PhotoStory

Những cụ ông, cụ bà U90 - 100 ở Hà Nội "nghiện" đạp xe

Thực hiện: Mạnh Quân - Minh Nhân

(Dân trí) - Đều đặn sáng thứ 5 và chủ nhật hàng tuần, các thành viên của câu lạc bộ xe đạp thể thao cựu chiến binh Hà Nội tập hợp tại một góc nhỏ hồ Tây, cùng đạp xe rèn luyện sức khỏe.

Những cụ ông, cụ bà U90 - 100 ở Hà Nội nghiện đạp xe - 1

Câu lạc bộ xe đạp thể thao cựu chiến binh Hà Nội thành lập năm 2001, hiện có 70 thành viên đều là cựu chiến binh đã nghỉ hưu cùng chung đam mê đạp xe. Đây là một trong những câu lạc bộ đạp xe thể thao lâu đời nhất tại Hà Nội.

Câu lạc bộ chia làm 4 tổ, phân bổ tại các quận/huyện trên toàn thành phố. Lịch sinh hoạt cố định vào thứ 5 và chủ nhật hàng tuần.

Những cụ ông, cụ bà U90 - 100 ở Hà Nội nghiện đạp xe - 2

Ông Đinh Xuân Cầm, 66 tuổi, chủ nhiệm câu lạc bộ, cho biết tùy theo sức khỏe và độ tuổi của các thành viên để phân bổ các hoạt động thích hợp. 

"Mục đích và tiêu chí của chúng tôi là không bỏ rơi bất kỳ ai. Mọi người đều có thể đạp vui - khỏe tùy theo sức của mình", ông Cầm nói.

Những cụ ông, cụ bà U90 - 100 ở Hà Nội nghiện đạp xe - 3
Những cụ ông, cụ bà U90 - 100 ở Hà Nội nghiện đạp xe - 4
Những cụ ông, cụ bà U90 - 100 ở Hà Nội nghiện đạp xe - 5

Theo đó, nhóm trên 70 tuổi, tham gia đạp xe quanh thành phố, quanh hồ Tây với cự ly ngắn.

Nhóm dưới 70 tuổi đạp xe đường trường, theo cung đường đại lộ Võ Nguyên Giáp - Nội Bài, từ 40 - 50km. Riêng những cụ ngoài 90 tuổi khi đạp xe phải có người nhà theo sát, tránh gặp nguy hiểm. 

Ngày mưa, bão, nhiệt độ dưới 14 độ C, nhóm sẽ nghỉ đạp để đảm bảo an toàn. 

Những cụ ông, cụ bà U90 - 100 ở Hà Nội "nghiện" đạp xe (Video: Minh Nhân).

Những cụ ông, cụ bà U90 - 100 ở Hà Nội nghiện đạp xe - 6

Tại buổi đạp xe sáng chủ nhật hàng tuần, câu lạc bộ kết hợp tổ chức sinh hoạt, giao lưu văn nghệ, chia sẻ kinh nghiệm.

Những cụ ông, cụ bà U90 - 100 ở Hà Nội nghiện đạp xe - 7

Tháng 3, ông Phạm Ngọc Thừa, 78 tuổi, quận Thanh Xuân đã chinh phục cung đường Việt Nam - Thái Lan - Lào - Campuchia, khoảng 2.600km trong 25 ngày. 

"Đây là chặng đường xa nhất mà tôi từng tham gia, còn cung đường 800 - 1.000km với tôi là bình thường", ông nói. 

Trước khi lên đường, ông Thừa tự nhủ phải có lòng tin thì mới dám đi. Gặp ông trên hành trình đặc biệt này, nhiều người bày tỏ ngạc nhiên, không nghĩ một cụ ông 78 tuổi vẫn có thể đạp xe đường dài.

Mỗi lần đón nhận thắc mắc, ông Thừa tự tin đáp: "Cứ rèn luyện mỗi ngày, chắc chắn sẽ thành công".

Những cụ ông, cụ bà U90 - 100 ở Hà Nội nghiện đạp xe - 8

Tham gia câu lạc bộ 16 năm, cụ Phạm Bá Động, 82 tuổi, sống tại quận Long Biên, đều đặn rèn luyện mỗi ngày. Những năm trước, cụ đạp xe "phượt" Hải Phòng, Hải Dương, hơn 100km/ngày. 

Sau ca phẫu thuật ổ bụng năm 2019, cụ giảm trung bình 40km/ngày, riêng thứ 5 cung đường tăng lên 60km.  

"Tôi đạp xe mỗi ngày như một thói quen. Những hôm dậy muộn, vợ con lại gọi nhắc. Nhờ đạp xe, tôi tăng cường sức khỏe, sảng khoái tinh thần", cụ Động nói. 

Những cụ ông, cụ bà U90 - 100 ở Hà Nội nghiện đạp xe - 9

Bà Đào Thị Định, 76 tuổi, quận Ba Đình, yêu thích và tham gia câu lạc bộ từ năm 2011. Bà từng đạp xe đi 8 nước châu Á, gồm Singapore, Malaysia, Indonesia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Lào, Campuchia.

"Tôi đạp xe thể thao không có điểm dừng, kể cả lễ Tết, chỉ trừ tình huống khẩn cấp hoặc thời tiết xấu", bà Định nói. 

Ông Lưu Văn Khang, 66 tuổi, đam mê và tham gia câu lạc bộ từ ngày mới thành lập. Dù là thương binh hạng nặng, mỗi ngày ông vẫn dành 2 tiếng đạp xe. 

"Bộ môn này giúp tôi cải thiện sức khỏe", ông Khang cho biết, không quên khoe thành tích vừa đạp xe từ Hà Nội đến hồ Ba Bể (Bắc Kạn) hơn 220km. 

Những cụ ông, cụ bà U90 - 100 ở Hà Nội nghiện đạp xe - 10
Những cụ ông, cụ bà U90 - 100 ở Hà Nội nghiện đạp xe - 11

Nhiều thành viên xem câu lạc bộ là ngôi nhà thứ hai, không chỉ rèn luyện thể thao, nâng cao sức khỏe, mà còn san sẻ yêu thương, lắng nghe và chia sẻ.

Không riêng hoạt động nội bộ, câu lạc bộ còn có sự kết nối, giao lưu với các câu lạc bộ đạp xe của các tỉnh/thành khác. 

"Chúng tôi hy vọng câu lạc bộ sẽ truyền cảm hứng không chỉ với cựu chiến binh, người già, mà cả thế hệ trẻ. Dù cuộc sống bận rộn, chúng ta vẫn nên dành một tiếng/ngày để rèn luyện thể chất và chinh phục các thử thách", ông Đinh Xuân Cầm, chủ nhiệm câu lạc bộ, nói.