Suy ngẫm về hai từ “Nhân Dân”

(Dân trí) - Thiết lập một Nhà nước thật sự của dân, do dân, vì dân là niềm mơ ước hàng ngàn đời của nhân dân ta. Ước mơ đó đã phải đánh đổi bằng xương máu của nhân dân và sự phấn đấu cải cách không ngừng của nhà nước ta.

Nhân dân thứ thiệt!

 

Gần đây trên các tờ báo Điện tử (như Dân trí, Vnexpress,… ) xuất hiện bài thơ Nhân dân của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm.

 

Chiêm nghiệm và ngẫm nghĩ lại, tôi cảm thấy nhà thơ Nguyễn đã nói rất đúng và rất hay về nội hàm nhân dân Việt Nam ta (và có lẽ cũng là nhân dân một nước bất kỳ trên thế giới) trong bài thơ chỉ có 15 câu và 88 chữ này.

 

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Trong mắt của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, những nông dân “một nắng hai sương” trên đồng lúa, các chiến sĩ “quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh”, các sinh viên, học sinh cặm cụi với sách vở và dòng người xuống đường để tranh đấu cho quyền lợi của mình đều là những nhân dân “thứ thiệt”:

Cúi mình trên đồng lúa
Lao lên các hỏa điểm chiến tranh
Lăn mình trong các cuộc xuống đường
Cặm cụi với sách vở

(Nhân dân, Nguyễn Khoa Điềm)

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, từng là Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương. Chính uy tín và sự thật lòng của nhà thơ đã gây cho tôi những cảm xúc khó có thể diễn tả bằng ngôn từ, ngữ nghĩa.

 

Nhà thơ đã “rót” vào tâm hồn tôi một “túi khôn” với điều diệu kỳ mang tên “Nhân dân thứ thiệt”. Tôi tự hỏi (để rồi tự tìm hiểu và tự trả lời) về sự huyền diệu ý nghĩa này.

 

 

Suy ngẫm về hai từ “Nhân Dân” - 1

(hình minh họa - nguồn ảnh: internet)

 

Theo tôi, ngoài những tật xấu do văn hóa tiểu nông quy định thì nhân dân ta là một nhân dân thông minh và rất trung thực. Đặc biệt, người dân Việt Nam luôn quan tâm mọi vấn đề xã hội của Đất nước. Điều này đã trở thành truyền thống và cũng là cung cách sống của dân tộc Việt Nam ta:

 

Nhưng lạ lùng thay, nhân dân thông minh.

Không hề lừa ta dù ca dao, cổ tích.

Ta lớn lên bằng niềm tin rất thật

Biết bao nhiêu hạnh phúc ở trên đời

(Đất nước, Nguyễn Khoa Điềm)

 

Bên cạnh đó, nhân dân ta là một nhân dân quật cường và anh dũng. Một ngàn năm đô hộ của phương bắc, một trăm năm đô hộ giặc Tây và ba mươi năm chiến tranh từng ngày, dù kết quả là “một nước Việt buồn” (như từ dùng của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn) nhưng “Ta vẫn là Ta”. Dáng đứng Việt Nam (trong bài thơ của Lê Anh Xuân) vẫn đẹp đẽ và bền vững như một tượng đài thế kỷ trong lòng nhân loại.

 

Và cũng hiếm có nhân dân nào yêu hòa bình và công lý như nhân dân Việt Nam ta. Bằng chứng là Chủ tịch Hồ Chí Minh được vinh danh là chiến sĩ đấu tranh cho Hòa bình quốc tế và Danh nhân văn hóa thế giới. Thủ đô Hà Nội được phong tặng là Thủ đô Hòa bình. Bản thân nhân dân Việt Nam cũng được bạn bè thế giới tung hô trong niềm hân hoan là một Nhân dân Anh hùng và quả cảm.

 

Sao lại sợ nhân dân biểu tình?

 

Đọc bài thơ Nhân dân của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm có câu: “Sao lại sợ nhân dân biểu tình?”

 

Câu hỏi này của nhà thơ làm đau đáu trong tôi về ký ức tuổi thơ. Lúc đó, tôi thường khóc thét lên khi bị mẹ mắng. Nhưng khi mọi chuyện qua đi và tôi cũng đã lớn, mẹ tôi hiền dịu hỏi tôi rằng: “Sao con lại sợ mẹ mắng?”. Tôi chỉ biết cúi đầu trả lời: “Dạ! Dạ… Tại con nghĩ con làm sai!”.

 

Câu chuyện thuở ấu thơ khiến tôi liên tưởng trở lại về mối quan hệ Nhân dân – Nhà nước ta trong hiện tại.

 

Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Tức là ở Đất nước ta, nhân dân là Đấng Sinh Thành của đứa con mang tên Nhà nước. 

 

Và do đó, Nhà nước ta là một Nhà nước “thứ thiệt”. Và tất nhiên, những điều Nhà nước chúng ta làm đều theo một phương châm rất đơn giản. Đó là: Cái gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, cái gì hại cho dân cũng cần phải hết sức tránh.

Vậy không có lý do gì Nhà nước ta lại sợ nhân dân biểu tình như vị đại biểu Quốc hội nào đó lo lắng. Trái lại, như khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước, Chính phủ là luôn luôn trân trọng, biểu dương, khen thưởng xứng đáng đối với tất cả các hoạt động, việc làm của tất cả mọi người dân thật sự vì mục tiêu yêu nước, vì quyền lợi chính đáng của mình, vì lợi ích đất nước và bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Do đó, Luật Biểu tình được Quốc hội quyết định xây dựng là một tiến bộ trong việc xác định rõ ràng và hợp lý vai trò xã hội của nhân dân. Đúng như nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã viết:

Hãy yêu Nhân dân và nghe Người nhắn nhủ
Hãy tìm sức mạnh mình trên cơ thể Nhân dân

(Đất nước, Nguyễn Khoa Điềm)

Phải chăng vẫn còn nhiều điều chưa nói hết về hai ngữ nghĩa “nhân dân”?

 

        

                                         Nguyễn Văn Toàn

                               287 Chi Lăng, phường Phú Hiệp, Tp Huế

 

LTS Dân trí-Những cải cách tiến bộ của hệ thống luật pháp nhằm xác lập thật sự quyền làm chủ của người dân trong mọi hoạt động kinh tế- xã hội chính là động lực quan trọng nhất trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhấn mạnh: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu / Khó vạn lần dân liệu cũng xong!”. Đấy là chân lý bất biến trong mọi giai đoạn lịch sử.

 

Luật biểu tình được Quốc hội cho xúc tiến xây dựng chính là nhằm xác lập bằng luật pháp quyền của nhân dân được tỏ bầy công khai thái độ và ý nguyện của mình trước những vấn đề có tính bức xúc, nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của cộng đồng, của dân tộc cũng như lợi ích của mỗi người dân.Đấy cũng là việc làm cần thiết nhằm thực hiện quá trình dân chủ hóa và xây dựng nhà nước pháp quyền thật sự của dân, do dân và vì dân.