1. Dòng sự kiện:
  2. Chuyển động bất động sản 2024

Chung cư phát phiếu đi siêu thị, chợ nội bộ bán đồ treo cửa "cháy hàng"

Nguyễn Khánh

(Dân trí) - Nhiều cư dân sinh sống ở chung cư ở Hà Nội được nhận phiếu đi mua hàng và các dịch vụ thiết yếu trong thời điểm cả thành phố thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16.

Anh Tuyến - cư dân một chung cư tại phường Mộ Lao, Hà Đông, Hà Nội - cho biết gia đình anh vừa nhận được thẻ đi mua lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm do UBND phường cấp thông qua ban quản lý tòa nhà. Tại tòa nhà của anh, mỗi tầng được phát 4 phiếu, mỗi hộ luân phiên nhau nhận phiếu hoặc nếu không có nhu cầu thì có thể nhường lại cho người khác.

Trên tấm thẻ Anh Tuyến nhận được từ UBND phường không giới hạn thời gian trong ngày được phép đi. Thẻ có giá trị cho một người và một lần đi mua hàng vào ngày ghi trên thẻ. Chủ cơ sở kinh doanh, ban quản lý chợ, siêu thị... sẽ thu lại thẻ sau khi bán đồ.

Chung cư phát phiếu đi siêu thị, chợ nội bộ bán đồ treo cửa cháy hàng - 1

Thẻ đi mua hàng thiết yếu của một cư dân tại chung cư ở Mộ Lao, Hà Đông.

Trong khi đó, một số nơi khác, cư dân lại được phát phiếu theo ngày chẵn - lẻ, mua sắm theo khung giờ tại các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi... để hạn chế số lượng, tần suất đi lại của người dân.

Chị L. Anh - cư dân một chung cư tại phường Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân, Hà Nội - cho biết ban quản lý chung cư nơi chị sống lại phát phiếu đi chợ theo 4 khung giờ, chia theo ngày chẵn, lẻ. Mỗi tầng có 8 căn hộ và được phát các khung giờ, ngày khác nhau. Nếu thấy bất tiện, cư dân có thể đổi phiếu cho hàng xóm trên mạng xã hội nội bộ của tòa nhà. 

Tại một số khu chung cư, cư dân cho biết họ bắt đầu tập dần quen dần với nếp sống mới là đi chợ theo ngày, giờ quy định và số lượng mua tăng lên gấp nhiều lần trước kia để hạn chế việc đi lại ngoài đường.

Chung cư phát phiếu đi siêu thị, chợ nội bộ bán đồ treo cửa cháy hàng - 2

Các địa phương đang áp dụng nhiều mẫu phiếu khác nhau.

Trong khi đó, một bộ phận các cư dân khác lại chọn hình thức mua sắm online ngay trên các nhóm chợ nội bộ khu chung cư mình. Nhóm chợ nội bộ này được hình thành từ chính những dân buôn sống ngay tại chính chung cư.

Sản phẩm hàng hóa có thể là được kinh doanh chuyên nghiệp hoặc "nghiệp dư" kiểu đồ ở nhà, ở quê gửi lên. Hình thức bán hàng trong mùa dịch là treo cửa và chuyển khoản để hạn chế các tiếp xúc gần.

Trong thời gian phải ngưng hoạt động, nhiều chủ nhà hàng, quán xá cũng tranh thủ tìm đến các nền tảng thương mại điện tử để bán hàng.

Chị Hằng - chủ một quán phở gà tại Hà Đông, Hà Nội - cho biết, từ khi TP áp dụng chỉ thị 16, chị đã tìm cách đăng bán trên mạng. Trong đó "đắt khách" nhất vẫn là những lần rao bán trên nhóm chợ nội bộ ở chung cư chị đang sống. "Có ngày tôi bán được tới cả chục mẹt gà cùng nhiều đồ ăn khác, hàng xóm với nhau nên họ cũng tin tưởng đặt mua nhiều", chị Hằng chia sẻ.

Chị Phương - một thành viên của nhóm chợ nội bộ cư dân tại chung cư thuộc quận Tây Hồ cũng kể, mỗi ngày chị bán được cả trăm đơn từ rau củ quả đến hải sản, thịt cá cho các hàng xóm cùng khu.

"Thời điểm giãn cách, mọi người hạn chế đi ra ngoài. Việc đặt online sau đó đồ ship đến tận cửa thuận lợi hơn rất nhiều cho các cư dân. Chúng tôi cũng thống nhất không tiếp xúc gần mà chỉ bấm chuông rồi treo ở cửa, thanh toán bằng chuyển khoản", chị Phương chia sẻ.

Với sự tiện lợi khi mua trên các nhóm chợ kín trong nội bộ chung cư, các cư dân chỉ cần mua vừa đủ theo nhu cầu, không cần thiết phải tích trữ quá nhiều, đồ lại luôn tươi ngon…

Ngày 24/7, Hà Nội giãn cách toàn thành phố theo chỉ thị 16 của Thủ tướng. Người dân chỉ được ra ngoài trong các trường hợp thực sự cần thiết.

Trong đó, cấp bách và cần thiết nhất đối với nhiều gia đình đó là việc mua đồ lương thực, thực phẩm... Trong khi hàng loạt các ứng dụng như Grab, Now... dừng hoạt động giao hàng đồ ăn uống, việc lưu thông cũng trở nên khó khăn hơn thì việc phát phiếu cho người dân đi chợ, đi siêu thị hoặc phát huy các hình thức bán online... được đánh giá là cần thiết để giải tỏa nhu cầu thiết yếu.

Đại diện Bộ Y tế đã có hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 tại chợ trong thời gian áp dụng Chỉ thị số 16.

Trong đó, đối với hộ kinh doanh, cơ quan chức năng yêu cầu chỉ bán các mặt hàng thiết yếu, tuân thủ việc sắp xếp bảo đảm khoảng cách, quy định về an toàn, vệ sinh thực phẩm.

Thứ hai, các hộ ký cam kết thực hiện tuân thủ các quy định, hướng dẫn về phòng chống dịch và các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm;

Thứ ba, quản lý thông tin người lao động/làm việc, người bán hàng, yêu cầu thông báo khi có tiếp xúc với các trường hợp F0 hoặc F1.

Thứ tư, đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch vệ sinh khử khuẩn hàng ngày, thông thoáng, khoảng cách, có biển thông báo số điện thoại liên hệ khi cần thiết

Thứ 5, thông báo ngay nếu phát hiện bản thân hoặc người có triệu chứng; hạn chế tiếp xúc, giữ khoảng cách tối thiểu.

Thứ 6, nhắc nhở khách hàng luôn đeo khẩu trang, tuân thủ khoảng cách.

Thứ 7, thường xuyên tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm

Thứ 8, bản thân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như hướng dẫn với người bán hàng.

Còn đối với khách hàng và người lao động, Bộ Y tế cho biết cần lưu ý 6 điểm trước khi đến chợ.

Trong đó, lưu ý đầu tiên là không được đến chợ nếu có một trong các triệu chứng hoặc đang trong thời gian cách ly.

Thứ hai, phải khai báo y tế hàng ngày, thực hiện 5K.

Thứ ba, thông báo ngay nếu phát hiện bản thân hoặc người có triệu chứng.

Thứ tư, đảm bảo an toàn phòng chống dịch khi di chuyển đến chợ và ngược lại.

Thứ 5, người lao động ký cam kết thực hiện, tuân thủ quy định, hướng dẫn phòng chống dịch và tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm.

Thứ 6, khách hàng đi chợ theo đúng ngày được quy định và nộp thẻ vào chợ tại cổng.