Xử lý ra sao nếu người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam?

Hoàng Diệu

(Dân trí) - Theo luật sư, người nước ngoài phạm tội bị áp dụng chế tài theo pháp luật Việt Nam. Trường hợp bỏ trốn, Việt Nam sẽ phối hợp nước sở tại bắt giữ, dẫn độ nghi phạm theo hiệp định các bên đã thỏa thuận.

Theo quy định, người nước ngoài nếu phạm tội tại Việt Nam có thể bị xử lý ra sao? Trong trường hợp người phạm tội bỏ trốn về nước sau khi gây án, cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam có quyền yêu cầu dẫn độ người phạm tội về Việt Nam để phục vụ công tác điều tra hay không? 

Trả lời

Luật sư Nguyễn Minh Long (Giám đốc Công ty Luật Dragon, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, Điều 5 Bộ luật Hình sự 2015 quy định đối tượng áp dụng của Bộ luật này là mọi hành vi phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam, bao gồm cả hành vi phạm tội hoặc hậu quả của hành vi phạm tội xảy ra trên tàu bay, tàu biển mang quốc tịch Việt Nam hoặc tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.

Đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam và thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế, vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế hoặc theo tập quán quốc tế đó; trường hợp điều ước quốc tế không quy định hoặc không có tập quán quốc tế thì giải quyết bằng con đường ngoại giao.

Như vậy, trừ trường hợp thuộc đối tượng hưởng miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, những người nước ngoài khi phạm tội tại Việt Nam đều sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015. 

Đối với trường hợp có căn cứ cho thấy người bị nghi ngờ phạm tội bỏ trốn khỏi lãnh thổ Việt Nam, cơ quan điều tra cùng các cơ quan có thẩm quyền sẽ phối hợp, liên kết với Interpol hoặc các quốc gia mà Việt Nam ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp để truy nã quốc tế, bắt và dẫn độ về nước. 

Điều 32 Luật Tương trợ tư pháp 2007 quy định dẫn độ là việc một nước chuyển giao cho nước khác người có hành vi phạm tội hoặc người bị kết án hình sự đang có mặt trên lãnh thổ nước mình để nước được chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án đối với người đó trên cơ sở yêu cầu của nước có người bị dẫn độ. Các cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài dẫn độ cho Việt Nam người có hành vi phạm tội hoặc bị kết án hình sự mà bản án đã có hiệu lực pháp luật để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án.

Trình tự, thủ tục dẫn độ sẽ thực hiện theo nội dung mà Việt Nam và quốc gia được yêu cầu ký kết trong Hiệp định tương trợ tư pháp và Hiệp định dẫn độ. Tùy thuộc trường hợp, việc dẫn độ có thể thực hiện theo các phương thức khác nhau, song đều cần đảm bảo quy định chung như sau: 

Thứ nhất, Việt Nam cần gửi văn bản đề nghị dẫn độ phù hợp thể thức cho quốc gia được yêu cầu. Đính kèm văn bản này là các tài liệu, chứng cứ đính kèm để chứng minh hành vi phạm tội của nghi phạm, làm cơ sở cho thấy yêu cầu dẫn độ là phù hợp thỏa thuận mà các bên đã ký kết. 

Thứ hai, trong trường hợp văn bản yêu cầu dẫn độ không đáp ứng được các điều kiện về nội dung và hình thức thì quốc gia được yêu cầu có thể đề nghị bổ sung cho đầy đủ như quy định trong một thời hạn nhất định. 

Thứ ba, sau khi nhận được yêu cầu dẫn độ đúng về mặt thủ tục, quốc gia được yêu cầu có nghĩa vụ bắt giữ cá nhân là đối tượng của yêu cầu dẫn độ. Thủ tục tố tụng tiến hành các yêu cầu về dẫn độ tội phạm được điều chỉnh riêng biệt theo pháp luật quốc gia được yêu cầu dẫn độ. Quốc gia đáp ứng yêu cầu về dẫn độ cần thông báo theo kênh liên lạc nhất định cho quốc gia yêu cầu dẫn độ được biết, đồng thời thông báo về địa điểm và thời gian chuyển giao tội phạm cùng tài liệu, vật chứng liên quan.