Cảnh sát biển các nước vùng vịnh Thái Lan học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm

(Dân trí) - Trong 3 ngày từ 14-16/1, Hội nghị Tư lệnh lực lượng thực thi pháp luật các quốc gia vùng vịnh Thái Lan lần thứ 3 với chủ đề: “Tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin, đảm bảo an ninh, an toàn trên biển” đã được tổ chức tại Đà Nẵng.

Tham dự hội có 24 đại biểu thuộc lực lượng Cảnh sát biển, thực thi pháp luật trên biển của 4 quốc gia vùng vịnh Thái Lan gồm Malaysia, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam.

Hội nghị lần này nhằm đánh giá kết quả hợp tác, tình hình an ninh trật tự vùng biển vịnh Thái Lan, chia sẻ kinh nghiệm nâng cao hiệu quả trong việc thực thi pháp luật trên biển, đồng thời tạo sự tin cậy, hiểu biết và đồng thuận giữa các cơ quan thực thi pháp luật trên biển của các quốc gia vùng vịnh Thái Lan trong xử lý thách thức hiện hữu đối với vấn đề an ninh trên biển của các quốc gia trong vụng vịnh; từ đó xác định mục tiêu và lĩnh vực hợp tác chung giữa các quốc gia để đảm bảo an ninh, an toàn trên các vùng biển trong khu vực.

Đại biểu 4 quốc gia vùng vịnh tại hội nghị
Đại biểu 4 quốc gia vùng vịnh tại hội nghị

Hội nghị lần này cũng nêu ra các tình huống trên biển như nhập cư trái phép, đánh bắt cá trái phép và tìm kiếm cứu nạn để các nhóm thảo luận, xử lý và tìm ra các giải pháp cụ thể để giải quyết các tình huống này.

Phát biểu tại hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm - Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam - cho rằng hội nghị lần này sẽ là cơ hội tốt để các cơ quan có trách nhiệm đảm bảo an ninh trên biển của các quốc gia trong khu vực vùng vịnh Thái Lan trao đổi, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường hợp tác, phát triển mối quan hệ song phương và tiểu khu vực trong việc bảo đảm an toàn, an ninh biển, nơi luật pháp mỗi quốc gia, luật pháp quốc tế và thông lệ quốc tế được tôn trọng.

“Tôi tin tưởng tằng, sau hội nghị này các quốc gia trong khu vực vịnh Thái Lan sẽ thúc đẩy những lĩnh song phương và đa phương. Hoạt động của các lực lượng thực thi pháp luật của các quốc gia vùng vịnh thể hiện vai trò chấp pháp, lực lượng nòng cốt, chủ trì trong giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên vùng vịnh Thái Lan. Tôi tin rằng các đoàn có nhiều sáng kiến về hợp tác như việc chia sẻ thông tin, thiết lập đường dây liên lạc nóng để giải quyết các vấn đề phát sinh trên biển trong phạm vi thẩm quyền của mỗi lực lượng; đào tạo nguồn nhân lực, tìm kiếm cứu nạn”, Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam phát biểu.

Tàu Vùng Cảnh sát biển 3 (đóng tại cảng Kỳ Hà, Quảng Nam) cứu hộ tàu cá ngư dân bị nạn
Tàu Vùng Cảnh sát biển 3 (đóng tại cảng Kỳ Hà, Quảng Nam) cứu hộ tàu cá ngư dân bị nạn

Tại hội nghị, bà Rena Bitter - Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TPHCM - cho rằng, trọng tâm chính trị thế giới đang chuyển sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương và khu vực Đông Nam Á với người dân năng động, có lịch sử phong phú và nằm ở vị trí chiến lược dọc theo các tuyến hàng hải - một điểm quan trọng trong tương lai của khu vực và thế giới.

Bà Rena Bitter cho rằng quyết định của Tổng thống Obama trong việc tái cân bằng nỗ lực của chúng tôi sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương thể hiện không chỉ tầm quan trọng ngày càng gia tăng của khu vực mà còn là sự tái khẳng định rằng Hoa Kỳ là cường quốc ở Thái Bình Dương có lợi ích gắn liền với nền kinh tế, an ninh và trật tự chính trị của Châu Á.

“Chúng tôi cam kết vào sự tái cân bằng này. Ngoại trưởng Kerry gần đây đã kết thúc chuyến thăm thứ 4 của mình đển châu Á trong vòng 9 tháng qua. Trong năm đầu tiên trên cương vị Ngoại trưởng, ông đã gặp gỡ tất cả 10 nguyên thủ quốc gia cũng như các bộ trưởng ngoại giao của ASEAN; các lãnh đạo cấp cao của Úc, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều đảo quốc Thái Bình Dương; đồng chủ trì các hội nghị bộ trưởng với Bộ trưởng Quốc phòng Hagel, Bộ trưởng Tài chính Lew và Bộ trưởng Thương mại Pritzker; tham gia cùng Đại diện Thương mại Froman tiếp các nhà lãnh đạo của Hiệp định Đối tác Thái Bình Dương; và tham gia vào các hội nghị đa phương trong khu vực”, bà Rena Bitter phát biểu.

Bà Rena Bitter cũng khẳng định: Cam kết tái cân bằng của chúng tôi là thật và chúng tôi biết an ninh hàng hải trong khu vực xoay quanh sự hợp tác giữa các quốc gia có mặt tại đây hôm nay. Sự phát triển nhanh của các nền kinh tế Đông Nam Á nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải, đường thủy thương mại, thực thi pháp luật có trách nhiệm và hợp tác đa phương. Sinh kế của hàng triệu người trên khắp khu vực phụ thuộc vào đại dương. Khi ngành hàng hải phát triển – bởi tàu chở container, tàu chở khách và tàu đánh bắt cá – thì triển vọng về kết nối lớn hơn và thịnh vượng hơn trong khu vực của sẽ gia tăng. Tuy nhiên, điều đó cũng đặt ra rủi ro về tai nạn và hoạt động tội phạm.

Vì vậy, nhiệm vụ của chúng ta rất rõ ràng: Chúng ta cần hợp tác an ninh hàng hải và ngăn chặn tôi phạm khai thác các bến cảng và lãnh hải của bất kỳ quốc gia nào để thực hiện các hoạt động trái phép. Chúng ta cần có một cách tiếp cận toàn diện đối với an ninh biển, đó là thừa nhận những thách thức đơn nhất về lãnh hải và toàn bộ các mối đe dọa an ninh mà chúng ta đương đầu. Hợp tác giữa các quốc gia Đông Nam Á – giống như diễn đàn hôm nay – là giải pháp để duy trì và thúc đẩy một môi trường an ninh và ổn định hơn, giúp duy trì hòa bình và thịnh vượng lâu dài cho tất cả.

“Hoa Kỳ cam kết hỗ trợ quý vị trong các nỗ lực bảo đảm an toàn cho vùng biển Đông Nam Á nhằm phục vụ cho một tương lai ổn định và thịnh vượng của tất cả. Việc thực thi luật biển ở khu vực của quý vị sẽ trực tiếp góp phần vào sự ổn định của khu vực này và vào đời sống hòa bình và thịnh vượng – không chỉ cho người dân của quý vị mà còn cho người dân Hoa Kỳ. Tôi muốn cám ơn quý vị với tư cách cá nhân vì điều đó”, bà Rena Bitter khẳng định.

Công Bính