Hội An rộn ràng vào mùa bánh ú tro tết Đoan Ngọ

(Dân trí) - Bánh ú lá tre hay còn gọi là bánh ú nước tro là món ăn đặc trưng trong dịp tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 Âm lịch) của người Hội An nói riêng và người miền Trung nói chung. Những ngày này, các cơ sở làm bánh đang tất bật vào mùa để giao đi khắp nơi trong và ngoài địa phương.

Đến hẹn lại lên năm nào cũng vậy, bắt đầu từ những ngày đầu tháng 5 âm lịch, khắp nơi ở Hội An nhà nhà rộn ràng bước vào mùa làm bánh ú tro. Cùng với những món ăn ngon khác ở địa phương, bánh ú tro đã góp phần minh chứng cho câu nói “Hội An trăm vật trăm ngon”.

Hội An rộn ràng vào mùa bánh ú tro tết Đoan Ngọ - 1

Đến hẹn lại lên, cứ đến dịp Tết Đoan Ngọ nhà nhà tại Hội An lại tất bật gói bánh ú tro để phục vụ thị trường

Tuy gọi là mùa làm bánh ú tro Hội An, nhưng thực ra mỗi năm người ta chỉ làm bánh trong vòng 4 ngày từ mồng 1 đến mồng 4 tháng 5 âm lịch.

Hội An rộn ràng vào mùa bánh ú tro tết Đoan Ngọ - 2

Cũng như những nơi khác, nguyên liệu chính để gói bánh ú tro cũng từ những hạt nếp tròn mẩy, dân dã nhưng nhờ sự khéo léo cùng bí quyết riêng của mình mà bánh ú tro ở Hội An có những đặc trưng riêng biệt, hấp dẫn

Đã hơn 40 năm trôi qua, cứ đến đầu tháng 5 nhà bà Phan Thị Phương Sen (khối phố Nam Diêu, phường Thanh Hà, Hội An) lại nhộn nhịp người ra vào.

Hội An rộn ràng vào mùa bánh ú tro tết Đoan Ngọ - 3
Hội An rộn ràng vào mùa bánh ú tro tết Đoan Ngọ - 4

Lá bánh được làm từ lá đót mua lại của những người chuyên đi hái lá rừng ở các vùng đèo Hải Vân, hay vùng núi Phước Sơn (Quảng Nam) mới “đúng điệu”

“Cả năm tụi tui chỉ chờ đến những ngày này. Đây là nghề truyền thống của ông bà để lại. Bánh ú tro Hội An có vị thơm ngon đặc trưng, hương vị đậm đà nên được nhiều người ưa chuộng. Mỗi ngày cơ sở của tôi gói nấu khoảng vài chục nghìn bánh, xuất đi Tam Kỳ, Đà Nẵng….”, bà Sen chia sẻ.

Trong nhà lúc nào cũng rộn ràng tiếng nói cười của những người đến phụ gói bánh. Người làm công là các mẹ, các dì quanh xóm, hay các em học sinh đến dịp nghỉ hè lại đến phụ giúp để kiếm thêm tiền quà bánh.

Hội An rộn ràng vào mùa bánh ú tro tết Đoan Ngọ - 5

Hình dáng và màu sắc bánh rất quan trọng. Vì vậy người gói cần tỉ mỉ, làm thế nào để bánh chắc không vung, thật đều, kín và cân đối

Mỗi người một việc, người cắt rửa lá, người sắp lá, người gói bánh, người cột bánh, người tiếp nguyên liệu… Để làm 1 chiếc bánh qua rất nhiều công đoạn như từ chuẩn bị nguyên liệu, đến gói bánh, luộc và cuối cùng là ra thị trường đến tay người dùng.

Hội An rộn ràng vào mùa bánh ú tro tết Đoan Ngọ - 6

Thường một chục bánh một chùm, người quen hay khéo tay có thể gói từ 1.500-2.000 cái mỗi ngày. Giá bán sỉ cho thương lái hiện nay là 15.000/chục

Bánh ú tro được làm từ gạo nếp quê ngâm với tro đã được lọc sạch lấy nước. Nếp sau khi ngâm có màu hơi ngả vàng. Lá dùng để gói bánh là lá kè (lá cây đót) được đặt mua từ vùng Phước Sơn, lá được luộc qua, cắt gọn. Bánh ú tro có 2 loại không nhân và có nhân đậu xanh.

Hội An rộn ràng vào mùa bánh ú tro tết Đoan Ngọ - 7

Sau khi gói xong bánh được cho vào nồi nấu, canh chừng khoảng 5-6 tiếng tùy theo số lượng bánh trong nồi đạt độ chín đều, dẻo ngon và có màu bắt mắt

Bánh sau khi gói sẽ được đem đi nấu. Thời gian để cho nếp đủ nhừ và hòa quyện với tro và màu lá khoảng 6 tiếng. Sau đó, được vớt để ráo.

Hội An rộn ràng vào mùa bánh ú tro tết Đoan Ngọ - 8

Món bánh ú tro ở Hội An có hình khối tam giác, tên cổ là bánh âm, được người dân cúng và dùng nhiều trong tết Đoan Ngọ

Bà Nguyễn Thị Năm - một người gói bánh ú tro tại Hội An - chia sẻ: “Sau 3 ngày làm công tôi gói được khoảng 5.000 cái bánh, chúng tôi thường làm từ khoảng hai giờ sáng đến chiều tối. Mỗi năm chỉ có 3 ngày làm nên ai cũng cố gắng gói nhanh tranh thủ giao hàng, để bánh ú tro Hội An có mặt đúng lúc trên mâm cỗ mùng 5 tháng 5 của mọi nhà. Bình thường tôi làm nghề bỏ gạch, đến dịp tết Đoan Ngọ lại đi gói bánh thuê để kiếm thêm thu nhập”.

Hội An vào mùa bánh ú tro

Món bánh ú tro ở Hội An có hình khối tam giác, tên cổ là bánh âm, được người dân cúng và dùng nhiều trong tết Đoan Ngọ do quan niệm của người xưa tháng 5 âm lịch là lúc “độc trời” nhất trong năm.

Thời điểm này dễ sinh bệnh dịch cho nên các món ăn chế biến cần có sự hấp thụ các đặc tính của cây cỏ, tác dụng là cho dễ tiêu, giải nhiệt. Bánh ú tro ăn nguội, chấm với đường cát, đường thẻ băm nhỏ, mật mía…

C.Bính-N.Linh