Gia Lai

Xuân về, theo chân người dân bản địa săn chuột rừng

(Dân trí) - Vào dịp tháng 12 hàng năm, khi những cây lúa rẫy được bà con đồng bào thu hoạch xong cũng là lúc báo hiệu mùa săn chuột rừng bắt đầu. Từ những chiếc bẫy thô sơ và những “món nghề” của bà con đồng bào Banar trên vùng “ốc đảo” Kon Pne (huyện Kbang, Gia Lai) thì có thể bắt được hàng chục con chuột rừng mỗi đêm.

Vào những dịp cận tết, khi những bông lúa rụng xuống trên rẫy cũng là lúc báo hiệu màu săn chuột rừng đến. Theo chân bà con bản địa người Banar thuộc làng Kon Plinh (xã Kon Pne) chúng tôi không khỏi thán phục trước biệt tài săn chuột rừng của bà con vùng “ốc đảo” này. Như thường lệ, khi hoàng hôn bắt đầu buông xuống, “cao thủ” Iơr (“thợ săn chuột rừng” có tiếng, 35 tuổi, trú tại làng Kon Plinh) lại cùng các chiến hữu lên rừng săn chuột. 

Xuân về, theo chân người dân bản địa săn chuột rừng - 1
Thợ săn chuột có tiếng Iơr cùng những người trong bản đi kiểm tra bẩy chuột đặt từ tối qua

Vừa đi, anh Iơr tiết lộ: “Chẳng cần đến chiếc bẫy sắt hiện đại, đơn giản chỉ là  những thanh tre tạm bợ đã được đan sẵn vào nhau tạo thành chiếc thòng lọng đặt ngay đường chuột chạy. Đêm xuống, chuột ra kiếm ăn sẽ mắc trúng bẫy của bà con. Điều quan trọng là tìm nơi để đặt bẫy, phải đặt bẫy vào những đường chuột chạy. Thông thường chúng ta nên chọn những nơi nhiều hoa màu của người dân để đặt bẫy vì mùa này chuột rừng thường xuyên phá hoại lúa, mì của bà con. Chuột rừng rất nhiều nên khi đi tìm thức ăn, đường đi của chúng gần như một lối mòn vậy chỉ cần đặt vào những lối mòn đó thì chuột sẽ tự sập bẫy thôi”.

Xuân về, theo chân người dân bản địa săn chuột rừng - 2
Thường chọn những điểm có hang chuột, gần cánh đồng ruộng để đặt bẫy chuột rừng

Được biết, thịt chuột rừng hiện đang là món ăn đặc sản của “ốc đảo” Kon Pne. Bên cạnh việc thiết đãi những vị khách phương xa lưu tới, thịt chuột rừng còn là món ăn mặn hàng ngày của những người bản địa nơi đây. Chuột rừng có thể chế biến được rất nhiều món ngon như, bóp riềng mẻ nấu giả cầy, xáo măng, nấu với chuối xanh... Thế nhưng, món ngon nhất vẫn là thịt chuột rừng mang nướng trên than hoa.

Xuân về, theo chân người dân bản địa săn chuột rừng - 3
Những chiếc bẫy cho bà con đồng bào tự thiết kế từ những thanh tre làm thòng lọng để chuột dễ mắc bẫy

Chuột rừng thường to hơn chuột đồng, nhiều con đạt tới 500-700g, thậm chí có con còn đạt đến gần 1kg. “Thịt chuột rừng không những không độc hại mà còn rất sạch vì nó ăn lúa, mì trên nương và hoa quả rừng. Sau khi bẫy được chuột rừng về, công việc đầu tiên là phải dùng rơm khô thui vàng da rồi mới mang đi xử lý tiếp. Tiếp đó, mang mình chuột đi rửa sạch sẽ, để ráo nước và bắt đầu chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Thông thường gia đình tôi thường hay nấu món  bóp riềng mẻ nấu giả cầy và nấu xáo măng…”, anh Iơr cho biết thêm.

Xuân về, theo chân người dân bản địa săn chuột rừng - 4
"Chiến lợi phẩm" sau hơn một giờ đi kiểm tra bẫy của anh thợ săn chuột Iơr

Cũng theo anh Iơr, thời gian tốt nhất để đặt bẫy chuột là khoảng 17h, lúc này chuột bắt đầu ra khỏi hang đi kiếm ăn. Sau khi đặt bẫy xong đến khoảng 20h sẽ đi kiểm tra và thu bẫy về. Trung bình mỗi buổi tối như vậy sẽ bẫy được trên 10 con, thậm chí có hôm còn bẫy được 20 con. Nhiều nhất vào vụ mùa, thu hoạch lúa hoặc mì…

Xuân về, theo chân người dân bản địa săn chuột rừng - 5
Loại chuột rừng thường ăn những cây hoa màu của bà con và thảo dược trên rừng nên đã trở thành món khoái khẩu của bà con trong vùng

Phạm Hoàng