Hà Nam:

“Mười bông hoa thép trên vùng đất Lam Hạ Anh hùng”

(Dân trí) - Nhân kỷ niệm 50 năm ngày hy sinh của Mười cô gái Lam Hạ, tối ngày 2/10, tại Nhà Văn hóa tỉnh Hà Nam, Báo Nhân Dân, Đài truyền hình Việt Nam phối hợp với tỉnh Hà Nam tổ chức Chương trình nghệ thuật “Mười bông hoa thép trên vùng đất Lam Hạ Anh hùng”.

Tới dự lễ kỷ niệm có ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí Thư; ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch nước; cùng đại diện các Bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương; các cựu dân quân từng tham gia chiến đấu trên trận pháo Lam Hạ và hàng nghìn người dân tỉnh Hà Nam...

Ngay từ đầu giờ tối hàng nghìn người dân đã đổ về Nhà Văn hóa tỉnh Hà Nam theo dõi chương trình nghệ thuật: “Mười bông hoa thép trên vùng đất Lam Hạ Anh hùng”
Ngay từ đầu giờ tối hàng nghìn người dân đã đổ về Nhà Văn hóa tỉnh Hà Nam theo dõi chương trình nghệ thuật: “Mười bông hoa thép trên vùng đất Lam Hạ Anh hùng”

Vào những năm đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, Lam Hạ trở thành trọng điểm giao thông huyết mạch từ Bắc vào Nam. Chính vì là cứ điểm quan trọng, nên Lam Hạ luôn hứng chịu những trận mưa bom của quân địch. Từ tháng 10/1966 đến hết năm 1967, Lam Hạ là nơi diễn ra những trận đánh ác liệt để bảo vệ trọng điểm giao thông Phủ Lý và các vùng phụ cận của quân ta với máy bay của đế quốc Mỹ.

Ở Lam Hạ, khi đó, ngoài bộ đội chủ lực còn có cả dân quân địa phương cùng tập trung đánh địch. Lực lượng nữ dân quân xã Lam Hạ được thành lập với nhiệm vụ chiến đấu bên những trận địa pháo 37 ly bắn máy bay Mỹ. Trong những tháng ngày chiến đấu ác liệt ấy, mười nữ dân quân Lam Hạ có tuổi đời từ 16 đến ngoài đôi mươi, chiến đấu và hy sinh anh dũng.

Ở Lam Hạ bây giờ, 10 nữ dân quân anh hùng đã trở thành biểu tượng thiêng liêng trong lòng người dân. Chiến tranh đã qua đi, đau khổ cũng đã vơi bớt phần nào, còn lại đó niềm tự hào về một thời bom đạn. Trận địa pháo Lam Hạ năm xưa là tuyến phòng thủ vô cùng quan trọng, giữ cho giao thông thông suốt bởi cây cầu Sắt bắc ngang sông Châu và một ga tàu lửa ở giữa thị xã Phủ Lý.

Phát biểu khai mạc, ông Thuận Hữu, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nhấn mạnh: Nhắc đến địa danh Lam Hạ là nhắc tới những ký ức không thể nào quên về một thời đạn bom khốc liệt, trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta.

Ông Thuận Hữu, Tổng Biên Tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại lễ kỷ niệm
Ông Thuận Hữu, Tổng Biên Tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại lễ kỷ niệm

Xã Lam Hạ xưa (nay là phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý) là một trọng điểm giao thông quan trọng, trên tuyến đường huyết mạch từ hậu phương miền Bắc, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến miền Nam, đã trở thành mục tiêu đánh phá ác liệt của kẻ địch. Để bảo vệ Thị xã Phủ Lý và những vùng lân cận.

Ngày 5/8/1965 Đại đội dân quân phòng không xã Lam Hạ được thành lập, gồm 87 người, là những thiếu nữ dân quân đã không sợ gian khó, không sợ hy sinh, chiến đấu kiên cường, góp phần bẻ gãy ý đồ của đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc.

Trong những ngày đầu cuộc chiến, các nữ dân quân tuổi đời từ 16 đến 24 của 2 thôn Đình Tràng và Đường Ấm đã anh dũng chiến đấu và hy sinh ngay trên mâm pháo. Chiến thắng và sự hy sinh của mười cô gái dân quân pháo phòng không Lam Hạ là chiến thắng của tinh thần dũng cảm, ý chí kiên cường sẵn sàng hy sinh, vì nước quên thân, không tiếc tuổi xuân vì quê hương, đất nước.

Cũng tại chương trình nghệ thuật: “Mười bông hoa thép trên vùng đất Lam Hạ Anh hùng”, ông Đinh Thế Huynh, Thường trực Ban Bí Thư đã trao sổ tiết kiệm cho thân nhân 10 nữ liệt sỹ dân quân phòng không xã Lam Hạ.

Mười nữ dân quân Lam Hạ anh hùng (ảnh tư liệu)
Mười nữ dân quân Lam Hạ anh hùng (ảnh tư liệu)

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã trao tiền ủng hộ xây dựng tượng đài vinh danh 10 nữ dân quân Lam Hạ thuộc quần thể Khu Đền thờ liệt sỹ và di tích lịch sử, văn hóa tỉnh Hà Nam.

Bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch đã đại diện trao Bằng công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia Trận địa pháo phòng không Lam Hạ (1965-1972).


Ông Đinh Thế Huynh - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư - trao sổ tiết kiệm cho thân nhân 10 nữ liệt sỹ dân quân phòng không xã Lam Hạ

Ông Đinh Thế Huynh - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư - trao sổ tiết kiệm cho thân nhân 10 nữ liệt sỹ dân quân phòng không xã Lam Hạ

Về phía tỉnh Hà Nam, ông Nguyễn Đình Khang, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Nam nhấn mạnh: “Vào dịp 50 năm Ngày hy sinh của 10 nữ dân quân Lam Hạ, di tích Trận địa pháo phòng không Lam Hạ được trao Bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia, đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt và đánh giá cao của Đảng, Nhà nước, của các cơ quan Trung ương đối với những cống hiến, hy sinh của quân dân tỉnh Hà Nam nói chung, Trận địa pháo phòng không Lam Hạ nói riêng.

Để bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích một cách có hiệu quả, năm 2009 tỉnh Hà Nam đã Quy hoạch và đầu tư xây dựng khu di tích văn hóa tâm linh: Đền thờ các anh hùng liệt sỹ toàn tỉnh và đền thờ mười liệt sỹ, đến nay đã xong giai đoạn I, hiện đang triển khai xây dựng giai đoạn II, để nơi đây trở thành một “địa chỉ đỏ” giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch đã trao Bằng công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia Trận địa pháo phòng không Lam Hạ (1965-1972).
Bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch đã trao Bằng công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia Trận địa pháo phòng không Lam Hạ (1965-1972).

Lam Hạ hôm nay đã trở thành một trong những địa danh lịch sử của cuộc kháng chiến chống ngoại xâm vô cùng anh dũng của nhân dân ta. Những tấm gương nghĩa liệt, chói sáng trong cuộc kháng chiến vĩ đại đó sẽ mãi mãi là niềm tin, là ý chí kiên cường, là niềm tự hào của nhân dân Hà Nam và cả nước.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Mười bông hoa thép trên vùng đất Lam Hạ anh hùng” gồm ba phần: Yên bình một vùng quê; ngoan cường, dũng cảm trong chiến đấu, hy sinh anh dũng cho quê hương và trên quê hương Lam Hạ hôm nay, với sự tham gia biểu diễn của các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam; Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam; Nhà hát chèo Hà Nam. Chương trình nghệ thuật đặc biệt được dàn dựng công phu, hoành tráng với các tác phẩm múa, hát ca ngợi quê hương, đất nước và con người Hà Nam.

Đức Văn