Bồ tát giữa đời thường

(Dân trí) - Nếu như những vụ án quặn đau trong gia đình đã, đang được nhiều báo mô tả quá chi tiết khiến mỗi người đọc không khỏi lo lắng, bồn chồn, thì thật tiếc, những hành động rất tốt, rất đẹp, đậm tình người lại không được nhiều báo lên tiếng.

Bồ tát giữa đời thường - 1

Dù đang tiết trung thu, nhưng những vụ án từ những thảm kịch của một số gia đình khiến dư luận thật sự sốc. Dư luận phải tự hỏi, chuyện gì đang diễn ra và sẽ còn xảy ra điều gì khi ở Thái Nguyên, người anh chém gia đình em gái chỉ vì cô em chưa trả được nợ, khiến hai người tử vong; Hoặc ở Thái Bình, chỉ vì chiếc điếu cày, người em sẵn sàng  đâm chết anh mình, đúng hôm tổ chức 49 ngày cho bố đẻ của họ; Một đứa trẻ 10 tuổi ở Bắc Giang không kịp hiểu vì lý do gì, bị người bác ruột chém đứt lìa tay, mù mắt; Đau lòng hơn nữa, chỉ vì nghi ngờ vợ ngoại tình, người chồng sẵn sàng đổ xăng đốt vợ đang mang thai 7 tháng tuổi tử vong. Thậm chí, ở ngay Hà Nội, chỉ vì mấy tấc đất, người anh đã chém chết 4 người trong gia đình người em và 1 bị thương nặng...  Kinh hoàng hơn, những vụ án ghê rợn này đều mới diễn ra trong nửa tháng 9 này và diễn ra ở nhiều địa phương. Làm sao mà không sốc, không bàng hoàng và không lo lắng cho được? Chuyện gì đã, đang và sẽ diễn ra nữa đây?

Những hình ảnh, vụ việc đó càng ám ảnh mọi người hơn bởi được đăng tải quá đậm nét, khai thác nhiều tình tiết ghê rợn, dù rằng, ngoài đời, có không ít việc mang đậm chất nhân văn và có thể nói, họ là Bồ Tát giữa đời thường.

Trong nỗi đau tột cùng vì mất người con trai duy nhất, ông Nguyễn Văn Sang (60 tuổi, xã Kim Lương, H.Kim Thành, Hải Dương) vẫn quyết định đồng ý hiến tạng của người con 20 tuổi bị tai nạn giao thông, đã chết não để cứu 5 người không quen biết. Đau lắm chứ, nhưng cũng tình lắm chứ khi ông quyết định như vậy. Ông phải là người cha thật dũng cảm và trên hết, rất tình, rất người.

Bồ tát giữa đời thường - 2

Những đứa trẻ tại mái ấm Thiên Thần trong vòng tay yêu thương của ông Hiệp.

Hoặc, những ai đã từng đến các điểm lớp ở vùng núi cao mới thấu hiểu tình cảm giữa thầy và trò đặc biệt như thế nào. Là người từng theo dõi giáo dục một số năm, dù đi chưa nhiều, nhưng cũng từng là học sinh sơ tán ở vùng cao từ những năm chiến tranh chống Mỹ và từng đến một số điểm trường khó khăn, tôi thấu hiểu tình cảm cô trò khi các cô giáo tâm sự: Lũ trẻ coi lớp học là nhà, tôi là mẹ và dĩ nhiên tôi coi chúng như con ruột mình sinh ra. Đây là “nguồn sống” mỗi ngày của mình. Không biết là tôi nương tựa các con, hay các con tựa vào tôi, chỉ biết rằng nếu không có tụi nhỏ, tôi sẽ cô đơn lắm!” Vâng, đó là tâm sự của 2 cô giáo Chương Thị Phinh và Hoàng Thị Xâm ở điểm trường Thào Chư Phìn, nằm trên đỉnh Xà Phìn thuộc dãy núi Bát Đại Sơn, huyện Quản Bạ, Hà Giang (câu chuyện này đăng tải trong bài “Hai cô giáo "hy sinh" tuổi xuân để làm mẹ của 17 đứa trẻ H’Mông” trên Dân trí, ngày 6.9.2019). Hai cô Pinh và Xâm cũng như bao nhiêu cô giáo, thầy giáo cắm bản khác đã, đang và tiếp tục thầm lặng dành tuổi thanh xuân của mình mang con chữ đến cho các em ở vùng sâu, vùng xa. Thật đẹp và thật đáng trân trọng.

Cũng trên Dân trí cho biết, gần 10 năm qua, vợ chồng ông Bùi Công Hiệp ở phường Long Trường, quận 9 (TPHCM) đã nuôi dưỡng gần 100 trẻ em mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt. Với suy nghĩ lo cho tương lai những đứa trẻ, với sự đồng thuận của các con, vợ chồng ông vừa làm giấy trao tặng 2.500 mét vuông đất và căn nhà 3 tầng tổng trị giá hơn 100 tỷ đồng để làm mái ấm cho trẻ mồ côi. Và thông tin mới nhất trên Lao Động, vào đầu năm 2020, ông Hiệp sẽ tiến hành khởi công xây dựng một ngôi nhà mới 5 tầng trên khu đất 2500m2 mà ông vừa tặng cho các bé. Trong tương lai, ông Hiệp có thêm dự định là sẽ xây khu học tập cho các con trên khu đất rộng gần 4000m2 nằm trên địa bàn quận Bình Thạnh, có vị trí gần với trung tâm quận 1 và các trường điểm cũng như các bệnh viện nhi. "Dự tính tại đây, tôi sẽ xây dựng trung tâm cho các con học hành, mở trường lớp riêng cho các bé và cả khu vui chơi sinh hoạt nữa. Tương lai, nếu ở đây hoạt động trơn tru, thì tôi sẽ mở thêm một trung tâm chăm sóc trẻ sơ sinh bỏ rơi. Gia đình về cơ bản đã đồng tình và đồng thuận theo phương hướng hoạt động này." - ông Hiệp nói.

Nếu như những vụ án quặn đau đang được hầu hết các báo đăng tải và khai thác quá nhiều tình tiết dã man khiến mỗi người đọc không khỏi lo lắng, bồn chồn, thì thật tiếc, những hành động rất tốt, rất đẹp, đậm tình người nêu trên lại không được nhiều báo lên tiếng. Dù rằng, những lời nói, những hành động rất đỗi bình dị nhưng vô cùng cao quý đó khác chi các vị Bồ Tát giữa đời thường, phải không ạ?

Vương Hà