Hồi âm từ loạt Phóng sự “bắt người vô tội vạ vào… trại cai nghiện” ở tỉnh Thái Nguyên:

Người bị bắt đi cai nghiện oan đã được… thả về quê ăn Tết!

Sau khi Báo Lao Động đăng phóng sự dài kỳ “Bắt người vô tội vạ vào… trại cai nghiện”, chi Cục phòng chống Tệ nạn xã hội, Sở Lao Động - Thương binh và Xã hội Thái Nguyên đã có công văn yêu cầu cơ quan chức năng ở xã, huyện và tỉnh, rà soát hồ sơ theo như các kiến nghị từ kết quả tố cáo của Phóng viê.

Loạt bài khởi đăng từ ngày 20/1/2014, gồm các bài: “Đã có “lệnh” thì 1000 năm sau nó vẫn phải vào trại cai nghiện”, “Trèo tường trốn khỏi trại cai nghiện, tìm gặp nhà báo”, “Bắt người tùy tiện - những kẽ hở chết người”. Sau khi đăng, tòa soạn đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi tích cực từ phía độc giả và cơ quan chức năng. Kết quả thẩm tra theo yêu cầu của Sở LĐ, TB&XH Thái nguyên cần báo cáo Giám đốc Sở LĐTBXH Thái Nguyên và trả lời Báo Lao Động trước ngày 25/1/2014.
Người bị bắt đi cai nghiện oan đã được… thả về quê ăn Tết!
Quyết định “phóng thích” Nguyễn Hữu Nam do Chủ tịch UBND huyện Phú Lương ký. Câu hỏi đặt ra là: các tổn hại vật chất và tinh thần mà Nam cùng gia đình phải gánh chịu trong nhiều tháng bị “bắt” cai oan kia, ai sẽ bồi thường?

Đúng như tài liệu của PV Lao Động, bước đầu các sai phạm của các hồ sơ đưa người đi cai nghiện bắt buộc đã lộ ra. Hàng chục comments (hồi âm) của độc giả tố cáo thêm các trường hợp “bắt oan” người đi cai nghiện một cách rất khó hình dung khác nữa. Họ đã nhiều khi “bắt” người đi vào “trại cai nghiện” không có căn cứ, trái với quy định, sai pháp luật. Lỗi này là do công an xã, huyện, do lãnh đạo xã sở tại, do Hội đồng tư vấn cấp huyện, cũng như cá nhân những đồng chí Chủ tịch huyện đã ký Quyết định đưa người đã cai nghiện thành công… tiếp tục vào trại cai nghiện, bất biết đến những phản ứng có tình có lý của bản thân họ và gia đình, xóm mạc! Điều này đã gây bất bình lớn trong bà con, dư luận, cũng như trong bản thân các gia đình có người đã cai nghiện thành công. Điều này cũng khiến người từng nghiện ma túy bị tổn thất lớn về tinh thần và vật chất, gia đình họ lao đao về mọi mặt. Thực tế, không ít gia đình đã đâm đơn kiện cơ quan chức năng, đòi bồi thường vì các quyết định “bắt đi cai” gây hại lớn cho họ. Về phía các cơ quan giám sát (Chi Cục phòng chống tệ nạn xã hội, Sở LĐTBXH), kiếm tra hồ sơ, tổ chức cai nghiện và quản lý đối tượng (Trung tâm giáo dục lao động xã hội)… cũng không thể từ chối chịu trách nhiệm lớn trong các vụ việc này. Bởi theo quy định, Trung tâm cai nghiện phải kiểm tra hồ sơ đối tượng, quá trình xét nghiệm thấy đối tượng liên tục có phản ứng âm tính với ma túy cũng cần phải có ứng xử kịp thời, có các kiểm tra giám sát mang  ý nghĩa nhân văn và trách nhiệm với cộng đồng.

Trước tình trạng “bê bối”, vô lối, vô cảm như loạt phóng sự đã tố cáo, ngày 27//1/2014, Chủ tịch UBND huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, bà Nguyễn Thị Mai, đã ký Quyết định số 4486 - QĐ UBND “Hủy quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh” đối với Nguyễn Hữu Nam”. Anh Nam là nhân vật bị bắt đi cai nghiện oan, đã bức xúc “Trèo tường trốn khỏi trại cai nghiện tìm gặp nhà báo” mà LĐ đã đề cập. Bà Mai cũng chính là người ký quyết định đưa Nam đi cai nghiện bắt buộc cách đây hơn 1 năm. Lý do bà Mai ký quyết định trên, được công văn ghi rõ, là do “việc xác lập hồ sơ ban đầu của UBND xã Phấn Mễ không đúng quy định” (có lẽ không nên đổ một mình trách nhiệm lên đầu UBND xã Phấn Mễ như thế!). “Chánh văn phòng HĐND, UBND huyện, Công an huyện, Trưởng phòng LĐTBXH, Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh – Giáo dục và Lao động xã hội, UBND xã Phấn Mễ, và ông Nguyễn Hữu Nam chịu trách nhiệm thi hành quyết định này”. Quyết định trên có hiệu lực kể từ ngày 27/1/2014, tức là ngày 27 Tết Nguyên Đán 2014. Vậy là Nam có thể về quê đón Tết Nguyên Đán, thay vì bị “giam lỏng” để giáo dục và lao động cật lực, mỗi tháng gia đình được thăm nom tiếp tế duy nhất 1 lần như suốt thời gian trời đằng đẵng vừa qua! Con người khốn khổ bị bắt đi cai nghiện này đã chính thức được “phóng thích” sau thời gian dài bị bắt vào trại, ép cai nghiện dù… bản thân anh không còn nghiện.

Chi Cục trưởng Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh Thái Nguyên xác nhận với chúng tôi thông tin kể trên. Gia đình Nguyễn Hữu Nam cho biết: Các ông Phó Chủ tịch UBND xã, Trưởng Công an xã Phấn Mễ và một số cán bộ nữa đã đem một cái phong bì “quà”, trong đó “đính kèm” cả cái Quyết định “hủy” kể trên, cùng nói lời xin lỗi với gia đình Nguyễn Hữu Nam. Từ nơi lẩn trốn trên tỉnh Bắc Kan, Nguyễn Hữu Nam điện thoại cho PV Lao Động, cho biết: anh Nam rất vui, đang bắt xe khách về quê đón Tết, tiếp tục làm chủ hệ thống lò gạch, kết thúc những tháng ròng bị bắt oan đi cai nghiện, phải trèo tường trốn trại, rồi lẩn lút trước sự truy đuổi của cơ quan hữu trách. Câu hỏi đặt ra là: bắt người không nghiện đi cai ma túy khổ sở trong trại, rồi thả họ ra và xin lỗi là… xong ư? Vậy thì, các tổn hại vật chất và tinh thần mà Nguyễn Hữu Nam và gia đình phải gánh chịu trong nhiều tháng bị “bắt” oan kia, ai sẽ bồi thường?

Đáng tiếc là gia đình Phạm Đức Trung (nhân vật trong phóng sự “Đã có lệnh thì 1000 năm sau nó vẫn phải đi trại cai nghiện”), Tết này vẫn phải đi tiếp tế cho Trung trong trại cai nghiện, cho dù hồ sơ của Trung có quá nhiều tình tiết vô lý, nhiều biểu hiện sai sót, coi thường luật pháp. Thậm chí, cơ quan chức năng cung cấp và công an thị trấn Sông Cầu cũng thú nhận: hồ sơ đưa Trung đi cai nghiện không có chữ ký của Nam, nó là hồ sơ cũ “không đủ bằng chứng nói là Trung còn nghiện”, Trung đã cai nghiện thành công từ nhiều năm, bà con và cán bộ sở tại chứng nhận cho điều này. Theo Chi Cục Phòng chống TNXH Thái Nguyên, lý do cho việc Trung chưa được phóng thích là vì… huyện Đồng Hỷ chưa có hành động cụ thể, chưa có hồ sơ để “phân rõ trắng đen” trong cuộc tranh cãi nghiện hay không nghiện của Trung. Đề nghị UBND huyện Đồng Hỷ và cơ quan hữu trách sớm làm rõ vấn đề này, tránh sự oan khuất không đáng có cho đồng bào mình.

Theo Đỗ Doãn Hoàng

Lao Động