5 mẹo quản lý tài chính

Trường Thịnh

(Dân trí) - Tạo lập quỹ dự phòng, lập bảng theo dõi thu chi, mua sắm theo kế hoạch, tận dụng các khoản vay có lãi suất hợp lý và tìm kiếm cơ hội tăng thu nhập là những mẹo giúp người lao động quản lý tài chính dễ dàng hơn.

Thời buổi vật giá leo thang, lại thêm Tết Quý Mão dần chạm ngõ, hàng triệu người lao động đều ít nhiều đối mặt với những trăn trở về tài chính. Đối với không ít gia đình, phần lớn thu nhập thường phải dùng để trang trải cho các nhu cầu cơ bản như ăn uống, sinh hoạt hay lo học phí cho con. Khi có các trường hợp phát sinh bất ngờ cần tiền gấp, họ thường không kịp xoay sở. Trong nhiều trường hợp, việc khó tiếp cận các khoản vay từ ngân hàng hoặc tổ chức tài chính khiến cho khó khăn về tiền bạc ngày một lớn hơn. Do đó, nhiều người tìm tới các bí quyết để quản lý tài chính hiệu quả thông qua việc xây dựng một số thói quen tốt trong dài hạn.

Dành ít nhất 10% thu nhập hàng tháng cho quỹ dự phòng

Dù thu nhập cao hay thấp, người lao động nên có một quỹ dự phòng cho các trường hợp khẩn cấp như ốm đau, hư hỏng phương tiện làm việc ảnh hưởng đến thu nhập. Tùy theo khả năng của mình, người dùng có thể cân nhắc dành bao nhiêu phần trăm thu nhập cho quỹ này, nhưng tỷ lệ được các chuyên gia tài chính khuyến khích là tối thiểu 10%. Tỷ lệ này cho phép đảm bảo các chi tiêu hàng ngày, đồng thời vẫn có thể tích lũy, góp vào quỹ dự phòng.

Bên cạnh đó, xây dựng quỹ dự phòng tương đương tối thiểu 3 tháng thu nhập của một cá nhân cũng giúp ích nhiều cho những tình huống không mong muốn xảy ra làm gián đoạn thu nhập thường xuyên.

Lập bảng theo dõi thu chi

Ngày nay, phần lớn mọi người có thể theo dõi chi tiêu hàng ngày thông qua các công cụ và ứng dụng. Nếu đang có khoản vay, thời gian thanh toán khoản vay, số tiền phải trả tính theo ngày là những thông tin cần phải được ghi nhớ trong bảng theo dõi thu chi, nhằm kiểm soát tình hình tài chính chính xác hơn.

Lập kế hoạch mua sắm cụ thể

Một kế hoạch mua sắm được cân nhắc sẽ bao gồm món hàng cần mua, lý do mua và cách để thu xếp đủ tài chính cho món hàng đó mà không ảnh hưởng đến cân đối thu chi trong gia đình mỗi ngày.

Nếu là một tài xế công nghệ, người lao động có thể cần một chiếc điện thoại thông minh phù hợp với yêu cầu công việc đặc thù này. Khi đó, việc cân nhắc đến các tính năng, độ bền cùng giá cả của món hàng so với nhu cầu là bước đầu tiên cần thực hiện. Khi đã xác định món hàng cần mua, người dùng nên tìm hiểu hình thức mua sắm nào ít ảnh hưởng đến tình hình tài chính như mua trả chậm, mua hàng đã qua sử dụng hoặc các chương trình khuyến mãi từ hệ thống điện máy.

5 mẹo quản lý tài chính - 1

Tận dụng các chương trình hỗ trợ tài chính

Nhiều người có tâm lý ngại vay mượn hoặc cho rằng vay nợ sẽ ảnh hưởng đến tình hình tài chính cá nhân. Nhưng trên thực tế, nếu biết tận dụng, các khoản vay có thể là công cụ giúp thực hiện các mục tiêu ngắn hạn (như mua sắm trang thiết bị phục vụ công việc và đời sống) hoặc dài hạn (kinh doanh, xây sửa nhà cửa) trong điều kiện kinh phí có hạn.

Ngày nay, người lao động đã dễ dàng hơn trong việc tiếp cận các khoản vay nhờ các chương trình hỗ trợ tài chính tại các công ty, doanh nghiệp mà họ đang làm việc hoặc hợp tác. Đơn cử, các đối tác tài xế và đối tác nhà hàng Grab được tiếp cận các chương trình hỗ trợ tài chính mà nền tảng này đang giới thiệu.

Tìm kiếm cơ hội gia tăng thu nhập

Việc kiểm soát chi tiêu hiệu quả sẽ càng phát huy tác dụng nếu người dùng không ngừng tìm kiếm các cơ hội để gia tăng thu nhập. Nếu người dùng hoặc ai đó trong gia đình có tài nấu nướng, thử chế biến đồ ăn và tìm kiếm cơ hội kinh doanh các mặt hàng này trên các nền tảng thương mại điện tử là một phương án khả thi.

Nếu người dùng đang là một tài xế công nghệ, việc thử thêm các loại hình dịch vụ khác như giao đồ ăn, đi chợ hộ, giao hàng trên các nền tảng đa dịch vụ như Grab để đa dạng hóa nguồn thu nhập cũng là một gợi ý hữu ích. Hơn nữa, nguồn thu nhập đều đặn được ghi nhận trên các nền tảng như Grab có thể được xem là căn cứ tạo nên mức tín nhiệm, góp phần mở cánh cửa cho người dùng tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ tài chính trong tương lai.