Hanetsuki - môn cầu lông cầu may, trừ tà dành cho bé gái

Hoàng Anh

(Dân trí) - Không chỉ là trò chơi giải trí dịp năm mới, hanetsuki còn nhằm cầu nguyện cho may mắn, sức khỏe và sự trưởng thành của các bé gái.

Một trong những trò chơi truyền thống dịp năm mới của người dân xứ Phù Tang bao gồm hanetsuki - có hình thức chơi tương tự như môn cầu lông. Trong lịch sử, hanetsuki từng là nghi thức trong lễ trừ tà, sau đó trở thành trò chơi cho các bé gái vào thời Muromachi (1333-1568).

Ngày nay, hanetsuki đã trở thành trò chơi truyền thống dịp năm mới cho các bé gái, nhưng các bé trai và người lớn cũng có thể tham gia dịp vui này. Trò chơi có thể được chơi bởi hai người hoặc cũng có thể là một người chơi.

Hanetsuki - môn cầu lông cầu may, trừ tà dành cho bé gái - 1

Hanetsuki là trò chơi truyền thống dịp năm mới tại Nhật Bản. Ảnh: Livejapan

Hanetsuki tương tự môn cầu lông nhưng không sử dụng lưới. Người chơi dùng chiếc vợt gỗ hình chữ nhật có tên gọi hagoita để đánh những quả cầu màu sắc sặc sỡ có tên hane, làm từ quả bồ hòn được gắn những sợi lông.

Khi chơi đánh đôi, hai người chơi sẽ đánh qua lại quả cầu trong không trung mà không làm quả cầu rơi xuống đất. Trong trường hợp một người chơi, người đó cần khéo léo cầm vợt hagoita tâng quả cầu thật nhiều lần mà không để bị rơi xuống đất.

Theo quan niệm truyền thống, thời gian giữ quả cầu chuyền qua lại trên không trung càng lâu, các bé gái càng nhận được nhiều may mắn và bảo hộ trong năm mới. Khi người chơi làm rơi quả cầu, họ sẽ bị quẹt mực đen lên mặt.

Hanetsuki - môn cầu lông cầu may, trừ tà dành cho bé gái - 2

Trò chơi Hanetsuki còn nhằm cầu may mắn, sức khỏe trong năm mới cho các bé gái. Ảnh: Livejapan

Không chỉ là trò chơi để thư giãn dịp đầu năm, hanetsuki còn là cách để rũ bỏ những vận xui rủi của năm cũ, cầu mong năm mới những đứa trẻ lớn lên mạnh khỏe, tránh được bệnh tật. Việc vẽ mực đen lên mặt người thua cuộc cũng là một hình thức trừ tà.

Ý nghĩa cầu may mắn, sức khỏe cho các bé gái nằm ở chỗ, quả bồ hòn dùng làm trái cầu hane đọc phiên âm là mukuroji, nghĩa là đứa trẻ không bị đau ốm. Cây vợt hagoita dùng để đánh quả cầu được coi như mái chèo dùng để đánh đuổi, xua đuổi ma quỷ. Các gia đình Nhật Bản thường mua vợt hagoita vào dịp cuối năm như một món đồ cầu may, để trưng bày trong nhà hoặc tặng cho các gia đình có bé gái mới sinh.

Ngoài ra, quan niệm xưa của người Nhật cho rằng muỗi là loài động vật gây ra nhiều loại bệnh vật. Hình dáng khi bay trong không trung của quả cầu hane giống con chuồn chuồn, mà loài động vật này ăn muỗi, nên chơi hanetsuki vào dịp năm mới nhằm cầu nguyện cho trẻ không bị muỗi đốt, tránh khỏi bệnh tật trong năm.

Trong những năm gần đây, môn hanetsuki không còn phổ biến như trước, nhưng người Nhật vẫn giữ thói quen mua vợt hagoita để cầu may mắn, trừ tà trong dịp năm mới. Vào giữa tháng 12 hàng năm, đền Sensoji tại Asakusa, Tokyo lại tổ chức chợ Hagoita-ichi chỉ bán duy nhất một mặt hàng là vợt hagoita.

Những chiếc vợt gỗ được trang trí cầu kỳ, với nhiều loại hình thiết kế và kích cỡ khác nhau. Những chiếc vợt thường được trang trí với hình các nghệ nhân diễn kịch kabuki hay các phụ nữ thời Edo. Vợt hagoita hiện đại còn được trang trí với hình những người nổi tiếng, vận động viên thể thao, vận động viên sumo…