DMagazine

Dị nhân móng tay 1m: Mặc áo mất cả tiếng, được đại gia hỏi mua móng tay

(Dân trí) - Để nuôi và giữ được bộ móng tay dài qua nhiều năm, ông Huyền được vợ đồng hành như hình với bóng. Không ít lần ông đối diện với những tình huống dở khóc dở cười vì bộ móng tay dài 1m.

Dị nhân móng tay 1m: Mặc áo mất cả tiếng, được đại gia hỏi mua móng tay

(Dân trí) - Để nuôi và giữ được bộ móng tay dài qua nhiều năm, ông Huyền được vợ đồng hành như hình với bóng. Không ít lần ông đối diện với những tình huống dở khóc dở cười vì bộ móng tay dài 1m.

30 năm không cắt móng tay, được vợ chăm như em bé

Trong ngôi nhà nhỏ ngập tràn sắc xuân, ông Lưu Công Huyền (66 tuổi, ở Giao Yến, Giao Thủy, Nam Định) cùng bà Nguyễn Thị Thuận tất bật chuẩn bị đón Tết Nguyên đán 2024.

Vì sở hữu bộ móng tay dài 1m nên ông Huyền không thể gói bánh chưng. Dẫu vậy ông vẫn ở bên phụ vợ vài việc vặt, chăm chú quan sát vợ thao tác, hướng dẫn bà từng công đoạn từ việc xếp lá, đổ gạo, đỗ đến buộc lạt...

Dị nhân móng tay 1m: Mặc áo mất cả tiếng, được đại gia hỏi mua móng tay - 1
Dị nhân móng tay 1m: Mặc áo mất cả tiếng, được đại gia hỏi mua móng tay - 2

Bà Thuận cười hiền nói: "Năm nào tôi cũng gói đó nhưng lâu không làm lại quên. Ông ấy thường ngồi bên chỉ cho tôi từng chút một. Các công việc khác trong nhà cũng vậy, ông ấy chỉ cần hướng dẫn tỉ mỉ là việc gì tôi cũng làm được".

Ông Lưu Công Huyền nổi tiếng trong vùng bởi sở thích đặc biệt. Hơn 30 năm nay, ông Huyền không cắt móng tay mà nâng niu bộ móng như báu vật của riêng mình. Vì thế, bộ móng tay của ông Huyền ngón dài nhất dài khoảng 1m.

Trả lời phóng viên Dân trí, ông Huyền cho hay, bố ông Huyền vốn theo Nho học. Ông Huyền tự nhận thấy mình cũng có chút duyên với nghề văn sớ, cúng lễ nên dự định nuôi móng tay để "bắt ấn cúng cho sắc sảo".

Dị nhân móng tay 1m: Mặc áo mất cả tiếng, được đại gia hỏi mua móng tay - 3

Hơn 30 năm nay, ông Huyền không cắt móng tay mà nâng niu bộ móng như báu vật (Ảnh: Hồng Hạnh).

Sau này, bố ông Huyền không đồng ý cho ông theo nghề thầy cúng. Tuy vậy, ông thấy việc giữ móng tay không ảnh hưởng đến sức khỏe nên đã nuôi bộ móng dài đến bây giờ.

"Hơn 30 năm nay tôi không cắt móng tay. Móng ở các ngón dài ngắn khác nhau là do bị gẫy do quá trình làm việc, sinh hoạt. Móng bên bàn tay phải ngắn hơn bàn tay trái do làm việc nhiều hơn", ông Huyền nói.

Thời gian đầu, hầu như người thân nào cũng phản đối ông Huyền để móng tay. Ai cũng sợ bộ móng tay dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của ông, khiến ông không thể lao động được. Tuy nhiên, ông vẫn làm việc, kiếm ra tiền bình thường như bao người nên ai nấy từ bỏ ý định bắt ông cắt móng tay.

Ông Huyền thành thạo công việc của một thợ đắp và vẽ tranh. Ông có biệt tài vẽ, tô hoa lá, hình rồng, phượng. Ông thường thi công ở nhiều ngôi chùa, đền, miếu thờ và các công trình nhà ở. Hơn 30 năm qua, ông vẫn gắn bó với công việc này và đem về mức thu nhập khá cho gia đình, chăm lo cho 4 con ăn học, khôn lớn trưởng thành.

Để nuôi được bộ móng tay dài 1m với ông Huyền cũng thật lắm công phu. Ông Huyền kể, trước đây, khi móng tay còn ngắn, ông có thể lái xe đi làm. Tuy nhiên, khi móng tay ngày một dài ra, ông phải đi nhờ xe của người khác.

Dù làm công việc sơn vẽ, thường xuyên bị dính màu, xi măng nhưng không bao giờ ông Huyền rửa tay. "Tôi chỉ lau lòng bàn tay và không bao giờ rửa tay. Tôi sợ khi ngâm nước móng tay sẽ ẩm và bị gãy", ông Huyền nói.

Để nuôi và giữ được bộ móng tay dài qua nhiều năm, ông Huyền được vợ đồng hành như hình với bóng. Ông Huyền vốn vẽ đẹp và có hồn nên được chủ công trình nhiều nơi mời tới.

Hàng chục năm trước, khi vẫn có thể chủ động được sinh hoạt, ông nhận các công trình ở các tỉnh xa. Tuy nhiên, khi móng tay dài hẳn, gây bất tiện, ông phải đi làm cùng vợ. Bà Thuận vì thế trở thành thợ phụ đắc lực giúp ông mọi việc từ pha màu, lấy dụng cụ.

Dị nhân móng tay 1m: Mặc áo mất cả tiếng, được đại gia hỏi mua móng tay - 4
Dị nhân móng tay 1m: Mặc áo mất cả tiếng, được đại gia hỏi mua móng tay - 5

Dù có móng tay dài nhưng ông Huyền vẫn rất khéo léo trong công việc vẽ tranh tường (Ảnh: Hồng Hạnh).

 "Hôm vừa rồi tôi và tốp thợ nhận công trình ở Hà Nam. Chủ công trình cũng cho xe đưa đón, sáng đi làm sớm, tối họ lại chở cả hai vợ chồng về. Móng tay dài quá, tôi không dám đi xa", ông  Huyền kể.

Trong cuộc sống hàng ngày, ông Huyền được vợ giúp mọi việc từ tắm giặt, thay quần áo, tới ăn uống. Nhiều người nói vui, ông Huyền được bà Thuận "chăm như em bé". Mỗi khi tắm, ông giơ hai tay lên cao để kiêng nước tuyệt đối, nhờ vợ dội nước, thay đồ.

"Khó khăn nhất là việc tắm giặt, mặc quần áo, lần nào cũng phải mất cả tiếng đồng hồ. Mùa hè nắng nóng, đi làm nhiều mồ hôi nên ngày nào tôi bắt ông ấy tắm, mùa đông thì cách ra mấy ngày.

Chiếc áo nào của ông ấy tôi cũng phải rạch phần ống tay và khâu thêm hàng cúc, mỗi lần mặc chỉ cần lồng vào ống tay chứ không xỏ như mọi người. Nhiều khi vội vàng, mặc quần áo cho ông ấy lâu quá tôi cũng sốt ruột", bà Thuận kể.

Biết ông Huyền có sở thích lạ, người thân, bạn bè… thường chú ý hơn trong sinh hoạt, tránh các hoạt động mạnh, tác động đến móng tay của ông. Đêm nằm ngủ, ông Huyền dùng gối kê tay lên cao, hạn chế dùng tay kéo chăn hay xoay trở mình.

Dị nhân móng tay 1m: Mặc áo mất cả tiếng, được đại gia hỏi mua móng tay - 6
Dị nhân móng tay 1m: Mặc áo mất cả tiếng, được đại gia hỏi mua móng tay - 7

Những pha dở khóc dở cười của dị nhân móng tay

Ông Huyền làm công việc liên quan đến xây dựng, thiết kế hoa văn cho các đền thờ, chùa chiền, miếu mạo hay nhà ở… Vì vậy, đôi lúc, ông không tránh khỏi rủi ro do nghề nghiệp đem lại.

Ông kể: "Tôi đã bị ngã, trượt giàn giáo ít nhất 6 lần, nhưng lần nào ngã, tôi cũng nghĩ đến việc bảo vệ bộ móng tay đầu tiên mà cứ giơ tay lên trước hết".

Dị nhân móng tay 1m: Mặc áo mất cả tiếng, được đại gia hỏi mua móng tay - 8
Dị nhân móng tay 1m: Mặc áo mất cả tiếng, được đại gia hỏi mua móng tay - 9

Vì ngoại hình đặc biệt nên đi đâu ông Huyền cũng trở thành tâm điểm chú ý của mọi người (Ảnh: Hồng Hạnh).

Một lần khác, ông đang chăm chú vẽ thì bị người thợ cùng đội làm gẫy móng tay khi họ vô tình làm trượt cây tre lúc bắc giàn giáo. Lần ấy, ông Huyền tiếc lắm nhưng cũng không dám trách người kia vì biết họ không cố ý.

Ông Huyền vẽ tranh tường nổi tiếng trong vùng Giao Thủy, Xuân Trường, Hải Hậu… Có lần khi đang vẽ công trình, người dân trong thôn kéo đến xem. Có người nhìn qua tưởng ông Huyền đang cầm một mớ dây lên đã giật thử. Lần khác, có một bà cụ cao tuổi cầm gậy đập đập vào móng tay ông. Những lần bị động như vậy khiến ông Huyền thót tim.

Vì ngoại hình đặc biệt nên đi đâu ông Huyền cũng trở thành tâm điểm chú ý của mọi người. Hai lần vào Thanh Hóa hỏi cưới cho các con, ông khiến gia đình và họ hàng thông gia xôn xao. Ai cũng tò mò đến xem "ông móng tay" và hỏi han đủ điều.

Dị nhân móng tay 1m: Mặc áo mất cả tiếng, được đại gia hỏi mua móng tay - 10
Dị nhân móng tay 1m: Mặc áo mất cả tiếng, được đại gia hỏi mua móng tay - 11

 Ông Huyền rất sợ bị ngã nên luôn đi lại rất nhẹ nhàng. Ông thường cầm trên tay một vật gì đó để có điểm tựa (Ảnh: Hồng Hạnh).

Ông Huyền có con sinh sống ở Hà Nội. Thi thoảng công việc bớt bận rộn, ông lại tranh thủ lên chăm cháu. Có lần bước xuống bến xe, ông bị người lạ xung quanh quây đến xem, ai cũng chen lấn quay phim, chụp ảnh. Ông Huyền lo sợ móng tay bị gẫy nên vội vàng "bỏ chạy".

 "Tôi thường tránh đám đông vì sợ mọi người xô đẩy. Chẳng may tôi ngã ra thì lại ảnh hưởng đến bộ móng tay của mình", ông Huyền kể.

Người đàn ông 66 tuổi cũng ít khi tham dự các đám đình ở địa phương vì lo ngại bộ móng tay sẽ khiến người khác cảm thấy bất tiện khi ăn cỗ. Ông thường nhờ vợ đi dự thay. Họ hàng, làng xóm vì biết ông có sở thích đặc biệt nên không trách cứ gì.

Dị nhân móng tay 1m: Mặc áo mất cả tiếng, được đại gia hỏi mua móng tay - 12
Dị nhân móng tay 1m: Mặc áo mất cả tiếng, được đại gia hỏi mua móng tay - 13

Không chỉ người dân địa phương mà người dân ở nhiều vùng khác cũng biết việc ông Huyền có bộ móng tay dài. "Có người đến xem bộ móng tay, họ gợi ý tôi cắt bỏ bộ móng  rồi bán cho họ. Một lần có số điện thoại lạ gọi đến nói có đại gia muốn mua móng tay của tôi. Có lẽ họ có sở thích sưu tầm những thứ độc lạ. Tuy nhiên, tôi không đồng ý bán", ông Huyền kể.

Bộ móng tay dài dần theo năm tháng khiến ông Huyền mãn nguyện. Song, ông cũng phải đối mặt với những trở ngại về sức khỏe. Móng tay dài nặng khiến ông bị buốt tay, đau vai. Bàn tay phải ông thường phải cầm nắm một vật dụng gì để có điểm tựa.

Theo đuổi một sở thích khác người, ông Huyền từng bị chỉ trích là lười biếng, dị hợm. Tuy nhiên, người đàn ông này khẳng định: "Việc để móng tay dài cũng cần có sự kiên trì. Dù để móng tay dài nhưng ông vẫn vẽ đẹp và làm nhanh gấp nhiều lần người khác".

Dị nhân móng tay 1m: Mặc áo mất cả tiếng, được đại gia hỏi mua móng tay - 14

Bộ móng tay dài nên khi ngồi ông Huyền thường phải đưa tay lên tránh chạm đất (Ảnh: Hồng Hạnh).

Ông Vũ Văn Thịnh, chủ thầu xây dựng thuê ông Huyền đi vẽ công trình hàng chục năm nay cho biết, ông Huyền vẽ đẹp, có hồn và làm việc rất chỉn chu, có tâm.

Ngạc nhiên về bộ móng tay của ông Huyền bao nhiêu thì nhiều người lại trầm trồ, khâm phục sự kiên trì, chu đáo và tận tụy của bà Thuận bấy nhiêu.

Khi được nghe lời khen của mọi người dành cho mình, bà Thuận cười hiền: "Những ngày đầu không quen, tôi cũng nghe nhiều người nói nọ nói kia mà bắt ông ấy cắt móng tay.

Sau này tôi nghĩ, nhiều người đàn ông mê những thói hư tật xấu, còn chồng mình chỉ mê nuôi móng tay thì chẳng có gì mà phải phản đối. Ông ấy vẫn yêu thương vợ con, chăm lo cho kinh tế gia đình, tôi có vất vả hơn một chút việc nhà nhưng cũng chẳng đáng là bao".

Nội dung: Phạm Hồng Hạnh