Thầy giáo Hà Nội đi hơn 100km mỗi ngày tìm âm thanh... từ gỗ

Minh Nhân

(Dân trí) - Mỗi ngày, anh Hiệp đều đặn đi hơn 100km giữa Hà Nội và Bắc Ninh, quyết tìm âm thanh hay nhất từ gỗ.

Ngày cầm trên tay chiếc đàn guitar tự sản xuất đầu tiên, anh Trần Lê Hiệp (huyện Gia Lâm, Hà Nội) cảm thấy vui sướng. Âm thanh của cây đàn khiến quyết tâm của anh cao hơn mọi điều.

Dù những thất bại trong quá khứ từng khiến anh hoài nghi chính mình, nhưng lần này, anh không muốn dừng lại. Anh quyết định khởi nghiệp, mở xưởng đàn guitar ở tuổi 33. 

"Bằng mọi giá, tôi phải thành công vì đây là sự lựa chọn cuối cùng. Tôi sẽ vượt qua tất cả khó khăn và thử thách", anh nói. 

Thầy giáo Hà Nội đi hơn 100km mỗi ngày tìm âm thanh... từ gỗ - 1

Anh Hiệp kiểm tra âm thanh, căn chỉnh nan so với độ dày của mặt trước (top) tiêu chuẩn (Ảnh: Minh Nhân).

Từ nghệ sĩ thành... thợ mộc

Anh Hiệp, 41 tuổi, tốt nghiệp khóa sư phạm âm nhạc đầu tiên của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Ngoài dạy nhạc, anh nhận biểu diễn để kiếm thêm thu nhập.

Năm 2010, anh mượn mẹ vợ chiếc gác xép nhỏ trên tầng 2 trên phố Lê Quý Đôn (quận Hai Bà Trưng) mở một lớp dạy guitar. Dù diện tích căn phòng chỉ 6-8m2, nhưng số lượng học viên đông, có người phải ngồi ra cả cầu thang. 

Khi dạy học, nhiều phụ huynh nhờ anh mua đàn cho con em. Thời điểm đó, anh tìm mua những chiếc đàn Nhật "bãi". Sau này, được người quen giới thiệu, anh biết đến các xưởng đàn guitar ở TPHCM, nhập về 5-10 chiếc.

Trong quá trình bản thân và học viên sử dụng đàn, anh thấy rằng âm thanh rất hay nhưng nhiều lỗi nhỏ. Từ đó, anh nung nấu ý định nghiên cứu và sản xuất một cây đàn guitar theo đúng ý mình. 

Thầy giáo Hà Nội đi hơn 100km mỗi ngày tìm âm thanh... từ gỗ - 2

Năm 2010, anh Hiệp mở lớp dạy đàn guitar từ căn gác xép chỉ rộng 6-8m2 (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Năm 2015, không tìm được thầy dạy nghề, anh gửi một thợ mộc vào TPHCM học làm đàn. Các xưởng sản xuất theo từng khâu, công đoạn, người này không thể nắm hết nên khi bắt tay vào sản xuất đã thất bại, sau đó xin nghỉ. 

Anh Hiệp không bỏ cuộc, tự lên mạng nghiên cứu, mua giáo trình nước ngoài. Từ một thầy giáo, nghệ sĩ guitar, anh bỗng chuyển thành thợ mộc, thợ cơ khí. 

"Ngành làm đàn khá đặc trưng, cần nhiều máy móc riêng biệt, phải thử nghiệm và chế tạo hoàn toàn khác so với máy móc có trên thị trường lúc bấy giờ", anh nhớ lại. 

Mỗi chiếc đàn guitar có rất nhiều chi tiết khác nhau, đòi hỏi thông số chuẩn xác. Nếu sai bất kỳ một thông số, chất lượng âm thanh sẽ bị ảnh hưởng và thẩm mỹ cây đàn cũng như độ bền sản phẩm cũng không đảm bảo.

Sau 3 tháng, anh Hiệp cho ra đời chiếc đàn guitar đầu tiên, nói đây chưa phải "một tác phẩm nghệ thuật".

"Tôi chỉ làm ra được một sản phẩm mang hình dáng đàn guitar. Ngoại hình không đẹp, dù chất âm tương đối tốt so với thị trường", anh cho hay, không vì thế mà nản lòng. Chính chiếc đàn đầu tay đã tiếp thêm động lực để anh kiên trì với con đường này. 

Thầy giáo Hà Nội đi hơn 100km mỗi ngày tìm âm thanh... từ gỗ - 3

Anh Hiệp biểu diễn cùng nghệ sĩ Trần Xuân Hòa và guitarist Nguyễn Hiếu (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Trong suốt 8 năm, anh mua và chế tạo thêm nhiều máy móc, chuẩn hóa quy trình sản xuất guitar từng khâu đoạn.

Bước đầu tiên và cũng quan trọng nhất là chọn gỗ có tuổi đời lâu năm, thường được nhập khẩu từ nước ngoài (Brazil, Ấn Độ, Nam Mỹ, châu Phi) hoặc Việt Nam.

Anh thuê người xẻ gỗ theo đúng thớ gỗ làm đàn khác hoàn toàn với gỗ làm nội thất, xử lý chất liệu phù hợp với khí hậu Việt Nam, như đạt độ khô 9%-11% trong gỗ, độ ẩm 45-55% trong không khí khi sản xuất.

Gỗ làm đàn được lưu kho 3 năm anh mới đưa ra sản xuất, "thời gian đầu chấp nhận nhập gỗ sẵn về làm và nghiên cứu", anh nói. 

Nhân công sẽ tiến hành các bước tiếp theo: ghép lưng, mặt trước và sau… đúng theo các thông số tiêu chuẩn độ cong R (radius), độ dày mỏng của nan cân bằng với hai mặt.

Mỗi loại gỗ sẽ được điều chỉnh khác nhau, tùy kinh nghiệm của người làm, song vẫn phải dựa theo thông số nghiên cứu khoa học phương Tây đưa ra.

"Là một người nghệ sĩ, tôi quan niệm sản phẩm của mình phải tốt "vừa mắt ta ra mắt người" mới cho ra thị trường. Chúng tôi sẽ thử nghiệm cho đến khi có sản phẩm tốt nhất", anh nói. 

Trước dịch, xưởng có khoảng 10-12 thợ. Trong năm đầu Covid-19, anh nuôi thợ đến mức cạn kiệt vốn. Năm 2022, anh cho thợ nghỉ, chỉ giữ lại một người để duy trì xưởng. Anh cũng đầu tư máy móc, như máy CNC (điều khiển bằng máy tính), máy laser để chuẩn hóa từng công đoạn và tiết kiệm thời gian. 

"Tôi mất nhiều thời gian để nghiên cứu một quy trình chuẩn, trong quá trình đó chưa chính thức bán một cây đàn nào ra thị trường", anh cho hay.

Mỗi năm, anh Hiệp chỉ nhận làm 8-10 đàn thủ công, sản phẩm mang tính cá nhân, mất từ 4-6 tháng hoàn thiện một chiếc, giá thấp nhất 20-200 triệu đồng tùy thuộc nhiều yếu tố. 

Thầy giáo Hà Nội đi hơn 100km mỗi ngày tìm âm thanh... từ gỗ - 4

Người thợ kiểm tra viền ghép vanh trong thùng đàn (Ảnh: Minh Nhân).

Thầy giáo Hà Nội đi hơn 100km mỗi ngày tìm âm thanh... từ gỗ - 5

Người thợ cắt phím đàn bằng máy CNC (Ảnh: Minh Nhân).

"Tôi biết mình là một kẻ tham vọng"

Từ một thầy giáo dạy nhạc, một nghệ sĩ chơi đàn, bỗng một ngày phải cầm máy hàn, để bắt đầu làm nên những cây đàn đầu tiên, anh Hiệp nói 8 năm có quá nhiều gian nan và thử thách. 

Mỗi ngày anh di chuyển 100-150km giữa Hà Nội và xưởng ở Bắc Ninh, tranh thủ dạy đàn, đi diễn, kiếm tiền "nuôi" xưởng. Trên hành trình đó, có những lúc nước mắt cứ rơi, nhưng anh không khóc được. Anh chưa từng có ý định bỏ cuộc, dù mệt mỏi chỉ dám nghỉ ngơi 1-2 ngày, rồi lấy lại cảm xúc tiếp tục bước. 

"Đến giờ tôi thấy nhờ sự cố gắng mà sắp có những lô hàng đầu tiên", anh nói.

Thầy giáo Hà Nội đi hơn 100km mỗi ngày tìm âm thanh... từ gỗ - 6

Những người thợ hoàn thiện thùng đàn guitar (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Lô hàng 200 chiếc đàn guitar mang thương hiệu "MRH" dự kiến ra mắt đầu tháng 10/2023. Ở phân khúc trung và cao, giá đàn dao động từ 3,2 đến 15 triệu đồng/chiếc, những đơn đặt hàng thủ công 100% mang tính cá nhân từ 20 đến 200 triệu đồng.  

Những tháng tiếp theo, anh duy trì sản xuất 60-100 chiếc, sản phẩm tập trung vào chất lượng. Anh nói không vội kiếm tiền, mà quan tâm đến trải nghiệm của khách hàng.  

Xưởng với 7 nhân công hiện làm việc liên tục, chuyên nghiệp hóa từng công đoạn. Một chiếc đàn đạt tiêu chuẩn là: cần không bị cong vênh, các nốt nhạc đúng cao độ, thẩm mỹ đẹp và độ bền cao.  

Anh hy vọng một sản phẩm chất lượng sẽ là nhận diện thương hiệu tốt nhất, tự khách hàng sẽ tìm đến, thay vì quảng cáo quá nhiều. 

"Sau 8 năm, tôi chưa thu hồi bất cứ khoản tiền nào, chỉ nhận về những kinh nghiệm, tình cảm từ anh em, bạn bè", anh nói, cho biết sẽ chưa dừng lại, mà đòi hỏi cây đàn của mình trong tương lai sẽ phải hay hơn nữa. 

Thầy giáo Hà Nội đi hơn 100km mỗi ngày tìm âm thanh... từ gỗ - 7

Anh Hiệp làm việc cùng nghệ sĩ guitar Trần Việt Anh - Trưởng ban nhạc Lãng Du (Ảnh: Minh Nhân).

Nhìn lại hành trình khởi nghiệp, anh Hiệp biết ơn quyết định "làm liều" năm đó. "Đừng nghĩ đến tuổi tác khi khởi nghiệp, mà nghĩ rằng bạn có muốn làm hay không?", anh nói. 

Dù phải từ bỏ 4-5 trung tâm dạy nhạc, nghỉ làm nhân viên marketing, bỏ công việc tổ chức sự kiện truyền thông, anh chấp nhận khởi nghiệp, tin rằng kết quả chỉ đến khi chúng ta làm, chưa làm đã nghĩ có được không thì chắc chắn là không được. 

Vừa là một nghệ sĩ, một thầy giáo, một người sản xuất đàn, anh Hiệp quyết tâm làm ra những cây đàn guitar tốt nhất. Anh ấp ủ dự định mở nhà máy sản xuất đàn, đưa sản phẩm ra nước ngoài, đánh dấu tên tuổi người Việt trên thị trường guitar quốc tế. 

"Khi sản phẩm chưa ra thị trường nước ngoài, tôi vẫn chưa dám thở phào nhẹ nhõm. Tôi biết mình là một kẻ tham vọng hơn năng lực của mình", anh cười, nói.