Bình Định:

Khốn khổ cảnh người dân dùng nước đục như bùn lọc sơ để tắm, giặt quần áo

Doãn Công

(Dân trí) - Nhiều năm qua, hàng ngàn hộ dân các xã Mỹ Chánh, Mỹ Cát (huyện Phù Mỹ, Bình Định) sống khốn khổ vì "khát" nước. Không ít nhà chịu cảnh dùng nước nhiễm mặn tắm giặt, ăn uống phải đi mua từng can nước.

Khốn khổ cảnh người dân Bình Định dùng nước đục như bùn lọc sơ qua để tắm, giặt

Quay quắt vì "khát" nước

Chỉ cách Nhà máy nước sạch Mỹ Chánh khoảng 3 km, nhưng người dân vẫn "khát nước" vì lý do đường ống dẫn nước xuống cấp. Người dân bức xúc, báo chí phản ánh rồi UBND tỉnh Bình Định vào cuộc yêu cầu đưa vào danh mục công trình phải đầu tư khẩn.

Khốn khổ cảnh người dân dùng nước đục như bùn lọc sơ để tắm, giặt quần áo - 1
Hàng ngày, nhiều người dân các xã Mỹ Chánh, Mỹ Cát (huyện Phù Mỹ, Bình Định) phải đi mua nước sạch về ăn uống.

Năm 2019, UBND tỉnh và ngân sách huyện Phù Mỹ bố trí gần 39 tỷ đồng để nâng cấp sửa chữa. Thế nhưng, đến nay dự án vẫn còn ngổn ngang khiến cuộc sống hàng ngàn hộ dân bị đảo lộn vì thiếu nước trầm trọng.

Ghi nhận của phóng viên Dân trí, tại "điểm nóng" về thiếu nước trầm trọng thôn An Xuyên 3 (xã Mỹ Chánh), giữa cái nắng gay gắt ngày cuối tháng 5, không ít người dân đi xe máy, xe đạp mang theo can nhựa để mua nước sạch ở nơi khác về dùng.

Khốn khổ cảnh người dân dùng nước đục như bùn lọc sơ để tắm, giặt quần áo - 2
Vòi nước giếng khoan nhiễm mặn, nước đục như bùn của hộ ông Nguyễn Văn Nhã (xã Mỹ Cát, huyện Phù Mỹ).

Theo nhiều người dân thôn An Xuyên 3, hàng ngày người dân trong thôn phải đi mua nước sạch về nấu ăn, còn nước tắm, giặt quần áo thì dùng nước giếng nhiễm mặn.

Bà Hồ Thị Phúc (63 tuổi, thôn An Xuyên 3) cho biết: "Nhiều năm nay rồi, ngày nào gia đình tôi cũng đi mua nước sạch nơi khác về nấu ăn. Cực khổ lắm nhưng cắn răng chịu đựng. Năm nào cũng nghe nhà máy sẽ sớm nâng cấp đủ cho dân dùng, nhưng đến nay dân vẫn khát nước".

Theo bà Phúc, nhiều năm qua, người dân phải đi mua nước từng bữa, mỗi can nước 20 lít là 1.000 đồng. Hộ 4-5 người có dùng tiết kiệm cũng 6 can/ngày, nhất là nhà có trẻ nhỏ lại nắng nóng tắm rửa nhiều thì tốn hơn. Bình quân mỗi hộ mất 150.000-200.000 tiền nước/tháng, chưa kể đám giỗ chạp, cưới hỏi… thì dùng nhiều nước hơn.  

Khốn khổ cảnh người dân dùng nước đục như bùn lọc sơ để tắm, giặt quần áo - 3
Nguồn nước nhiễm mặn được hộ ông Nhã dùng nước dội nhà vệ sinh, còn muốn tắm giặt thì lọc sơ qua lớp cát cho đỡ bẩn.

Một số nhà có điều kiện, mỗi lần họ mua nguyên xe nước lớn 100.000 đồng/1,5m3, lúc cao điểm là 150.000 đồng/1,5m3. Trong khi đó, nếu có nước máy của nhà nước chỉ 6.000 - 7.000 đồng/m3.  

Ngán ngẩm cảnh đi mua từng can nước về dùng, bà Trương Thị Vân (53 tuổi, thôn An Xuyên 3) nói: "Suốt ngày lo nước sinh hoạt thôi cũng bù đầu. Có tháng nắng cao điểm, người dân đi từ gà gáy để xếp hàng mua nước, nhưng không đủ dùng".

Tình trạng thiếu nước sinh hoạt không chỉ ở xã Mỹ Chánh. Tại xã Mỹ Cát, hàng trăm hộ dân cũng đang quay quắt chạy nước để ăn uống, sinh hoạt từng bữa.

Khốn khổ cảnh người dân dùng nước đục như bùn lọc sơ để tắm, giặt quần áo - 4
Điểm bán nước ghi rõ bảng giá can 30 lít là 1.500 đồng, còn 20 lít là 1.000 đồng. Tính ra so với nước máy theo giá nhà nước cung cấp thì cao hơn gấp nhiều lần.

Mở vòi nước giếng khoan bị nhiễm mặn, nước chảy đục như bùn, ông Nguyễn Văn Nhã nói: "Nước này dùng để dội nhà vệ sinh, còn muốn tắm, giặt quần áo thì lọc qua một lớp cát cho đỡ bẩn. Nhưng sau đó cũng phải dùng nước sạch dội qua một lần. Khổ lắm rồi nhưng không biết kêu ai. Tiền điện bơm nước và tiền mua nước sạch mỗi tháng gia đình tốn trên 600.000 đồng, trong khi vợ chồng làm nông lo ăn từng bữa".

Lãnh đạo huyện rất nóng ruột!

Theo ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch UBND xã Mỹ Chánh, dự án nâng cấp Nhà máy nước sạch Mỹ Chánh, hiện đang trong quá trình lắp đặt đường ống dẫn nước. Với tiến độ này, nhanh nhất cũng tháng 6 đến tháng 7 mới có nước "giải hạn" cho người dân.

Khốn khổ cảnh người dân dùng nước đục như bùn lọc sơ để tắm, giặt quần áo - 5

Bà Hồ Thị Phúc (thôn An Xuyên 3, xã Mỹ Chánh) ngán ngẩm vì chạy nước dùng từng bữa.

"Hiện, khoảng 1.500 hộ dân tại 7 thôn ven biển của xã vẫn đang thiếu nước sạch. Việc thiếu nước sạch thường xuyên khiến người dân phải chịu nhiều thiệt thòi, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bà con", ông Bình nói.

Ông Ngô Thanh Hải, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Phù Mỹ (đơn vị chủ đầu tư dự án nâng cấp Nhà máy nước sạch Mỹ Chánh) thừa nhận, UBND tỉnh yêu cầu đến năm 2020 phải nâng cấp xong, để bổ sung nước phục vụ người dân ở Mỹ Chánh. Tuy nhiên, việc chậm trễ do dự án vướng nhiều thủ tục, đến tháng 4/2020 mới chính thức được triển khai, buộc phải kéo dài sang năm 2021.

Khốn khổ cảnh người dân dùng nước đục như bùn lọc sơ để tắm, giặt quần áo - 6
Nhà bà Trương Thị Vân, xã Cát Chánh với nhiều can nhựa, thùng lớn nhỏ để mua nước về dùng.

"Chúng tôi đang cố gắng trong tháng 5 này sẽ xong. Sau đó, lấy ý kiến, thẩm định các ngành chức năng liên quan và ký hợp đồng với người dân. Dự kiến, đến tháng 6 người dân sẽ có nước sử dụng", ông Hải nói.

Bí thư Huyện ủy Phù Mỹ Nguyễn Văn Dũng cho rằng, việc chậm trễ là do vướng các thủ tục pháp lý, đấu thầu, đấu giá kéo dài.

Khốn khổ cảnh người dân dùng nước đục như bùn lọc sơ để tắm, giặt quần áo - 7
Dự án nâng cấp Nhà máy nước Mỹ Chánh còn ngổn ngang dù được UBND tỉnh Bình Định yêu cầu đưa vào danh mục công trình phải đầu tư khẩn cấp từ nhiều năm trước.
Khốn khổ cảnh người dân dùng nước đục như bùn lọc sơ để tắm, giặt quần áo - 8
Người dân lấy nước và tự động bỏ tiền vào chai nhựa do chủ bán nước đặt tại điểm bán nước.

"Huyện cũng nóng ruột và chỉ đạo quyết liệt triển khai dự án. Hiện cơ bản những điểm xung yếu đã đưa được đường ống dẫn nước đến nơi. Nếu tình hình khô hạn căng thẳng thì sẽ cung cấp nước thành từng nhóm, điểm dân cư đảm bảo không để người dân thiếu nước sinh hoạt", ông Dũng khẳng định.