Ai về Bình Định mà coi…

(Dân trí) - Ai từng về Bình Định hẳn còn nhớ câu “Ai về Bình Định mà coi/Con gái Bình Định bỏ roi, đi quyền”. Võ cổ truyền Bình Định trở thành nét đẹp riêng, làm nên tinh thần thượng võ của người nơi đây.

Từ trong thế núi hình sông, dường như trời đất hữu tình muốn dành cho Bình Định một dấu ấn riêng, nên sắp bày thiên nhiên vô cùng ngoạn mục: Từ đỉnh đèo An Khê nhìn xuống, núi tiếp núi trong một trận đồ hùng vĩ, dòng sông Kôn dựng bao ghềnh thác thượng nguồn, bồi đắp vỗ về bao làng mạc trước khi hòa vào biển cả.

Ai về Bình Định mà coi…

Võ Bình Định hình thành theo đơn vị làng, cũng như sự hình thành làng nghề, làng ẩm thực, làng sản vật.

Đến Bình Định, bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên khi được tận mắt chứng kiến các thục nữ biểu diễn đường roi nhuần nhuyễn. Hình ảnh mà hiếm thấy được ở đâu trên đất nước Việt. Khiến cho du khách chợt nhớ câu ca nổi tiếng năm xưa: Roi Thuận Truyền, quyền An Thái! HayTrai An Thái, gái An Vinh.

Đến với mỗi làng võ, võ đường Bình Định, ở đó bạn sẽ được nghe các vị võ sư kể về quá trình hình thành và phát triển võ cổ truyền, kinh nghiệm của người đi trước truyền lại và được tận mắt chứng kiến những đường roi, bài quyền tuyệt kỹ, du khách sẽ hiểu hơn về miền đất võ, về giá trị của võ cổ truyền.

Ở Bình Định có hàng chục làng võ nổi tiếng. Mỗi làng võ được nhắc tới luôn kèm với các địa danh thực đã tồn tại trong lịch sử làng xã Bình Định nhiều thế kỷ.Làng xưa nhất chừng 600 năm, làng sinh sau đẻ muộn cũng vài trăm năm tuổi. Và cũng không thể nói rõ rằng màu áo đỏ Tây Sơn hay gương mặt cô gái Bình Định bí ẩn chập chờn sau đường roi xé gió đã trở thành lời mời gọi lạ lùng, quấn quýt bao trái tim người.

Đến vùng đất võ, bạn cũng sẽ được trải nghiệm những đường võ cổ truyền huyền bí qua những câu chuyện của những bậc võ sư cao niên ở đây. Đó là chuyện 3 lần đánh bại các võ sư Đại Hàn (Hàn Quốc) hay một lần đánh ngã con lợn rừng nặng hơn 100kg.

Ai về Bình Định mà coi…
Ai về Bình Định mà coi…

Thậm chí bạn có thể được tận mắt thấy các võ sư dùng phương thuốc võ bí truyền trị chấn thương, mà họ được các thầy võ truyền dạy cho từ xa xưa. Bạn cũng sẽm được thưởng thức các bài quyền như: Quyền pháp Ngọc Trản, Tiên Ông, Thần Đồng, Bát Quái, Ngũ Hành, Lão Mai; đao pháp Siêu xung thiên, côn pháp Bát quái và những loại binh khí hiếm gặp chỉ lưu truyền trong dân bản địa mà dân gian gọi là võ thế, võ vườn như võ đòn sóc, võ bò cào..

Đến với miền đất võ, ngoài việc được xem biểu diễn từ các đội chuyên nghiệp, du khách có thể tham quan việc luyện võ trực tiếp từ người dân của các địa phương nổi tiếng như Thuận Truyền (Tây Sơn), An Thái (An Nhơn)…

Với “võ chùa” phải nói đến võ đường chùa Long Phước (xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước). Du khách không những được khám phá nét đẹp rất đặc biệt về ngôi chùa cổ kính với trên 200 năm tuổi mà còn trải nghiệm và thưởng thức những bài roi, bài thương, bài kiếm đặc sắc võ cổ truyền như: Xích kiếm ô long tiên, Hoa tiên, Tây quy kinh môn tiên, Lăng tiên, Lang kinh kim thương, Thiết đinh kim thương, Hồng môn thương, Sa vân kiếm pháp, Đăng vân sát kiếm, ngoài ra còn được nghe hòa thượng thích Hạnh Hòa nói chuyện những giáo lý nhà Phật khuyên răn, hướng con người đến với cái thiện, hướng tới sự thanh tịnh, làm cho du khách những cảm xúc “thoái xác”, thư giãn, tạm quên đi những toan tính đời thường.

Ngoài võ, Bình Định là vùng đất còn lưu giữ vô số giá trị văn hóa- lịch sử vô giá như thành Đồ Bàn (thành Hoàng Đế) kinh đô của chính quyền trung ương hoàng đế Thái Đức- Nguyễn Nhạc hay đến với hệ thống tháp Chăm với tám cụm 14 tháp huyền bí, còn khá nguyên vẹn trước mọi thử thách của thời gian, trong đó cụm tháp Dương Long thuộc vào loại gạch cao nhất Đông Nam Á và đẹp nhất Việt Nam.

Về với Bình Định là về với những làng xóm hiền hòa để đọc lại trong từng vầng trán, từng ánh mắt, từng dáng đi của người Bình Định chất võ lắng sâu.

Minh Phan
Ảnh: Internet