Công nhận lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm là di sản văn hóa Quốc gia

(Dân trí) - Sau khi bộ mộc bản kinh Phật ở chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) đã được UNESCO công nhận là di sản tư liệu của nhân loại, lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm vừa tiếp tục được công nhận là di sản văn hóa quốc gia.

Ngày 10/9, trong danh sách 5 di sản văn hóa phi vật thể được công nhận là di sản văn hóa quốc gia tiếp tục có tên Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm (xã Trí Yên, huyên Yên Dũng - Bắc Giang). Theo đó, 4 di sản văn hoá quốc gia được công nhận còn lại gồm: Lễ hội Phủ Dầy (Nam Định); Lễ hội Nghinh Ông (TPHCM); Hát bả trạo (Quảng Nam) và nghề dệt chiếu (Đồng Tháp).

Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm tổ chức vào ngày 14 tháng 2 âm lịch hàng năm. Ngày này các sư gọi là ngày giỗ tổ nên cũng gọi là hội giỗ tổ chùa Vĩnh Nghiêm.

Công nhận lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm là di sản văn hóa quốc gia.
Công nhận lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm là di sản văn hóa quốc gia.

Vào các ngày lễ hội, hàng vạn người gồm nhân dân trong vùng và khách thập phương đổ về chùa lễ Phật, tham d hội hè.

Chùa Vĩnh Nghiêm thuộc thôn Đức La - Trí Yên - Yên Dũng - Bắc Giang nên còn gọi là chùa Đức La với lễ hội La nổi tiếng được xây dựng từ thời Lý đến thời Trần. Tọa lạc nơi hợp lưu của sông Lục Nam và sông Thương, chùa nhìn ra ngã ba sông, phía Lục đầu giang - Kiếp Bạc, vùng Cẩm Lý cửa ngõ ra vào núi Yên Tử. Vì thế mà suốt gần ngàn năm trôi qua, dân gian có câu: “Ai qua Yên Tử, Quỳnh Lâm/ Vĩnh Nghiêm chưa tới thiền tâm chưa đành”.

Bao quanh chùa là núi non trong đó có núi Cô Tiên. Bên kia sông là vương phủ của Trần Hưng Đạo đền Kiếp Bạc. Cả 3 vị Tam tổ của thiền phái Trúc Lâm là Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang đều thụ giới ở chùa Vĩnh Nghiêm, lấy nơi này làm trung tâm Phật giáo thời Trần.

Trong chùa có rất nhiều tượng pháp, đủ loại tượng: Tượng Phật, tượng các vị Tổ dòng Trúc Lâm, tượng các vị sư Tổ sau này, tượng Hộ pháp, tượng La Hán… Trong số những đồ thờ tự ở đây có chiếc mõ dài gần nửa mét, được sơn đen bóng, lỗ thoát âm có đề hai dòng chữ Phạn.

Ch
Ch
Chùa Vĩnh Nghiêm nổi tiếng với kho mộc bản kinh Phật được công nhận là di sản tư liệu của nhân loại.

Chùa Vĩnh Nghiêm xưa là nơi đào luyện tăng đồ Phật giáo nên có các bộ ván kinh xưa rộng tới 10 gian nhà. Đó là những bộ ván kinh có từ 700 năm nay, là kho sách cổ vô cùng quý giá như: Sa di tăng sa di tì tỉ khiêu ly (348 giới luật), bộ Yên Tử nhật trình từ thế kỷ 15 (quá trình hình thành phái Trúc Lâm), Hoa nghiêm sớ, Di đà sớ sao, Đại thừa chí quán, Giới kinh ni... do các vị sư tổ Thiền phái Trúc Lâm ở chùa Vĩnh Nghiêm cho khắc tạc từ những năm giữa thế kỷ XVIII (triều vua Lê Cảnh Hưng) đến đầu thế kỷ XX.

Hiện nay, kho mộc thư vẫn lưu giữ được 34 đầu sách với gần 3.000 bản khắc bằng loại gỗ thị. Mỗi bản có hai mặt, mỗi mặt 2 trang sách khắc ngược (âm bản) khoảng 2.000 chữ Nôm, chữ Hán. Người xưa chọn gỗ thị để tạc chữ. Đây là loại gỗ trắng, thớ gỗ mịn, lại ít cong vênh. Khi gỗ còn tươi rất mềm, khi khô lại trở nên dai bền hiếm có. Vì vậy mà các nghệ nhân xưa đã khắc ngay khi gỗ mới được xẻ thành ván.

Theo Đại đức Thích Thanh Vịnh - Trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm - thì tất cả ván làm mộc thư đều được lấy xẻ từ thị trồng trong khuôn viên nhà chùa. Cho dù trải qua hàng trăm năm nhưng đến bây giờ vẫn còn gốc của những cậy thị lớn mà các vị sư tổ đã cho đốn làm mộc thư. Đây là những bản khắc có niên đại sớm nhất, nhiều sách nhất, chữ chuẩn đẹp nhất và đạt đến độ tinh xảo, trong số mộc thư còn lưu giữ được ở nước ta.

 
Anh Thế