Chuyện về chàng hướng dẫn viên “đặc biệt” nhất Hà Thành (P1)

(Dân trí) - Không tự ti về hình dáng, không bằng lòng với kiến thức và vốn hiểu biết của mình, chàng lùn Đinh Văn Phú (Hà Nội) đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để trở thành một hướng dẫn viên giới thiệu văn hoá Việt Nam đến với nhiều bạn bè quốc tế…

Bán nước vỉa hè, nuôi hy vọng lớn

Tốt nghiệp phổ thông, Đinh Văn Phú (ở 24C Hàng Cót, Hoàn Kiếm, Hà Nội) ao ước vào đại học, nhưng khi đó, đối với anh mọi hy vọng đều bị dập tắt chỉ vì anh là người tật nguyền. Cổng trường đại học lúc bấy giờ không chấp nhận và đón những sinh viên tàn tật như Phú.
 
Thất vọng tràn trề, Phú sống lầm lũi, cả tháng trời anh chẳng buồn bước ra khỏi nhà. Thế rồi, anh nghĩ chẳng lẽ mình cứ sống mãi như thế này, phải kiếm lấy một thứ nghề gì để sống, để không phải ăn bám, phụ thuộc vào những người thân trong gia đình. Phú quyết định nhận làm chân thư ký cho một xưởng sản xuất tăm tre của những người tàn tật.

Không trốn tránh sự bất hạnh, không tự ti về hình dáng

Không trốn tránh sự bất hạnh, không tự ti về hình dáng, Phú vẫn vươn lên học tập

Nhưng rồi làm thư ký cho xưởng được ít hôm công việc của Phú ở đó không được như mong đợi, anh bỏ xưởng về nhà, tính cách sống khác. Lúc đó là thời điểm bao cấp, làm ăn cái gì cũng khó, người lành lặn đã khó kiếm sống, nói gì đến những người tàn tật như anh. Để có tiền nuôi sống bản thân, hồi đó Phú phải lăn lội đi bán thuốc lá ở quán ven đường rồi cả từng ngõ ngách dãy phố Hà Nội.

Sinh ra trong một gia đình có mẹ là thương binh nặng, bố từng tham gia chiến đấu nhiều năm ở chiến trường, ngay từ nhỏ, anh Đinh Văn Phú (sinh năm 1956) đã phải chịu nhiều thiệt thòi. Cả nhà có 6 anh chị, em, không ai bị tàn tật như anh. Học đến năm cuối phổ thông trung học, Đinh Văn Phú chỉ cao bằng đứa trẻ lên 6. Việc đến trường như một chuyện sợ hãi, đau lòng với cả anh và bố mẹ, bởi sau lưng anh luôn là những tiếng cười chê, những lời mỉa mai. Không trốn tránh sự bất hạnh, không tự ti về hình dáng, Phú vẫn vươn lên học tập.

Hành trình vượt lên số phận

Quán của anh Phú nằm trong phố Hàng Cót mà lúc đó, thời kỳ đất nước mở cửa, số lượng người nước ngoài vào Việt Nam càng ngày càng đông. Anh bảo lúc đó nghĩ tới việc học Tiếng Anh để giao tiếp và giới thiệu về Việt Nam với họ. Phú mua quyển sách Tiếng Anh đầu tiên về tự học nhưng việc tự học một môn ngoại ngữ không phải là điều đơn giản, nhất là với người có thân hình như anh.

Bằng ý chí nghị lực và sở thích ngoại ngữ của mình, Phú tiếp thu bài khá nhanh ở trên lớp

Bằng ý chí nghị lực và sở thích ngoại ngữ của mình, Phú tiếp thu bài khá nhanh ở trên lớp

Sáu năm theo đuổi học tiếng Anh, là sáu năm anh phải lặn lội đánh vật với từng con chữ. Ngồi bán nước chè vỉa hè trên con phố cổ đất Hà Thành, mỗi lần nghe khách du lịch nước ngoài đi qua nói chuyện, anh lại như bị hút hồn theo thứ ngôn ngữ ấy. Phú vừa bán nước chè vừa học, lúc đầu người đi đường cứ tưởng chàng lùn “theo nghiệp” thư ký lô đề. Nhưng khi hỏi kỹ người ta mới ngỡ ra rằng chàng lùn đang tự học ngoại ngữ.
 
Biết chuyện, nhiều người đã động viên Phú rất nhiều. Tiếng lành đồn xa, tin chàng lùn vừa bán nước vừa tự học tiếng Anh đến tai cô giáo Nguyễn Thị Thái. Cô Thái là giảng viên khoa Hoá, Đại học Quốc gia Hà Nội. Trân trọng cái sự ham học của Phú, cô Thái đã đích thân tìm đến quán nước chè của Phú động viên khuyến khích anh đến học, với một điều kiện phải làm đủ bài tập cô giao cho, còn việc học anh tiếp thu được bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu. Lúc đầu là tuần một buổi học tại nhà cô, sau là tuần hai buổi.

Để tạo điều kiện cho Phú đến lớp, cô giáo Thái đã cử cậu con trai tuần hai buổi đến quán nước chàng lùn chở anh đến lớp. Lúc đầu, Phú vào lớp với tâm trạng vừa học vừa lo. Lo vì sợ không theo kịp được bài giảng rồi lại phụ công của cô giáo. Nhưng rồi, bằng ý chí nghị lực và sở thích ngoại ngữ của mình, Phú tiếp thu bài khá nhanh ở trên lớp.
 
(Còn tiếp) 

 Minh Phan