Lên vùng cao thưởng thức món bánh ngải của người Tày

(Dân trí) - Bánh ngải là một trong những món ăn truyền thống không thể thiếu trong dịp lễ, cỗ bàn hay mùa lúa mới của người dân tộc Tày. Du khách đặt chân lên Cao Bằng, Thái Nguyên, Lạng Sơn… đều không thể bỏ qua món ăn này, ăn một lần là nhớ mãi.

Người Tày dù sinh sống ở đâu cũng có truyền thống làm bánh ngải trong các dịp lễ, cỗ bàn hay mùa lúa mới. Bánh ngải có cách làm và hình dáng giống với bánh dày, tuy nhiên chỉ khác nhau ở màu sắc và nhân bánh. Người Tày từ lâu đã khéo léo kết hợp lá ngải và gạo nếp tạo nên món bánh đặc trưng của dân tộc mình. Đây là món ăn vừa có khả năng chữa nhiều loại bệnh, vừa là tấm lòng hiếu khách của người Tày.

Bánh ngải - món ăn truyền thống của người dân tộc Tày.
Bánh ngải - món ăn truyền thống của người dân tộc Tày.

Để làm ra được món bánh vừa ăn cần phải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ và công phu, từ cách chọn lá, chọn gạo nếp cho tới nhân bánh, nếu không cẩn trọng bánh có thể bị nhão, không thơm. Người ta thường nhìn cách làm bánh ngải để đoán tính cách, sự khéo léo của những người con gái Tày.

Bánh ngải rất kén gạo, không phải loại gạo nào cũng làm được bánh. Để cho bánh dẻo và thơm, phải chọn loại lúa nếp nương không lẫn gạo tẻ. Ngải cứu phải chọn lá non, được người dân hái từ rừng về. Đường làm nhân bánh cũng phải là đường phên có màu vàng, ngọt và không có sạn.

Bí quyết làm ra món bánh truyền thống của người Tày đầu tiên nằm ở cách sơ chế lá. Ngải cứu sau khi hái và rửa sạch sẽ, cho vào nồi nấu với nước tro. Để có nước tro tốt, người dân thường đốt lấy tro của cây đậu xanh, ngải cứu đun trong nước tro rất chóng nhừ. Sau khi lá ngải nhừ, vớt ra rửa sạch với nước và đem giã cho nhuyễn.

Gạo làm bánh được vo và ngâm trong nước khoảng nửa ngày sau đó vớt ra cho vào trõ đồ thành xôi. Khi xôi đồ chín sẽ đem giã đều trong cối đá cùng với lá ngải giã nhuyễn từ trước, xôi phải giã ngay khi còn nóng bánh mới mịn và mềm. Đối với người dân tộc Tày, khâu giã bánh thường là công việc của những người đàn ông khỏe mạnh.

Khâu giã bánh là khâu mệt nhất vì vậy thường là công việc của những người đàn ông khỏe mạnh, phải dã mạnh, đều tay.
Khâu giã bánh là khâu mệt nhất vì vậy thường là công việc của những người đàn ông khỏe mạnh, phải dã mạnh, đều tay.

Điều đặc biệt tạo nên hương vị đặc trưng là nhân bánh. Nhân bánh ngải làm từ đường phên và vừng rang giã nhỏ. Đường phên được nấu trên bếp để chảy ra, trộn với vừng và khuấy đều cho đến khi đặc lại. Sau khi đã giã nhuyễn xôi, người dân nặn bánh và tra nhân. Những chiếc bánh thơm ngon thường được quyết một lớp mỡ hay sáp ong để giữ độ thơm, dẻo và không dính vào nhau.

Ban đầu, bánh ngải tưởng chừng khó ăn, nhưng khi thưởng thức rồi ăn một lần là nhớ mãi. Nhớ hương vị trong mát, thơm lừng của lá ngải quyện với lúa nếp nương, vị ngọt thanh của nhân bánh, nhớ bàn tay khéo léo của những người phụ nữ Tày.

Lá ngải cứu có có vị đắng, tính ấm có tác dụng điều hòa khí huyết, cầm máu, trừ hàn thấp… Ăn bánh ngải không chỉ cảm nhận được hương vị của núi rừng mà còn rất tốt cho sức khỏe.

Bánh ngải được bán trong các buổi chợ phiên.
Bánh ngải được bán trong các buổi chợ phiên.

Những người phụ nữ Tày không ai là không biết làm bánh ngải, vì vậy bánh ngải trở thành món ăn truyền thống truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Là món ăn không thể thiếu trong dịp cỗ bàn, mùa lúa mới, đặc biệt bánh ngải còn là gói tình mến khách của người Tày. Hiện nay, ngoài các dịp tết, bánh ngải được bán rộng rãi trong các buổi chợ phiên.

Phương Dung