, cho rằng hơn 10 năm trước Bạc Liêu chưa có tên trên bản đồ du lịch, nhưng nay đã phát triển khá nhanh. (Ảnh: Phạm Nguyễn)

Viện trưởng Viện Phát triển Du lịch Việt Nam- ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, tự thân Bạc Liêu phát triển du lịch sẽ rất khó, nhưng nếu biết liên kết thì chắc chắn sẽ phát huy được những mong muốn của tỉnh.

Theo ông Tuấn, có 4 tuyến du lịch mà Bạc Liêu có thể liên kết khai thác là từ Cần Thơ xuống Cà Mau; TPHCM; các tỉnh duyên hải phía đông ĐBSCL; hành lang ven biển.

“Tuy nhiên, muốn thúc đẩy được liên kết thì cần đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông. Kiến nghị nâng cấp sân bay Cà Mau (gần Bạc Liêu) tạo điều kiện để kết nối các địa phương một cách thuận lợi trong việc đi lại”, ông Tuấn nêu quan điểm.

Bạc Liêu có thể xây dựng thương hiệu du lịch với 3 tài nguyên độc đáo - 3

Viện trưởng Viện nghiên cứu Du lịch Việt Nam - ông Nguyễn Anh Tuấn đề nghị Bạc Liêu nên kiến nghị mở rộng sân bay Cà Mau (gần Bạc Liêu) để tạo điều kiện thuận lợi trong việc di chuyển. (Ảnh: Phạm Nguyễn)

Xây dựng thương hiệu du lịch chỉ Bạc Liêu mới có

Ông Ngô Hoài Chung - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT&DL) cho biết, ở khu vực ĐBSCL, Bạc Liêu thuộc địa bàn vùng sâu vùng xa, đây là bất lợi trong du lịch. Quy mô cơ sở hệ thống lưu trú của tỉnh Bạc Liêu thấp nhất vùng ĐBSCL, điều này một mặt nói lên việc thu hút đầu tư doanh nghiệp lưu trú còn mức độ, nhưng qua đó cũng cho thấy tiềm năng du lịch và nhu cầu thị trường khách du lịch còn rất cao.

Theo ông Chung, giao thông đường bộ thuận lợi sẽ dễ tiếp cận điểm đến nhưng cũng có mặt trái là khách dễ dàng bỏ qua, không biến nơi đây thành điểm lưu trú nên lượng khách lưu lại, chi tiêu trong đêm cũng thấp so với các địa phương khác.

Phó Tổng cục trưởng Du lịch nói về ngành du lịch Bạc Liêu.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, các địa phương trong vùng ĐBSCL so với điều kiện tự nhiên, kinh tế… tương đối đồng nhất với nhau cho nên du lịch của vùng chủ yếu là miệt vườn, sông nước, nghe đờn ca tài tử, thưởng thức ẩm thực… sẽ dễ nhàm chán, trùng lắp, đơn điệu, khó sức thu hút.

“Do đó, Bạc Liêu cần tìm cách làm riêng của mình để đóng góp cho sản phẩm du lịch của vùng, khẳng định vị thế du lịch tỉnh nhà. Một trong những giải pháp quan trọng là phát triển du lịch sáng tạo, từ nguyên liệu cơ bản hoàn toàn giống nhau trên mặt bằng miệt vườn sông nước của vùng thì cần ưu tiên và hướng đến xây dựng sản phẩm có chất lượng cao, có giá trị trải nghiệm độc đáo”, ông Chung gợi mở.

Bạc Liêu có thể xây dựng thương hiệu du lịch với 3 tài nguyên độc đáo - 4
Bạc Liêu có thể xây dựng thương hiệu du lịch với 3 tài nguyên độc đáo - 5
Bạc Liêu có thể xây dựng thương hiệu du lịch với 3 tài nguyên độc đáo - 6

3 điểm du lịch độc đáo của Bạc Liêu hiện nay (từ trên xuống): Nhà Công tử Bạc Liêu, Khu lưu niệm Đờn ca tài tử - nhạc sĩ Cao Văn Lầu với bản Dạ cổ hoài lang, Khu Điện gió.

Theo ông Chung, ở Bạc Liêu hiện nay có khu Điện gió, khu lưu niệm Đờn ca tài tử và nhạc sĩ Cao Văn Lầu với bản Dạ cổ hoài lang, nhà Công tử Bạc Liêu, đây là 3 tài nguyên mà có thể xây dựng thành 3 sản phẩm độc đáo duy nhất để tạo ra thương hiệu du lịch Bạc Liêu ra cả thế giới.

Tuy nhiên, 3 điểm này mới chỉ là sơ khai tài nguyên mà chưa thật sự trở thành điểm đến, bởi vì điểm đến của du lịch bên cạnh tài nguyên còn có hạ tầng cơ bản, điểm lưu trú, bán hàng lưu niệm, nơi giải trí,…

“Muốn thế thì phải đầu tư thành sản phẩm điểm nhấn, coi như 3 sản phẩm này là đầu tàu dẫn dắt cả đoàn tàu còn lại của Bạc Liêu, là lý do để du khách đến đây ở lại Bạc Liêu cùng với 3 điểm này sẽ đến những điểm khác để lan tỏa sức hấp dẫn của Bạc Liêu”, ông Chung nói.

Bạc Liêu có thể xây dựng thương hiệu du lịch với 3 tài nguyên độc đáo - 7

Ông Ngô Hoài Chung - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam. (Ảnh: Phạm Nguyễn)

Ngoài ra, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, phần lớn du lịch của chúng ta là từ cộng đồng, bà con nông dân bỏ cuốc bỏ cày ra làm du lịch. Mà ngành du lịch là dịch vụ, bà con nông dân chưa được trang bị cả về chuyên môn nghiệp vụ, về ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng mềm là vô cùng quan trọng. Do đó, cần liên kết để đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch là cần thiết. 

“Thêm nữa là có sản phẩm rồi mà không xúc tiến quảng bá, giới thiệu thì không ai biết. Cho nên Bạc Liêu cũng cần đẩy mạnh công tác này, trong đó ưu tiên thị trường trong nước vì hiện nay thị trường nội địa rất phát triển”, ông Ngô Hoài Chung gợi ý.

Huỳnh Hải