Về miền Tây tát đìa bắt cá

(Dân trí) - Ở miền Tây Nam Bộ, khi mùa khô đến, nước trên các đồng bắt đầu cạn dần là lúc cá đồng lũ lượt rút vào các ao, đìa. Lúc này, người dân miền Tây lại tát đìa để bắt cá.

Tát đìa bắt cá ở miền Tây đã trở thành một tập tục không thể thiếu của người dân nơi đây
Tát đìa bắt cá ở miền Tây đã trở thành một tập tục không thể thiếu của người dân nơi đây

Tát đìa bắt cá là phong tục có từ rất lâu đời ở miền tây và trở thành nét văn hoá của người dân nơi đây. Vì thế, ở miền Tây nhà nào cũng có cái mương, cái đìa. Mùa nước lớn cá từ sông lên ruộng tìm mồi, đến khi nước cạn chúng lại xuống mương, đìa ẩn ấp và sinh sản.

Đìa ở miền Tây thường có độ sâu khoảng 3 mét và rộng khoảng 30 đến 40 mét tùy vào diện tích đất lớn hay nhỏ. Dưới mương, dưới đìa phải có lục bình, cây khô để cá ẩn trú. Hễ cái mương, đìa nào lâu năm không tát thì cá rất nhiều và to. Nhiều nhất vẫn là cá lóc, cá trê, cá rô, cá thác lác...

Sản phẩm thu về là các loại cá tự nhiên, thịt thơm ngon
Sản phẩm thu về là các loại cá tự nhiên, thịt thơm ngon

Đặc biệt, đối với những lão nông thì chỉ cần nhìn bọt cá là biết mương, đìa nào có cá nhiều hay ít, cá to hay nhỏ. Trước đây, người dân thường dùng chiếc gàu dây để tát nước ra khỏi đìa. Còn bây giờ, mọi người thường dùng máy để tát cho nhanh và đỡ nặng nhọc.

Tát đìa bắt cá, là công việc khá nặng nhọc nên chỉ có đàn ông, thanh niên khoẻ mạnh làm. Tát đìa mệt nhưng ai cũng phấn khởi, phụ nữ, trẻ con đứng quanh đìa mong cho nước đìa mau cạn để xuống bắt cá. Nước đìa cạn, cá lớn như cá lóc, cá trê chui vào bùn hay hang để trốn, vì vậy người bắt cá phải có kinh nghiệm, mò kỹ, không bỏ sót chỗ nào. Mỗi khi có người giơ lên con cá lóc đen thui, to đùng là những người đứng trên bờ lại reo hò sôi nổi.

Clip người dân ở Cà Mau tát đìa bắt cá

Người lớn bắt cá xong thì đến lượt trẻ con xuống bắt cá sót hay còn gọi bắt cá “hôi”. Bắt cá xong người tìm ít rơm, lá chuối để nướng cá, người ra vườn hái ít rau, người làm chén muối ớt để thưởng thức món cá lóc nướng trui ngọt tuyệt.


Người dân ở đây gọi cá tìa đìa là của Trời cho

Người dân ở đây gọi cá tìa đìa là của Trời cho

Cá bắt được sẽ phân loại ra về chế biến làm nhiều món khác nhau
Cá bắt được sẽ phân loại ra về chế biến làm nhiều món khác nhau

"Mùa thu hoạch cá đồng ở miền Tây được chia thành 2 giai đoạn: trước và sau Tết. Cá đồng do tự nhiên mà có, không nuôi cũng chẳng cần chăm sóc nên người ta còn gọi là cá Trời cho. Cá đồng có hơn chục loại trong đó phổ biến các loại có giá trị cao như: cá lóc, trê, rô, bổi, thác lác, chạch,…”, Trần Văn Nhi (xã Lý Văn Lâm, TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau) cho biết.

Theo chia sẻ của nhiều nông dân, những năm gần đây lượng cá đồng đã giảm đáng kể, nhưng giá trị kinh tế cao hơn, trung bình thu từ 2-3 triệu/đợt. Và tát đìa nay trở thành một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đây.

Phạm Tâm