Hà Tĩnh:

Nắng nóng cực điểm, người dân chong đèn “tắm mát” cho cây trồng

(Dân trí) - Nắng nóng đỉnh điểm, có lúc lên đến hơn 40 độ C đã buộc người trồng rau, củ, quả, cây cảnh ở Hà Tĩnh phải căng mình đối phó, tránh nguy cơ các loại cây trồng bị hư hỏng, gây mất mùa.

Video: Người chơi lan Hà Tĩnh tăng cường tưới trong đợt nắng nóng kỷ lục.

Do thời tiết nắng nóng nên 4 ngày qua, thời gian ban đêm của gia đình ông Nguyễn Hợi (xóm 6, xã Sơn Trường, huyện Hương Sơn) - chủ trang trại hơn 2ha cam và một số cây trồng ăn quả khác gần như ngắn lại. Cả gia đình ông chỉ còn ngủ khoảng 4-5 tiếng đồng hồ, còn lại là thời gian căng mình ở vườn cam hàng trăm gốc đã đậu quả.

“Thời tiết này chỉ cần lơ là một ngày không tưới thôi cũng nhìn thấy cây ảnh hưởng bởi nắng nóng như thế nào. Thế nên gia đình tôi mất ăn, mất ngủ tìm đủ cách, từ tưới đều cho đến tìm đủ rơm rạ để tủ gốc, giữ độ ẩm cho cây. Chúng tôi phải thay nhau kiểm tra hệ thống tưới nước nhằm đảm bảo cây có đủ lượng nước để phát triển”- ông Hợi nói.

Nắng nóng cực điểm, người dân chong đèn “tắm mát” cho cây trồng - 1

Người dân Hà Tĩnh phải thức đêm để tưới mát cho cây trồng.

Cũng như ông Hợi, ông Phạm Quang Hùng (57 tuổi, xã Hương Thủy, một chủ trang trại lớn của huyện Hương Khê với hơn 3.500 gốc cây cam bù, hơn 2.000 gốc cây cam chanh cùng nhiều cây trồng, con nuôi khác- cũng như ngồi trên đống lửa vì nắng nóng.

Theo ông Hùng, là địa bàn trọng điểm của gió Lào, nắng nóng đỉnh điểm những ngày qua khiến trang trại của ông như có làn gió nóng quét qua. “Chỉ cần nhìn hai bên mép đường cỏ bị khô héo là biết sức nóng ở đây như thế nào rồi. Bởi thế gia đình tôi rất lo cho vườn cây đã đậu quả của mình thiếu nước, cũng như bị cháy lá, khô héo”- ông Hùng lo lắng.

Để giảm thiểu ảnh hưởng của nắng nóng, ông Hùng đã phải huy động lao động làm việc tăng ca, đặc biệt là ban đêm. Việc tưới được thực hiện khi đêm xuống và sáng sớm để tránh làm ảnh hưởng tới bộ rễ. Các công nhân phải phân lô kiểm tra từng gốc cam để xem lượng nước tưới đã đạt hay chưa. Ban ngày các công nhân còn phải kiểm tra mặt lá để xem có hiện tượng cháy lá, hoặc úa hay không.

Nắng nóng cực điểm, người dân chong đèn “tắm mát” cho cây trồng - 2

Các hộ dân trồng cam như hộ ông Hùng, ông Hợi phải căng mình tưới mát, chống nắng cho cây trồng nếu không muốn một vụ thu hoạch tới đây bị giảm sút về sản lượng.

“Chi phí đối phó với nắng nóng vì thế tăng lên rất nhiều lần. Lúc này điều mà chủ trại như chúng tôi mong nhất là đợt nắng nóng nhanh đi qua”- ông Hùng mong mỏi.

Với anh Trần Mạnh Hùng ở thôn Minh Giang, xã Sơn Mai (cùng huyện Hương Sơn), mấy ngày qua anh đã phải thức dậy từ 3h sáng để chuẩn bị phương tiện, máy móc phun nước cho cam. Các thành viên trong gia đình cũng phải dậy sớm hơn thường lệ và được phân công mỗi người phụ trách phun đều nước cho một thửa cam.

Công việc này được thực hiện theo quy trình, phun từ lá chuyển sang thân rồi mới đến gốc. Lượng nước cũng được tính toán để đảm bảo tiết kiệm. Với gia đình anh Hùng việc chống hạn, chống nắng cho cây thuận lợi hơn nhờ gia đình anh đã khoan sẵn 3 giếng nước, mỗi giếng đặt một máy bơm và hàng trăm mét ống để phục vụ cho việc tưới.

Vấn đề anh Hùng chú ý nhất lúc trong mùa nắng nóng này là bảo đảm độ ẩm ở gốc. Để làm được điều đó gia đình anh đã phải chuẩn bị thêm rơm rạ, cây cối tấp gốc và bón thêm phân vi sinh chống hạn để điều hòa sinh trưởng cho vườn cam của gia đình.

Tại huyện Vũ Quang, một địa phương cũng nằm trong tâm gió Lào khắc nghiệt, người dân cũng đang gồng mình chống nắng cho cây trồng. Ngoài ao hồ, đào giếng, hầu hết các hộ trang trại đều phải chủ động nguồn nước từ các khe suối và làm thêm bể chứa trên các đỉnh đồi để dự trữ nguồn nước...

Nắng nóng cực điểm, người dân chong đèn “tắm mát” cho cây trồng - 3

Một hộ dân trồng cam tại huyện Vũ Quang đầu tư cả hồ chứa trên đỉnh để trữ nước tưới mùa nắng nóng này. (Ảnh: Tiến Phúc).

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh, dù nắng nóng kéo dài, nhưng nhờ cơ quan chức năng và người dân đã chủ động đối phó, nên hàng chục ngàn héc-ta cây ăn quả ở Hà Tĩnh vẫn đang trong diện an toàn.

Sở NN&PTNT tỉnh cũng khẳng định, cùng với phòng chống dịch tả lợn châu Phi, hiện chống hạn, làm mát cho cây trồng đều là những nhiệm vụ cấp bách của ngành nông nghiệp tỉnh.

Hà Phương