Ấm cúng mâm cỗ Tết của người Việt

(Dân trí) - Tục ăn Tết, bày mâm cỗ Tết dâng cúng tổ tiên từ lâu đã là một phong tục đáng quý đặc trưng của người Việt. Đó là cách con cháu thể hiện sự tưởng nhớ, lòng biết ơn đối với ông bà, tổ tiên của mình.

Tết người Việt Nam nhất thiết phải có mâm cỗ, nếu không có cỗ thì không thể gọi là Tết.

Mâm cỗ Việt Nam bao giờ cũng thịnh soạn, nhiều màu sắc, với các bát đĩa cao, thấp, đầy, vơi khác nhau. Màu xanh của bánh chưng chen lẫn màu xôi gấc đỏ tươi, miếng măng màu vàng, chiếc nấm hương như chiếc dù xinh xinh, đĩa giò lụa hồng hồng.

Ấm cúng mâm cỗ Tết của người Việt
Tết là dịp đoàn viên, là khoảng thời gian đầm ấm nhất của gia đình trong năm, là niềm hạnh phúc sum vầy của người lớn, sự háo hức của trẻ nhỏ

Người Bắc ngày xưa có câu: Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh... Không có thịt mỡ, không có dưa hành, không có bánh chưng là không phải ngày Tết.

Người Việt Nam có từ ghép là ăn cỗ, bởi có nghèo đến đâu, Tết cũng phải có mâm cỗ. Trước hết là để cúng ông bà, tổ tiên, sau nữa là để vui vầy sum họp, có cái "nâng lên đặt xuống" cho con cháu đỡ tủi. Dù ngày nay, ở thành phố lớn, Tết đến, người ta "chơi" Tết còn quan trọng hơn ăn Tết.
Tùy điều kiện mà mâm cơm cuối năm của mỗi gia đình sẽ nhiều hay ít món, nhưng phổ biến với các gia đình trung lưu là từ 8 đến 10 món khác nhau. Không thể thiếu là dưa hành, bánh chưng, giò xào, gà luộc hay bát canh bóng thả ngọt vị tôm khô được chế biến khéo léo. Tuy đều là những món ăn đã quen thuộc, nhưng với khẩu vị tinh tế của người xưa, để chế biến thành công từng món cũng đòi hỏi những bí quyết riêng.

Tết là dịp đoàn viên, là khoảng thời gian đầm ấm nhất của gia đình trong năm, là niềm hạnh phúc sum vầy của người lớn, sự háo hức của trẻ nhỏ.

Giữa ngày 30 (hoặc 29) tháng Chạp và ngày mồng 1 tháng Giêng, giờ Tý (từ 23 giờ hôm trước đến 1 giờ hôm sau), trong đó thời điểm bắt đầu giờ Chính Tý (0 giờ 0 phút 0 giây ngày Mồng 1 tháng Giêng) là thời khắc quan trọng nhất của dịp Tết. Đánh dấu sự chuyển giao năm cũ và năm mới, nó được gọi là Giao thừa.

Ấm cúng mâm cỗ Tết của người Việt
Với người Hà Nội xưa ăn Tết cũng rất khéo và khoa học, ấy là chọn món ăn mùa nào thức nấy để từ nguyên liệu đến các vị phụ gia đều ở độ tươi ngon nhất

Để ghi nhận thời khắc này, người ta thuờng làm hai mâm cỗ. Một mâm cúng gia tiên tại bàn thờ ở trong nhà mình và một mâm cúng thiên địa ở khoảng sân trước nhà. Một số cộng đồng lấy con hổ là vật thờ thì gọi là cúng Ông Ba Mươi. Một số cộng đồng khác thì có một phần cỗ dành để cúng chúng sinh, cúng những cô hồn lang thang không nơi nương tựa.

Với người Hà Nội xưa ăn Tết cũng rất khéo và khoa học, ấy là chọn món ăn mùa nào thức nấy để từ nguyên liệu đến các vị phụ gia đều ở độ tươi ngon nhất. Đó là lý do tại sao vào mùa xuân, những món ăn như nộm su hào, bát thịt đông hay lòng gà xào dứa lại có mặt trong mâm cỗ ngày Tết.

Người Hà Nội thường gói bánh chưng sớm hơn các nơi khác. Sáng ba mươi tết, bánh chưng đã được vớt, rồi nén cho bánh khô ráo và buộc dây từng cặp một treo vào nơi thoáng mát để bảo quản. Nhiều nhà, sẵn có lá dong gói vài cặp giò thịt thủ lợn, hoặc chân giò với mộc nhĩ, hoặc gói thêm chiếc giò xào... Có nhà còn làm thêm món cá kho riềng để ăn với các món khác cho đỡ chán.

Thông thường một mâm cỗ có tám bát và tám đĩa chính, không kể đĩa dưa hành, rau xà lách, bánh chưng, xôi gấc. Nhưng tùy theo hoàn cảnh mỗi gia đình mà thêm món này, bớt món khác, vào thời bao cấp, mâm cỗ được rút xuống thành 4 bát 6 đĩa. Những món đặc sản, cao cấp đắt tiền được phép "cho qua" nhưng cái chính là mâm cỗ phải đầy đặn, ngon mắt, ngon miệng để người ăn được no nê.

Ngày nay, mâm cỗ truyền thống cũng đã được cách tân đa dạng hơn với nhiều món được chế biến cầu kỳ. Nhưng để nhớ đến hương vị Tết xưa thì có lẽ những món ăn truyền thống được làm đúng cách, đậm đà hương vị vẫn là những nét không thể thiếu để làm nên một cái Tết trọn vẹn ý nghĩa trong mỗi gia đình Việt Nam.

Dù cho bao thế hệ trưởng thành, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa mới, ý nghĩa của ngày Tết truyền thống vẫn luôn vẹn nguyên trong tinh thần, nếp sống của mỗi người Việt.

Minh Phan
Ảnh: St