Về làng gốm hơn 500 tuổi xem nghệ nhân nặn linh vật năm Quý Mão

Ngô Linh

(Dân trí) - Dịp cuối năm, làng gốm Thanh Hà (TP Hội An, Quảng Nam) lại tất bật sản xuất những chú mèo bằng đất nung để phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Những ngày này, các nghệ nhân tại làng gốm hơn 500 tuổi Thanh Hà lại hối hả chuẩn bị đất sét, sửa lại lò nung, nhào nặn linh vật mèo để cung ứng ra thị trường.

Về làng gốm hơn 500 tuổi xem nghệ nhân nặn linh vật năm Quý Mão - 1

Anh Lê Văn Nhật (34 tuổi) đang hoàn thành những công đoạn cuối cùng trước khi đưa vào lò nung.

Anh Lê Văn Nhật (34 tuổi, làng gốm Thanh Hà) là nghệ nhân của làng gốm được UBND phường Thanh Hà tin tưởng, giao trọng trách làm những chú mèo "khổng lồ" để trưng bày cho dịp Tết Nguyên đán năm nay.

Theo anh Nhật, việc tạo ra những bức tượng mèo không quá công phu nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo và kiên trì. Công đoạn tạo hình chiếm phần lớn thời gian, đây cũng là khâu khó nhất. Người thợ phải tạo dáng uyển chuyển, khắc họa các chi nhỏ nhắn, thanh mảnh của mèo.

Làng gốm Thanh Hà tất bật sản xuất linh vật mèo (Video: Ngô Linh).

Điển hình với dáng mèo ngồi, lưng và đầu hướng thẳng, hai tai vểnh lên, đuôi cuộn vào thân, phải tỉ mỉ từng công đoạn, trau chuốt đường nét sao cho không bị thô cứng, mất đi sự nhẹ nhàng, hiền lành của linh vật này.

Bên cạnh đó, mèo là con vật nhỏ bé, lông bao phủ, nên người thợ phải đánh được lớp lông mèo đẹp, nhìn vào sẽ tạo cảm giác mềm mại.

Khuôn mặt mèo đại diện cho tác phẩm, anh phải tìm tòi trên mạng, xem nhiều hình ảnh để hình dung sao cho những đường nét sống động, có hồn nhất.

Về làng gốm hơn 500 tuổi xem nghệ nhân nặn linh vật năm Quý Mão - 2

Theo anh Nhật, việc tạo hình mèo không quá công phu nhưng đòi hỏi kỹ thuật, sự tỉ mỉ và kiên trì.

"Với tôi, khó nhất là tạo hình khuôn mặt. Từ miệng, nét mặt cần phải liên kết với mắt, mũi, gò má. Tôi rất chú tâm đến những chi tiết này vì nó quan trọng nhất của tác phẩm", anh Nhật chia sẻ.

Để hoàn thiện các công đoạn, anh Nhật phải mất gần một tháng. Vì thời tiết cận Tết thường mưa lạnh, ít nắng, nên tượng đất ráo đến đâu thì anh sẽ đắp đất sét đến đó. Đất sét phải cứng, chắc chắn mới đưa vào lò nung.

Đến nay, xưởng của anh đã chế tác được 8 tượng mèo với đa dạng kích thước, chiều cao trung bình 60cm. Nếu trời nắng tốt thì phơi 5 ngày tượng mới khô hoàn toàn và sẽ được mang đi nung trong khoảng 12 giờ. Ước tính sau khi nung, mỗi tượng mèo sẽ có trọng lượng khoảng 25kg.

Được biết, anh Lê Văn Nhật là truyền nhân đời thứ 3 giữ gìn nghề gốm đất nung truyền thống của gia đình. Tuổi thơ gắn liền với đất sét.

"Đã có lúc tôi từ bỏ việc làm gốm để theo đuổi công việc ổn định hơn, nhưng duyên nợ không nói trước được. Sau khi ba mất, tôi quay trở lại nghề gốm và bắt đầu sáng tạo để thích ứng thị trường, lưu giữ giá trị truyền thống", anh Nhật tâm sự.

Làng gốm Thanh Hà có lịch sử hình thành lâu đời với hơn 500 năm tuổi, bên dòng sông mẹ Thu Bồn. Để thích ứng với đời sống hội nhập, hiện đại, người làng đã sáng tạo đa dạng mẫu mã, kiểu dáng, đưa sản phẩm gốm Hội An tiêu thụ mạnh trên thị trường. Hàng năm, làng nghề truyền thống này thu hút hàng trăm nghìn lượt khách đến tham quan, trải nghiệm.

Về làng gốm hơn 500 tuổi xem nghệ nhân nặn linh vật năm Quý Mão - 3

Người thợ phải đánh được bộ lông mèo sao cho các đường nét mềm mại, sống động.

Về làng gốm hơn 500 tuổi xem nghệ nhân nặn linh vật năm Quý Mão - 4

Linh vật mèo năm Quý Mão 2023 được ưu tiên sản xuất phục vụ.

Về làng gốm hơn 500 tuổi xem nghệ nhân nặn linh vật năm Quý Mão - 5

Làng gốm Thanh Hà mỗi năm thu hút hàng trăm nghìn lượt khách tham quan, trải nghiệm.