Ý kiến luật sư:

Sáng tạo phải được bảo hộ để thúc đẩy phát triển

(Dân trí) - Về việc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc đấu tranh đòi tiền tác giả đối với các tác phẩm của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn được sử dụng trong show diễn của ca sỹ Khánh Ly. Luật sư Trương Anh Tú, Trưởng Văn phòng luật sư Trương Anh Tú nêu quan điểm:

(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)

 

Ở Việt Nam, việc xâm phạm quyền tác giả diễn ra khá phổ biến trên hầu khắp các lĩnh vực từ thơ ca, nhạc, họa đến các tác phẩm điện ảnh, kiến trúc. Dường như không lĩnh vực nào mà người sáng tác, người sở hữu tác phẩm không phải lên tiếng kêu gọi sự hỗ trợ để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình.

 

Việc bảo việc quyền tác giả là rất cấp thiết, nếu không bảo vệ triệt để quyền tác giả nói chung và quyền sở hữu trí tuệ nói riêng sẽ triệt tiêu sự sáng tạo. Mà một xã hội không thể thiếu vắng sự sáng tạo được bởi nếu ngược lại chỉ có thể là xã hội “chết”. Tất cả những điều vĩ đại trên thế giới, tất cả sự phát triển hay các cuộc cách mạng đều bắt nguồn từ sự sáng tạo. Không bảo hộ được sự sáng tạo đồng nghĩa với việc chấm dứt sự phát triển!? Do đó, để phát triển thì bắt buộc sự sáng tạo phải được bảo hộ.

 

Có thể nói Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc do nhạc sỹ Phó Đức Phương thành lập là một bước tiến lớn trong việc bảo vệ quyền tác giả đối với các tác phẩm âm nhạc. Điều này phản ánh rằng: giới nhạc sỹ hay những tác giả, những chủ sở hữu tác phẩm âm nhạc không thể ngồi yên chờ đợi sự bảo hộ từ cơ quan chức năng, mà họ đã tự đứng lên bảo vệ quyền lợi của mình trong “cuộc chiến” cũng khá là… cam go này.

 

Các hoạt động của Trung tâm từ khi thành lập đã có tác động tích cực trong việc cải thiện đời sống cho các nhạc sỹ, những người sở hữu tác phẩm, khuyến khích sự sáng tạo của người nghệ sỹ. Đồng thời giúp nâng cao ý thức của người sử dụng nhạc, hạn chế các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

 

Theo quy định tại nghị định 61/2002/NĐ-CP về “Chế độ nhuận bút” thì buổi biểu diễn ca nhạc của ca sỹ Khanh Lý vừa qua thuộc loại hình “tác phẩm sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác”, nên có hai cách tính nhuận bút: tính theo khung nhuận bút có đơn vị tính là mức tiền lương tối thiểu; và tính theo tỷ lệ % doanh thu buổi diễn.

 

Trong vụ việc này, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc áp dụng cách tính: 5% x 75 % số ghế x giá vé trung bình là không phù hợp. Tuy nhiên, nếu không áp dụng cách tính này, Trung tâm sẽ rất khó để thu được tiền.

 

Hai cách tính theo Nghị định 61/Cp đề ra dường như đều không có tính khả thi vì: cách tính theo khung nhuận bút phức tạp, không có quy định hướng dẫn. Trong khi với cách tính theo tỷ lệ phần trăm, Trung tâm không thể kiểm soát được doanh thu của buổi biểu diễn để yêu cầu trả tiền tác giả.

 

Nghị định 61/Đ-CP ra đời tại thời điểm năm 2002 khi tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, vấn đề quyền sở hữu trí tuệ chưa đặt ra gay gắt như thời điểm này. Nghị định 61/CP còn mang nặng tư duy của những thập niên 70 - 80, với quy định về cách tính nhuận bút theo bậc, làm tôi nhớ đến thời bao cấp: ông đào giếng (lao động chân tay) được 15kg gạo/tháng, ông đạo diễn (người trí thức) được 10kg/gạo/tháng. Cách làm này đúng là quá máy móc.

 

Chính vì lý do đó, cần thiết phải xây dựng những quy định mới để triệt tiêu tình trạng xâm phạm quyền sở hữu tác giả. Trong đó đề cao phương thức thỏa thuận để dung hòa được lợi ích của cả người sáng tạo và người sử dụng, đưa việc bảo hộ quyền tác giả vào quy luật kinh tế chung là “Quy luật cung - cầu”, “thuận mua, vừa bán” vì quyền tác giả cũng mang tính thương mại.

 

Để thực hiện được phương thức này, đòi hỏi phải có sự tham gia kiên quyết của các ban ngành hữu quan. Cụ thể: Chỉ cấp phép biểu diễn đối với những show diễn đã có văn bản thể hiện sự thỏa thuận về việc trả tiền nhuận bút cho tác giả, người sở hữu tác phẩm. Một xã hội văn minh, tiến bộ thì không thể chấp nhận được tư duy dùng “của chùa”, dùng “miễn phí” các sản phẩm trí tuệ, dẫn đến nghịch cảnh: ca sỹ, bầu show giầu sụ trong khi nhạc sỹ - cha đẻ của tác phẩm thì nhiều khi phải sống trong cảnh túng quẫn.

 

Không ai biết Chế Linh kiếm được bao nhiêu tiền từ “Thói đời”; Quang Dũng, Khánh Ly đã hát cho bao nhiêu người nghe “Hạ trắng”… Nhưng theo tôi được biết, cha đẻ của những tác phẩm đó đã phải sống lay lắt qua ngày, chắt chiu từng đồng để lo cho cuộc sống. Những mảnh đời cơ hàn như nhạc sỹ Vinh Sử, đạm bạc như Trịnh Công Sơn hay khốn khó như Lan Phương, bi kịch như Trúc Phương... đã, đang và sẽ ám ảnh khôn nguôi đối với tất cả những người yêu nhạc.

 

Do đó, thay vì ai đó có thể không hài lòng với cách làm của nhạc sỹ Phó Đức Phương, nhưng theo tôi cần thiết hơn là chúng ta nên chung tay chống lại, xóa bỏ tư “duy dùng hàng miễn phí”, bảo vệ triệt để sự sáng tạo của các nhạc sỹ.

 

LS Trương Anh Tú