Nghe tin hủy lễ hội mà lòng… vui hơn đi hội!

Nguyễn Minh

(Dân trí) - Người ta vẫn thường nói vui như đi trẩy hội, nhưng có lẽ trong bối cảnh này thì chắc hẳn là nghe tin hủy lễ hội mà lòng…vui hơn cả đi hội!

Chúng ta cần ưu tiên cái gì là quan trọng hơn: một cái Tết đơn giản hơn, di chuyển ít hơn hay là "cứ vui hết mình" để rồi tạo cơ hội lây lan Covid-19 và sau đó là những hậu quả khôn lường?

Chỉ trong 2 ngày, Việt Nam đã ghi nhận thêm hàng loạt ca lây nhiễm Covid-19 mới tại cộng đồng ở hai tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh và dịch bệnh đang nhanh chóng ảnh hưởng nhiều tỉnh thành khác. Đây là đợt bùng phát dịch lớn nhất tại nước ta đến nay, đặc biệt các bệnh nhân bị tấn công bởi biến chủng vi rút mới siêu lây nhiễm có nguồn gốc từ nước Anh.

Nghe tin hủy lễ hội mà lòng… vui hơn đi hội! - 1

Covid-19 đang lan rộng trên nhiều tỉnh thành của Việt Nam

Những con số tăng tiến, nhảy múa về các ca dương tính khiến không khí Tết đang len lỏi trên mọi nẻo đường dường như chùng xuống, không ít người lo lắng về một cái Tết "ai ở đâu ở yên đó". Biết bao cuộc gặp gỡ, dự định ngày Tết có thể sẽ không thực hiện được… Trên mạng xã hội, nhiều người cập nhật trạng thái than thở cùng những dòng bình luận thấm đượm nỗi buồn…

Tết là thời điểm người dân đi lại, gặp gỡ, mua sắm nhiều. Trong khi đó, hàng ngày vẫn nhan nhản trên báo đài thông tin về những trường hợp nhập cảnh trái phép, trốn cách ly… và với mức phạt chưa thực sự đủ sức răn đe. Đây là những nguy cơ góp phần làm gia tăng dịch bệnh tại Việt Nam.

Dẫu biết rằng tổ chức lễ hội giúp tạo công ăn việc làm, thúc đẩy kinh tế địa phương, thu hút khách du lịch cũng như giữ gìn nét văn hóa của dân tộc. Tuy nhiên, khi "bóng ma" Covid-19 vẫn còn lởn vởn và tiếp tục hoành hành, biến hóa khó lường như hiện nay, nhất là Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng, thì mỗi người dân chúng ta cần nâng cao cảnh giác cao độ về phòng bệnh hơn bao giờ hết, cần nghiêm túc thực hiện khuyến cáo 5K của Bộ Y tế (Khẩu trang- Khử khuẩn-Khoảng cách-Không tập trung-Khai báo y tế".

Chúng ta cần ưu tiên cái gì là quan trọng hơn: một cái Tết đơn giản hơn, di chuyển ít hơn, ở nhà nhiều hơn, hay là tạo cơ hội lây lan cho Covid để rồi phải gánh chịu những thiệt hại không thể lường trước? Tạm gác một mùa vui để có một năm yên ổn, có nhiều cái Tết vui vẻ, đầm ấm nữa hay là tặc lưỡi "cứ vui đi vì đời cho phép" và để rồi rước họa vào thân và gây hại cho cả cộng đồng?  Liệu có phải đi lễ hội là để cầu may hay vô tình lại "rước" xui xẻo vào người?

Trước đợt bùng phát dịch lần này, Nam Định đã tiên phong tuyên bố việc dừng tổ chức Lễ hội Khai Ấn đền Trần và lễ hội Chợ Viềng, những lễ hội xuân lớn nhất cả nước. Một quyết định sáng suốt, đúng đắn, thể hiện ý thức và quyết tâm cao về phòng dịch. Trên các trang báo, thông tin này nhận được nhiều phản hồi tích cực, ủng hộ mạnh mẽ của độc giả với quan điểm: tất cả ưu tiên cho phòng chống dịch.

Mong rằng, các bộ ngành, địa phương khác trên cả nước cũng quán triệt tinh thần này để chung tay "chống dịch như chống giặc". Cần thiết, sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế để đảm bảo sức khỏe, an toàn tính mạng cho người dân khi trên thực tế vẫn còn nhiều nguy cơ rình rập, bủa vây. Còn đợi đến khi xuất hiện ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng rồi mới thông báo dừng tổ chức lễ hội thì e rằng đã muộn, vì chúng ta không thể chủ quan, lơ là với biến chủng mới, tốc độ lây lan nhanh chóng mặt và cực kỳ nguy hiểm như lần này.

Người ta vẫn thường nói vui như đi trẩy hội, nhưng có lẽ trong bối cảnh này thì chắc hẳn là nghe tin hủy lễ hội mà lòng…vui hơn cả đi hội!

Trước đó, trong khi cả thế giới phải gồng mình trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, Việt Nam được nhiều quốc gia trên thế giới đánh giá là hình mẫu trong phòng chống dịch. Thành công ấy không chỉ giúp Việt Nam bảo đảm sức khỏe cho người dân trong nước mà còn giúp quảng bá hữu hiệu hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế, là niềm tự hào lớn lao của dân tộc. Nên mỗi người dân chúng ta, hãy cùng nhau nâng cao cảnh giác, thực hiện nghiêm túc  để nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh, để niềm tự hào ấy được trọn vẹn!