Thành lập Viện Nền móng công trình đầu tiên của một doanh nghiệp

Toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế đã trở thành xu thế khách quan chi phối sự phát triển kinh tế, xã hội của mỗi quốc gia và quan hệ quốc tế, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó.

Sự ra đời và phát triển lớn mạnh của tổ chức Thương mại Thế giới WTO chứng tỏ xu thế toàn cầu hóa ngày càng mạnh mẽ. Việt Nam chính thức ra nhập WTO vào tháng 11 năm 2007 là một dấu mốc quan trọng tạo điều kiện mở rộng thị phần quốc tế, thúc đẩy thương mại phát triển, thu hút vốn đầu tư, kinh nghiệm quản lý từ nước ngoài.

Thành lập Viện Nền móng công trình đầu tiên của một doanh nghiệp - 1

Một yếu tố quan trọng mà các nhà đầu tư cân nhắc trước khi quyết định đầu tư vào thị trường Việt Nam là nền tảng cơ sở hạ tầng. Trong thời gian hội nhập và phát triển Việt nam đã tìm tòi, nghiên cứu áp dụng công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực xây dựng của nước ngoài, bước đầu đã có những thay đổi lớn về nền tảng cơ sở hạ tầng vốn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Tuy nhiên, cũng còn những thách thức lớn như điều kiện khí hậu đặc thù và khác biệt giữa các vùng miền trên lãnh thổ Việt Nam, áp dụng các công nghệ nào cho phù hợp với địa chất, thổ nhưỡng, làm thế nào giảm thiểu những sự cố công trình do không nắm bắt và điều khiển được các kỹ thuật mới, làm thế nào để giảm thời gian và chi phí trong xây dựng. . . đòi hỏi sự quan tâm hơn nữa của Nhà nước cũng như các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng.

Thành lập Viện Nền móng công trình đầu tiên của một doanh nghiệp - 2

Thấu hiểu những điều đó, công ty Cổ phần Kỹ thuật nền móng và công trình ngầm FECON đã thành lập Viện Nền móng công trình (tên viết tắt là FECON INS) - Viện đầu tiên của ngành xây dựng trong một doanh nghiệp, nhằm phục vụ cho sự phát triển lĩnh vực địa kỹ thuật công trình nói riêng và lĩnh vực xây dựng nói chung. Viện Nền móng công trình đã được long trọng ra mắt tại Khách sạn Melia ngày 18/03/2010 vừa qua.

Viện nền móng được thành lập với mục đích đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực nền móng công trình và công trình ngầm. Công tác đào tạo, nghiên cứu, hợp tác nguồn nhân lực và hợp tác quốc tế của Viện tạo đà cho các bước phát triển trong ngành xây dựng Việt Nam và Thế giới .

Thành lập Viện Nền móng công trình đầu tiên của một doanh nghiệp - 3

Giáo sư  - Tiến sĩ Lê Đức Thắng là người có nhiều kinh nghiệm và nhiệt huyết trong lĩnh vực nền móng công trình được bổ nhiệm làm Viện trưởng. Mọi hoạt động khoa học kỹ thuật của Viện được định hướng bởi Hội đồng Khoa học của Viện bao gồm 18  thành viên, là các Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ có nhiều kinh nghiệm và có tâm huyết đóng góp cho lĩnh vực địa kỹ thuật công trình.

Tuy mới thành lập nhưng Viện đã đặt ra những mục tiêu rất rõ ràng trong năm năm tới là củng cố các hoạt động khoa học công nghệ hiện tại, rà soát và thiết lập các qui trình chuẩn cho các công nghệ sản xuất,  thi công, thí nghiệm đang triển khai của FECON, nghiên cứu để áp dụng các công nghệ mới liên quan đến thi công nền móng và công trình ngầm. Ngoài ra, Viện còn phối hợp với các trường đại học đào tạo sinh viên trong các hoạt động thực hành và đẩy mạnh các hoạt động tư vấn địa kỹ thuật cũng như đào tạo nội bộ về khoa học công nghệ và các nghiệp vụ chuyên sâu của công ty.

Thành lập Viện Nền móng công trình đầu tiên của một doanh nghiệp - 4

Để làm được những điều đó Viện Nền móng công trình cần huy động toàn bộ chất xám để phát triển khoa học công nghệ ứng dụng trong ngành địa kỹ thuật, cố gắng làm đề tài khoa học phải có tính ứng dụng thực tiễn cao, qua đó áp dụng trực tiếp vào lĩnh vực sản xuất tạo ra lợi nhuận, góp phần vào sự phát triển của công ty FECON.

Sự ra đời của Viện Nền móng công trình hứa hẹn sẽ mang lại nhiều thành tựu trong nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới trong xây dựng, phù hợp với khí hậu, địa chất Việt Nam cũng như đem lại nhiều đề tài nghiên cứu có tính thực tiễn cao, tạo dựng giá trị bền vững, góp phần vào công cuộc hội nhập kinh tế Quốc tế của Công ty Cổ phần Kỹ thuật nền móng và công trình ngầm FECON nói riêng và ngành xây dựng Việt Nam nói chung.