10 “mặc định” văn hóa Tây - Ta

(Dân trí) - Hôm nay tôi sẽ nhìn vào 10 cái “default” - mặc định- của văn hóa Việt Nam và “Tây” (cứ gói hết lại cho gọn nhé) xem có phát hiện điều gì thú vị về sự khác biệt văn hóa hay không.

 

10 “mặc định” văn hóa Tây - Ta - 1


 

Có nhiều từ tiếng Anh vào tiếng Việt qua đường truyền là ngôn ngữ máy vi tính.

 

Ví dụ, từ “default”. Như các bạn đã biết, default có nghĩa là trạng thái ban đầu của các tùy chọn trong một chương trình phần mềm, là trạng thái mặc định. Nếu không chủ động thay đổi (mà xã hội người chủ động luôn ít hơn người bị động) tùy chọn sẽ mãi mặc định như thế. Trước đây font default cũ của Microsoft Word là Times New Roman nên đa số người cứ gõ bằng Times New Roman thôi.

 

Điều thú vị là văn hóa cũng có “default”. Ví dụ, một gia đình Tây ăn ở nhà hàng bên Mỹ, “default” là ăn xong phải để lại ít tiền trên bàn. Tất nhiên có người chủ động không để lại, nhưng đó là trường hợp ngoại lệ, sẽ gây thắc mắc. Ở Việt Nam, “default” là không để lại tiền, để lại 50.000 trên bàn mới là việc gây thắc mắc. Ví dụ khác, ăn cơm gia đình ở Việt Nam default là gắp bỏ cho người lớn tuổi, trong khi ăn cơm gia đình ở Tây default là người lớn tuổi gắp bỏ cho chính mình.

 

Nói như vậy để các bạn hiểu ý tôi. Hôm nay tôi sẽ nhìn vào 10 cái default của văn hóa Việt Nam và “Tây” (cứ gói hết lại cho gọn nhé) xem có phát hiện điều gì thú vị về sự khác biệt văn hóa hay không.

 

Trường hợp: Mới mua TV, tủ lạnh, máy giặt.

Default Tây: Bỏ ngay mác thương hiệu, nhãn quảng cáo.

Default Việt: Để lại hết (kể cả nhãn quảng cáo chiếm một phần màn hình tivi) cho đến khi chúng nó bị ánh sáng mặt trời làm mờ hẳn, không đọc được gì nữa.

 

Ngoài quảng cáo ra những mác bỏ đi ấy không có chức năng gì, bỏ nhãn quảng cáo LCD siêu mỏng thì LCD vẫn siêu mỏng như trước. Chắc với nhiều người Việt các mác ấy vẫn còn giá trị nào đó. Chứng tỏ rằng đó là đồ mới mua? Bán lại với giá cao?  (Mà người ta mua lại chỉ vì “mác bỏ đi” ấy chưa..bỏ đi cũng hơi khó hiểu!). Không dừng lại ở đó, nhiều người để cả plastic dán ghế ô-tô để ghế…trong khi người Tây thường bóc ngay.

 

Trường hợp: Khách ngồi quán cà phê gọi “một ly trà”

Default Tây: Đó là trà nóng.

Default Việt: Có thể là trà nóng, có thể là trà đá (50/50).

 

Ở các quán cà phê bên Anh, Canada, Mỹ, muốn uống trà đá thì phải chủ động gọi “trà đá”, không thì người phục vụ sẽ hiểu là trà nóng, kể cả giữa mùa hè vẫn hiểu là trà nóng. Còn ở Việt Nam, khách gọi “trà” các em phục vụ sẽ hỏi lại “Anh uống nóng hay lạnh?”.

 

Trường hợp: Một em trẻ đẹp có người yêu rồi được một anh trẻ đẹp hỏi “Em có người yêu chưa?”

Default Tây: Em có rồi.

Default Việt: Em chưa có.

 

Default này từng làm tôi rất đau đầu. Kể cả trên mạng nhiều em để facebook status “single” cho đến khi ngay sau đám cưới mới chuyển sang “married”. Từ 0km/h đến 100km/h trong nửa giây. May rằng bây giờ tôi biết “chưa có” nào là chưa có thật, “chưa có” nào là “đã có nhưng chưa muốn nói”. Phụ thuộc vào cách diễn đạt hơn nội dung kịch bản.

 

Trường hợp: Một cô trẻ đẹp đang “date” với đối tượng hấp dẫn, người thân gọi điện thoại.

Default Tây: Gọi lại sau.

Default Việt: Nghe máy.

 

Điều này cho thấy rằng người Việt trẻ khá hiếu thảo. Về sự hiếu thảo  này, chắc người Tây trẻ có thể học hỏi người Việt trẻ nhiều thứ.

 

Trường hợp: Một anh taxi/xe ôm thấy một người nước ngoài đang đi bộ ngoài đường.

Default Tây: Người đó đang đi bộ vì thích đi bộ.

Default Việt: Người đó đang đi bộ vì phải đi bộ (chưa tìm được xe ôm hay taxi)

 

Mỗi khi đi bộ hơn nửa tiếng ở Hà Nội là tôi phải lần lượt từ chối ít nhất 5 anh xe-ôm và 2 anh taxi. “You! You! Mô-tô-bai, you!”, nói rất tự tin như thể các anh ấy nghĩ tôi chỉ cần nhận ra họ là sẽ nhảy luôn lên yên xe. (Vấn đề không phải là không muốn đi mà là chưa nhận ra xe-ôm.) Tôi lắc đầu đi lắc đầu lại, đau hết cả đầu, đau hết cả cổ. Để tránh trường hợp này tôi định mặc áo thun in với chữ “Thích đi bộ”

 

Trường hợp: Xảy ra vụ va chạm giữa hai xe máy do người đàn ông đều đeo kính đen lái.

Defalt Tây: Xin lỗi!

Default Việt: Chửi!

 

Điều này một phần liên quan đến hệ thống bảo hiểm. Tôi thấy nhiều anh, chú, bác chửi không phải vì tức giận hay hiếu chiến – họ chỉ không muốn bị mất tiền. Họ sợ người ta bắt đền. (Phải chửi mạnh ngay từ đầu mới có “vị trí” từ cao có thể mặc cả xuống.) Khi nào có hệ thống bảo hiểm giao thông hiệu quả mới hết tình trạng này.

 

Trường hợp: Quay về văn phòng sau một tuần nghỉ phép, du lịch.

Default Tây: Mở email ngay.

Default Việt: Mời mọi người ăn đặc sản.

 

Ở đây default Việt hay hơn default Tây. Inbox lúc nào chẳng có mail, nhưng 10 phút ăn kẹo mang về từ nơi xa xôi và trò chuyện cùng nhau là kỷ niệm thực sự. Khi gần chết sẽ nhớ những lần đó.

 

Trường hợp: Gặp lại chị bạn cũ, thấy chị ấy đã tăng cân.

Default Tây: Chị mặc váy rất đẹp.

Default Việt: Chị béo lên!

 

Tôi bắt đầu thích cách của Việt Nam hơn. Tôi thấy người Việt nói “béo lên” thường không có ý gì xấu, chỉ là cách thể hiện sự quan tâm. Dù béo lên hay gầy đi, chị vẫn là chị của em, em vẫn là em của chị, xã giao làm gì.

 

Trường hợp: Nhận hóa đơn sau một lần đi nhậu.

Default Tây: Tin “total”, gửi tiền.

Default Việt: Nghi ngờ “total”, kiểm tra kỹ từng món một.

 

Sự thật là người Việt Nam hay nghi ngờ (sợ bị lừa, đã từng bị lừa). Mặt khác là người Việt khá tỉnh táo. Thích nói gì thì nói, nhưng một phần vì sao Việt Nam không rơi vào khủng hoảng Châu Á 1997 là vì sự “nghi ngờ” đó.

 

Trường hợp: Bị người yêu đá.

Default Tây: Đau!

Default Việt: Đau!

 

Hóa ra chúng mình không khác nhau nhiều đâu.

 

Joe