Quảng Nam:

Các làng hoa thấp thỏm chờ Tết Canh Tý 2020

(Dân trí) - Hiện các nhà vườn trồng hoa, cây cảnh tại tỉnh Quảng Nam đang tất bật chăm bón cho cây, thúc nụ để hoa trổ đúng dịp Tết Nguyên đán. “Ăn, ngủ cùng hoa” nhưng diễn biến thất thường của thời tiết và biến động giá cả đã khiến người dân thấp thỏm, lo lắng.

Chỉ còn ít tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, vụ làm ăn lớn nhất năm của người dân phường Cẩm Châu (nơi trồng hoa nổi tiếng tại Hội An), nhưng tình hình thời tiết khá thất thường và những biến động giá cả khiến người dân bồn chồn, “đứng ngồi không yên”.

Các làng hoa thấp thỏm chờ Tết Canh Tý 2020 - 1

Thời điểm hiện tại, nông dân đang thúc nụ để hoa nở đúng dịp Tết Nguyên đán

Dự kiến nông dân phường Cẩm Châu cung ứng ra thị trường Tết 1.500 chậu cúc các loại, 500 chậu vạn thọ. Ông Đinh Văn Danh (tổ 4, khối An Mỹ, phường Cẩm Châu, Hội An) chia sẻ, năm nay thời tiết thuận lợi do không có bão hay lụt lội, nhưng vấn đề giống cây trồng lại gây trở ngại cho nông dân. Giống cúc pha lê nhập từ Đà Lạt về khiến vườn hư hại 30%, ông Danh phải trồng “hai nước” rồi chăm bón cẩn thận mới giữ được cây sinh trưởng tốt.

Các làng hoa thấp thỏm chờ Tết Canh Tý 2020 - 2

Cận Tết, thời tiết cũng diễn biến thất thường nên người dân phải túc trực chăm sóc để cho ra những chậu cúc đẹp phục vụ thị trường

Theo ông Danh, từ nay cho đến Tết nhà vườn không nói trước được, mấy đợt này thời tiết diễn biến thất thường nên nông dân phải thường xuyên túc trực tại vườn. Mấy ngày nay đang mưa lạnh, rồi trời bùng nắng khiến lá cây rũ xuống nên nông dân phải tưới nước bổ sung cho cây ngay.

Các làng hoa thấp thỏm chờ Tết Canh Tý 2020 - 3

Ngoài yếu tố thời tiết, giống cây bị hư hại khá nhiều cũng gây khó khăn cho nông dân

“Với kinh nghiệm chăm sóc lâu năm nên tôi vẫn giữ được vườn phát triển tốt, chắc chắn sẽ nở đúng dịp Tết Nguyên đán. Giờ chúng tôi lại lo về giá, nói chung mỗi dịp Tết đến là lại thấp thỏm không yên. Năm ngoái sau khi trừ chi phí tôi thu về khoảng 150 triệu đồng, nhưng không biết năm nay ra sao”, ông Danh cho hay.

Năm nay ông Nguyễn Văn Tiếp (phường Cẩm Châu, Hội An) trồng 200 chậu bát tiên, hơn 500 chậu cúc các loại, 100 chậu ly, 300 chậu vạn thọ, hoa treo, hoa trang. “Tôi đã bán được 50 chậu bát tiên với giá 250.000 đồng/cặp, còn các loại khác vẫn đang chờ thị trường. Chỉ hy vọng thời tiết cho đến Tết sẽ thuận lợi hơn, ít sâu bệnh và giá cũng tốt để nông dân có cái Tết vui vẻ”, ông Nguyễn Văn Tiếp chia sẻ.

Các làng hoa thấp thỏm chờ Tết Canh Tý 2020 - 4

Giá cả là vấn đề người dân quan tâm nhất mỗi dịp Tết đến

Ông Nguyễn Quang Tiến (Chủ tịch Hội nông dân phường Cẩm Châu, Hội An) cho biết, phường Cẩm Châu với 277 hộ trồng hoa, cây cảnh phân bố ở các khối An Mỹ, Sơn Phô 1, Sơn Phô 2… Dịp Tết Canh Tý, phường Cẩm Châu dự kiến cung ứng ra thị trường khoảng hơn 93.000 chậu hoa, cây cảnh các loại.

Cụ thể, hoa cúc các loại hơn 30.000 chậu; hoa treo hơn 25.000 chậu; hoa cây cảnh các loại như hoa ly, bát tiên, mãn đình hồng, mai… khoảng 30.000 chậu; quất 8.000 chậu.

Các làng hoa thấp thỏm chờ Tết Canh Tý 2020 - 5

Tích cực chăm sóc, tỉa cây, phòng từ sâu bệnh, người dân “ăn, ngủ cùng hoa”

“Năm nay hoa cúc hư hại do giống và thời tiết khoảng 30%, nên người dân dần chuyển qua trồng nhiều hoa treo, hoa ngắn ngày để đủ cung ứng dịp Tết Nguyên đán. Giá cả vẫn chưa nói trước được, hiện các loại hoa treo giá vẫn đang ổn định, chỉ sợ dịp Tết hàng Đà Lạt nhập về cạnh tranh với hoa địa phương. Nhưng giống hoa tại đây chất lượng, uy tín nên người dân cũng đỡ lo phần nào”, ông Tiến nói thêm.

Tại phường Điện Nam Trung (thị xã Điện Bàn) cũng là cảnh tất bật chăm sóc vườn hoa, thúc nụ nở đúng dịp Tết của nông dân.

Ông Lê Đình Bê (Chủ tịch Hội Nông dân phường Điện Nam Trung) cho biết, tại địa phương hiện nay có hơn 300 hộ dân trồng hoa cúc, tập trung nhiều nhất tại khối phố 5 và khối phố Quảng Lăng A. Ngày thường, các hộ nông dân này thường trồng cúc đất ngắn ngày, nhưng đến cận kề tết thì chuyển sang trồng cúc pha lê chưng kiểng.

Các làng hoa thấp thỏm chờ Tết Canh Tý 2020 - 6

Theo người trồng hoa, cây cảnh khi nào thương lái về đưa mua hoa, tiền vào tay thì khi đó mới hết lo

Đang tưới nước rửa cây ngừa sương muối gây hại, ông Đặng Thái (phường Điện Nam Trung) cho biết, năm nay gia đình ông trồng khoảng 1.100 chậu cúc các loại để cung ứng thị trường Tết. Những ngày này, hoa cúc đang độ vào giai đoạn thúc nụ để hoa nở đúng dịp Tết Nguyên đán nên ông phải thường xuyên túc trực chăm hoa.

“Vừa qua giống cúc pha lê Đà Lạt nhập về hư hại khoảng 50% vườn, tôi phải trồng và chăm sóc rất kỹ lưỡng mới có những chậu hoa như hiện tại. Năm nay thời tiết thuận lợi, nhưng càng gần Tết thời tiết lại lạnh rồi mưa nắng thất thường nên cũng khá lo lắng. Với kinh nghiệm bản thân, cùng với sự chăm sóc tỉ mỉ nên vườn hoa của tôi sẽ nở đúng dịp Tết. Nỗi lo người trồng hoa luôn luôn là giá cả, hy vọng năm nay giá tốt hơn để người dân có cái Tết đủ đầy”, ông Thái chia sẻ thêm.

Người dân chia sẻ về vụ hoa Tết

Tại xã Điện Hòa (thị xã Điện Bàn), với 11ha đất trồng hoa và hơn 10.000 chậu cúc cảnh, đây cũng là một nơi trồng hoa lớn tại Quảng Nam.

Gia đình ông Nguyễn Văn Sáu (thôn Hà Đông, xã Điện Hòa) dự kiến cung ứng khoảng 1.500 chậu cúc các loại phục vụ thị trường Tết 2020. “Mỗi năm nếu suôn sẻ thì thu nhập cho về khoảng hơn 200 triệu. Năm nay thời tiết khá thuận lợi, nhưng càng gần Tết diễn biến mưa nắng khá thất thường nên nông dân cũng thắc thỏm không yên. Khi nào thương lái về đưa đi, tiền vào tay thì khi đó mới hết lo được”, ông Sáu chia sẻ.

Công Bính-Ngô Linh