5 đặc sản quý hiếm được “săn lùng” dịp Tết

(Dân trí) - Bên cạnh các món ăn cổ truyền như bánh chưng, mứt tết, giò chả,… thì những đặc sản nổi tiếng, quý hiếm như gà Đông Tảo, nem nướng, bưởi Luận Văn,… cũng được nhiều thực khách tìm mua, thưởng thức và coi như một hương vị không thể thiếu trong ngày Tết.

Nấm mối

Cứ vào khoảng tháng 5 âm lịch, cả vùng đồng bằng sông Cửu Long lại nô nức bước vào mùa nấm mối. Người dân coi đây là “nấm vua” và khẳng định rằng, chẳng có bất cứ loại nấm nào sánh được với hương vị của thứ đặc sản “trời cho” này.

Nấm mối còn được mệnh danh là “nấm vua”.
Nấm mối còn được mệnh danh là “nấm vua”.

Theo y học, nấm mối có giá trị dinh dưỡng rất cao, có khả năng phòng ngừa ung thư hoặc chống lão hóa… Chính vì quý hiếm nên giá bán nấm mối cũng khoảng từ 600.000 – 700.000 đồng. Thậm chí vào mỗi dịp lễ, Tết, khách hàng phải bỏ ra cả triệu đồng mới được thưởng thức đặc sản này.

Nấm mối có thân màu trắng, mặt ngoài màu xám và gốc hơi ngả vàng. Muốn hái được nấm, người dân thường phải đi thu hoạch từ lúc 3 – 4 giờ sáng. Đến trưa, nếu không hái kịp thì nấm sẽ tàn, con mối bò lên ăn đục thân.

Nấm mối hái về chỉ cần ngâm nước muối và rửa sạch nhẹ nhàng, tránh để vỡ hay bị nát, mất chất ngọt. Ngày Tết, dù là nấu canh, xào, kho hay nướng, hương vị nấm mối vẫn ngọt dịu tự nhiên, có mùi thơm đặc trưng và được xếp vào hàng cao cấp.

Bưởi đỏ Luận Văn

Bưởi Luận Văn là giống bưởi đặc trưng của vùng đất Thọ Xuân, Thanh Hóa. Đúng như tên gọi, điểm đặc biệt của loại bưởi này là có màu đỏ gấc vô cùng bắt mắt, chưa kể còn có mùi thơm đặc trưng và vị ngọt thanh.

Bưởi có màu đỏ từ ngoài vào trong. (Ảnh: vietnamnet)
Bưởi có màu đỏ từ ngoài vào trong. (Ảnh: vietnamnet)

Nhiều người cho rằng, màu sắc của bưởi Luận Văn sẽ mang đến may mắn, tài lộc và sung túc. Chính vì lẽ đó, bưởi Luận Văn được rất nhiều người săn lùng vào dịp Tết dù giá bán khá cao, lên đến 1,2 triệu đồng/cặp.

Gà Đông Tảo

Gà Đông Tảo là giống gà quý chỉ có ở huyện Khoái Châu. Đặc điểm nổi bật của loại gà này là cặp chân xấu xí, đôi chân to và thô như chân voi, khi trưởng thành có thể nặng trên 4,5kg (gà trống) và trên 3,5 kg (gà mái).

Gà Đông Tảo với cặp chân khổng lồ. (Ảnh: H.N)
Gà Đông Tảo với cặp chân khổng lồ. (Ảnh: H.N)

Giống gà này rất khó nuôi, đòi hỏi phải kỳ công chăm sóc. Gà càng già càng quý, thịt ăn thường có mùi vị thơm ngon đặc trưng không lẫn với bất kỳ loại gà nào. Gà Đông Tảo có thể được nấu thành nhiều món, nhưng độc đáo nhất là món “vảy rồng hầm thuốc bắc” được làm từ đôi chân to quá khổ của chúng.

Giá thành của gà Đông Tảo thuần chủng thuộc loại cao, khoảng 600.000 - 1 triệu đồng tùy loại. Với những chú gà trống có tướng đẹp, chân to, oai vệ, giá có thể lên đến 5 - 10 triệu đồng.

Sâm cầm

Là một loài chim di cư từ phương Bắc, sống thành đàn ở những nơi có nước như ao, hồ, nơi có nhiều thủy sinh, chim sâm cầm được biết đến như một loại thực phẩm quý hiếm chỉ dành cho các bậc vua chúa thời xưa.

Loài chim này ăn nhân sâm nên được gọi là sâm cầm. (Ảnh: Internet)
Loài chim này ăn nhân sâm nên được gọi là sâm cầm. (Ảnh: Internet)

Chim có kích cỡ vừa phải, nặng khoảng 0,5 - 0,8kg, thân bầu. Đầu và cổ chim phủ lông đen, mắt đỏ, mỏ nhọn màu vàng nhạt, mào màu trắng ngà, đôi cánh ngắn phớt tím. Quan niệm dân gian cho rằng, thịt Sâm cầm là một món ăn đại bổ.

Thịt chim mềm, màu đỏ tươi, xưa kia thường được chế biến thành nhiều món cầu kì dâng vua. Do khai thác nhiều nên số lượng chim sâm cầm ngày nay cực hiếm, giá cả của loại chim này ở mức 1,8 triệu đồng/kg.

Nem nướng

Những ngày cuối năm, người người, nhà nhà lại nô nức tìm tới Thanh Hóa, tìm mua từng chùm nem mang về làm món ăn giải ngấy cho ngày Tết cổ truyền.

Để làm nem nướng, người dân chọn lấy các phần ngon nhất của thịt lợn quê cùng các nguyên liệu thân thuộc như lá ổi, lá đinh lăng, tỏi, ớt, hạt tiêu và không thể thiếu thính gạo. Nem được cuốn chặt trong lá chuối rừng hoặc chuối hột, để lên men cho thật ngấu rồi nướng vùi trong than hồng.

Nem nướng đắt hàng hơn hết thảy các thứ đặc sản nào khác. (Ảnh: Internet)
Nem nướng đắt hàng hơn hết thảy các thứ đặc sản nào khác. (Ảnh: Internet)

Khi nướng, hương lá chuối cháy quyện lấy vị nem, lớp bì chảy ra, tỏa ra hương thơm ngào ngạt, béo ngậy. Đến khi bóc bỏ lớp lá chuối, thực khách càng bị quyến rũ hơn gấp bội. Tuy lớp vỏ nem cháy sém nhưng bên trong lại vẫn còn chút hồng hào. Gắp lấy một miếng nem, cuốn trong lá sung, chấm cùng chút tương ớt là thấy đủ vị chua, cay, ngọt bùi, ăn hoài không ngán.

Hoàng Ngọc

Tổng hợp