Sẽ sửa 28 luật khác ngay trong luật Quy hoạch?

(Dân trí) - Phiên thảo luận về dự luật Quy hoạch tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách chiều 5/4 “găng” với nhiều câu hỏi về tính khả thi. Theo báo cáo, có 32 luật liên quan luật này phải sửa và phương án đề xuất là sửa ngay 28 luật trong luật này, 4 luật khác phức tạp hơn thì… nghiên cứu tiếp.

Báo cáo mới nhất về những vấn đề lớn về luật Quy hoạch của Chủ nhiệm UB Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, do còn nhiều ý kiến khác nhau về dự án luật này, sau phiên họp cuối tháng trước của UB Thường vụ Quốc hội, cơ quan chủ trì thẩm tra đã tổ chức làm việc riêng với 8 Bộ còn có ý kiến khác với dự thảo luật, chủ trì đối thoại liên bộ giữa Cơ quan soạn thảo với các Bộ hữu quan; tổ chức các cuộc hội thảo tại 3 miền lấy ý kiến các đoàn Đại biểu Quốc hội và các chuyên gia, gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội về các nội dung.

UB Kinh tế cũng tham gia 2 phiên họp của Chính phủ (do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì) và phiên họp Thường trực Chính phủ về phương án giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật này.

Ngoài ra, Thường trực UB Kinh tế làm việc trực tiếp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về quy hoạch sử dụng biển quốc gia theo mô hình tích hợp không gian biển, làm việc với Bộ trưởng Bộ Xây dựng về một số vấn đề cần làm rõ về quy hoạch xây dựng trong dự thảo luật.

Theo đó, về vấn đề hệ thống quy hoạch trong luật, nội dung “quy hoạch không gian biển quốc gia”, cơ quan thẩm tra bảo lưu quan điểm ủng hộ quy định như trong dự thảo luật. UB Kinh tế cho rằng, không gian biển là không gian mở, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhất là an ninh quốc phòng chứ không chỉ khuôn trong khái niệm “quy hoạch sử dụng biển” như luật Biển hiện hành đang thể hiện.

Đối với vấn đề quy hoạch xây dựng, ông Thanh cho biết, dự thảo luật đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng, hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia vẫn được Bộ quản lý chuyên ngành lập và tích hợp vào nội dung của quy hoạch tổng thể quốc gia (tại điểm h khoản 2, Điều 22). Các quy hoạch xây dựng vùng liên tỉnh, quy hoạch khu chức năng đặc thù cấp quốc gia được lập và tích hợp vào nội dung quy hoạch vùng (tại điểm d và đ khoản 2 Điều 26); các quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, quy hoạch khu chức năng đặc thù cấp tỉnh bao gồm định hướng phát triển đô thị tỉnh lỵ và các thành phố, thị xã thuộc tỉnh; các thị trấn; định hướng phát triển hệ thống khu kinh tế, khu công nghệ cao và khu công nghiệp... được lập và tích hợp vào nội dung quy hoạch tỉnh (tại khoản 2 Điều 27).

Về các quy định chuyển tiếp và xử lý các quy định hiện hành về quy hoạch, UB Kinh tế nhắc lại việc có 32 luật cần sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan để phù hợp với luật này. Tuy nhiên, có 28 luật thuộc nhóm có thể sửa ngay tại luật này. Việc sửa đổi các quy định liên quan đến quy hoạch thuộc nhóm 3 liên quan đến 4 Luật, tương đối phức tạp hơn và cần nghiên cứu kỹ càng, thực hiện theo lộ trình.

Sửa vài chục luật, tích hợp hàng trăm quy hoạch hiện hành


Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đặng Huy Đông tại phiên thảo luận.

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đặng Huy Đông tại phiên thảo luận.

Tham gia ý kiến trong phần thảo luận, Uỷ viên trường trực UB Pháp luật Nguyễn Trường Giang nhận định, luật quy hoạch lần này sẽ tạo ra bước đột phá trong công tác lập, thẩm định, quy hoạch nói chung.

Nhưng một vấn đề khiến đại biểu chưa yên tâm là việc chuyển tiếp, tích hợp các quy hoạch ngành vào hệ thống quy hoạch của luật này là một việc rất phức tạp. Theo đó, dù luật sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2019 nhưng đến 2021, quy hoạch tích hợp mới thực hiện, vận hành.

Ông Giang khuyến cáo cần cân nhắc thận trọng với một số quy hoạch quan trọng, nhất là các quy hoạch xây dựng.

“Việc tích hợp một số nội dung của quy định về quy hoạch xây dựng được tích hợp vào hệ thống có nhiều điểm không hợp lý. Cần lưu ý quy hoạch xây dựng là quy hoạch vật chất cụ thể, có tính đặc thù cao, liên quan đến không gian sống của người dân mà nếu “sai” một bước, ta có thể thấy tác động gây ra rất lớn, như những vấn nạn đối với các đô thị lớn đã thể hiện thời gian qua” – Uỷ viên thường trực UB Pháp luật nói.

Vấn đề sửa luôn 28 luật liên quan ngay tại luật Quy hoạch này, đại biểu Nguyễn Trường Giang băn khoăn, nếu vậy, dự luật trước khi trình Quốc hội thông qua phải nêu được cụ thể là luật này sẽ bãi bỏ điều khoản cụ thể nào của các văn bản pháp luật hiện hành. Việc này liệu có thể hoàn thành khi kế hoạch trình Quốc hội thông qua là ngay kỳ họp tới (tháng 5, tháng 6 năm nay).

Đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) cũng dẫn một loạt con số như 15 quy hoạch vùng liên tỉnh (vùng kinh tế - xã hội, vùng kinh tế trọng điểm, vùng đô thị lớn và vùng đặc thù) đã được Thủ tướng phê duyệt, 100% các tỉnh, thành đã hoàn thành quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, 19/19 khu kinh tế ven biển cũng đã xong quy hoạch… Số lượng các quy hoạch đã hoàn thành để triển khai quy hoạch tích hợp, tổng thể quốc gia sẽ là một khối lượng công việc khổng lồ khó có thể hoàn thành mà nếu không cẩn thận, sẽ lại có nhiều trùng lắp.

Góp ý với tư cách một chuyên gia, PGS.TS Đặng Hùng Võ phân tích, hệ thống quy hoạch hiện tại của đất nước đang bị chia cắt vì tư duy quản lý đang chuyển từ cơ chế bao cấp sang thị trường, mỗi bộ ngành làm một quy hoạch riêng của mình mà nếu chồng các bản quy hoạch lên nhau, phần “chồng” nhau khá nhiều và phần “chống” nhau cũng tương đối.

Vậy nên, làm luật Quy hoạch lần này, theo ông Võ là một cơ hội để thay đổi, khắc phục vấn đề đó, để những bản vẽ ra cho tương lai hiệu quả cao hơn, giúp đất nước phát triển tốt hơn. Ý tưởng đưa ra, theo đó, là rất tốt, làm quy hoạch tích hợp để ra được bản quy hoạch tổng thể chung nhất, gạt bỏ những chồng lấn, mâu thuẫn nhau.

Tuy vậy, luật đang đứng trước thách thức, về tính khả thi, làm sao để khi tích hợp mà có một bản quy hoạch mà khi đặt chồng các quy hoạch ngành lên sẽ cho ra một sản phẩm chung khớp nối thống nhất như trên một bản đồ và bản đồ đó phải là phương án tốt nhất, hiệu quả nhất.

Chia sẻ tâm đắc với quan điểm này, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT (cơ quan chủ trì soạn thảo luật) nhấn mạnh, điểm nổi bật nhất trong luật là có bản quy hoạch tổng thể ở cấp quốc gia, vùng, tỉnh được thực hiện theo phương pháp tích hợp và chỉ có cách làm như vậy mới chống được chồng chéo. Trong việc lập quy hoạch chung, tích hợp, không có Bộ, ngành, cơ quan nào có quyền lực tuyệt đối mà tất cả phải cùng ngồi lại để thảo luận và lựa chọn phương án mang lại nhiều lợi ích nhất để thực hiện.

Chốt lại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển ghi nhận hướng chỉnh lý trong bản dự thảo mới nhất là giữa nguyên 4 loại quy hoạch xây dựng hiện hành vào hệ thống quy hoạch. Còn về tính khả thi của dự luật, ông Hiển cho biết, UB Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục cho ý kiến về việc này trong phiên họp thứ 4 tới đây. Thường vụ cũng sẽ là cơ quan quyết định có trình dự luật này ra Quốc hội xem xét, thông qua trong kỳ họp giữa năm nay không, trên cơ sở đánh giá dự luật có đảm bảo chất lượng như yêu cầu hay không.

P.Thảo