Văn hóa cá chép trong lễ hội Nhật Bản

Mai Nâu

(Dân trí) - Từ truyền thuyết "cá chép vượt vũ môn", người dân thời Edo đã coi cá chép là vật may mắn cho trẻ nhỏ.

Văn hóa cá chép trong lễ hội Nhật Bản - 1

Koinobori – Cờ cá chép được treo trong dịp Tết thiếu nhi ở Nhật Bản

Mỗi năm một lần, vào quãng cuối tháng 4, đầu tháng 5, hình ảnh những chiếc cờ cá chép nhiều màu sắc tung bay đón gió lại trở thành quang cảnh phổ biến trên khắp nước Nhật. Những chiếc cờ cá chép (Koinobori) là biểu tượng của sức khỏe và được coi như vật mang điềm lành cho trẻ nhỏ.

Trong tiếng Nhật, Koi nghĩa là cá chép, Nobori nghĩa là lá cờ, biểu ngữ. Treo cờ cá chép là truyền thống lâu đời của Nhật Bản để mừng ngày Tết thiếu nhi 5/5 (Kodomo no Hi), vốn trước đây là Tết đoan ngọ (Tango-no-sekku).

Văn hóa Koinobori và Tết thiếu nhi

Trong văn hóa Nhật Bản, cá chép tượng trưng cho lòng dũng cảm và sức mạnh bởi khả năng bơi ngược dòng thác (“cá chép vượt vũ môn”). Bởi lòng dũng cảm và sức mạnh là đức tính mà các bậc cha mẹ mong muốn ở người con trai nên gia đình Nhật Bản treo koinobori ở nhà với hy vọng con trai mình sẽ lớn lên khỏe mạnh và vững chãi như cá chép.

Thời Edo, koinobori có màu đen, như màu của cá chép ngoài tự nhiên. Điều này có thể thấy trong tranh ukiyo-e của Utagawa Hiroshige. Tới thời Meiji (Minh Trị), cùng với sự xâm nhập của văn hóa phương Tây, koinobori màu đỏ và những màu khác xuất hiện. Mặc dù đó là sự thay đổi kéo dài nhiều năm qua thời Meiji, Taisho và Showa nhưng văn hóa koinobori nhiều màu sắc với các mẫu hoa văn đã dần thành hình trên khắp Nhật Bản.

Văn hóa cá chép trong lễ hội Nhật Bản - 2

Những chiếc cờ cá chép Koinobori nhiều màu sắc.

Một bộ koinobori điển hình của thời Showa bao gồm: (tính từ đỉnh cột xuống) một cặp bánh xe hình mũi tên (yaguruma), cờ gió (fukinagashi), cờ koinobori đen (tượng trưng cho người cha trong gia đình) và cờ koinobori đỏ (tượng trưng cho người mẹ trong gia đình). Nếu gia đình có thêm con thì sẽ có thêm cờ màu xanh lam, xanh lục, tím, cam. Cờ được treo theo thứ tự từ lớn đến nhỏ.

Thay đổi của thời đại

Trong 3 thập kỷ gần đây dưới thời Heisei, tập tục trên đã thay đổi đáng kể.

Đầu tiên là thay đổi về kích thước. Giờ đây hiếm hoi mới thấy một bộ koinobori lớn, đặc biệt là ở khu vực thành thị. Nguyên do là bởi phần lớn các gia đình không có không gian rộng lớn để treo một bộ koinobori lớn. Thậm chí nhiều khu nhà ở, chung cư còn cấm treo koinobori ở ban công. Vì thế người Nhật hiện nay chuộng dùng các bộ koinobori nhỏ hoặc koinobori treo trong nhà hơn.

Văn hóa cá chép trong lễ hội Nhật Bản - 3

Cờ cá chéo Koinobori phiên bản nhỏ được sử dụng phổ biến ở thành thị.

Thứ hai là thay đổi về cách treo koinobori. Theo truyền thống, koinobori được treo theo chiều dọc với một cây cột cao. Tuy nhiên, kiểu treo koinobori ngang ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt là trong các sự kiện lớn như lễ hội.

Như vậy, văn hóa koinobori độc đáo của Nhật Bản vẫn đang tiếp tục biến chuyển, thay đổi theo nhiều phương diện.