Từ vụ xe bus lấn làn, chặn đầu xe con: Xe bus có phải "xe vua" đô thị?

Hải Hà

(Dân trí) - Có bạn đọc cho rằng, xe bus chính là "xe vua" đô thị vì luôn lấn ép xe máy, vượt ẩu, bấm còi ầm ĩ, vi phạm các quy định pháp luật về giao thông đường bộ, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông

Như đã đưa tin, vào lúc 14h ngày 22/6 trên tuyến đường Núi Trúc - Kim Mã (Hà Nội) một chiếc xe bus tuyến số 22A của Xí nghiệp xe bus Cầu Bươu di chuyển lấn hết làn đường của xe đi ngược chiều.

Khi thấy xe không thể di chuyển, tài xế xe bus không những không lùi lại đi đúng phần đường mà cho xe đứng thi gan với xe con. Một lúc sau, thấy tài xế xe ô tô con vẫn cứng rắn, quyết không nhường đường, tài xế xe bus mới điều khiển xe lùi lại và chuyển sang đúng phần đường của mình.

Khi đi ngang qua ô tô có camera hành trình, tài xế xe bus còn dừng lại như muốn khiêu khích.  

Một lãnh đạo Xí nghiệp xe bus Cầu Bươu (Hà Nội) cho biết, sau khi nắm được thông tin vụ việc, đơn vị này đã cùng với lái xe bus liên hệ xin lỗi tài xế xe con và được chấp nhận.

Từ vụ xe bus lấn làn, chặn đầu xe con: Xe bus có phải xe vua đô thị? - 1

Chiếc xe bus lấn làn, ngang ngược chặn đầu xe con (Ảnh: Sơn Nguyễn, cắt từ clip).

Bình luận về sự việc, nhiều bạn đọc đã chia sẻ những tình huống oái oăm, nguy hiểm từng gặp phải với xe bus, như câu chuyện của bạn đọc Hoàng Nguyen: "Xe vua đô thị đó. Đạp xe mà gặp mấy xe bus thì mệt luôn. Một là mấy ông chuyên có cái trò gần đến trạm bus thì chạy thật nhanh vượt lên, ép xe đạp vào lề rồi phanh gấp. Hoặc là hai, đón khách ở trạm bus xong phi thẳng ra lấy làn giữa luôn, không cần biết có xe đạp đang vượt hay không. Đạp xe lưu thông mà cứ thấy trạm xe buýt là phải ngó sau xem có xe không. Đạp vội lên hoặc tấp lề cho lành".

Từng bị tài xế xe bus ép lên vỉa hè, bạn đọc Huyên Đặng chia sẻ: "Cần phải giáo dục lại một số tài xế lái xe bus, tôi cũng đã từng bị tài xế xe bus ép lên vỉa hè tuyến Ngã Tư Thủ Đức - Đại Học GTVT ( đường Lê Văn Việt - Tp.HCM ) rồi. Xe bus hiện giờ đi rất ẩu vô pháp vô thiên. Cần phải xử lý kiên quyết, chứ cứ để mãi như thế thì rất nguy hiểm cho người đi đường".

Không đồng tình với việc chỉ cần nói lời xin lỗi là giải quyết xong vấn đề, bạn đọc Kien Nguyen cho rằng, "Các đồng chí lãnh đạo Xí nghiệp bus cần có biện pháp cứng rắn chấn chỉnh, khách quan tôi và rất nhiều người đánh giá thấy xe bus đi ẩu, sai làn, ép, vượt ẩu rất nguy hiểm cho người tham gia khác. Đối với người điều khiển bus vi phạm giao thông thì phải xử lý theo luật giao thông chứ không thể nói xin lỗi là xong. Nếu cứ để như thế này thì người tham gia giao thông chúng tôi khi ra đường rất sợ xe bus".

"Tôi không hiểu sao xe bus lại sai ạ? Trong các loại xe ưu tiên ở đô thị lớn thì thứ nhất là xe bus, thứ 2 là xe rác, thứ 3 là cứu hỏa, thứ 4 là xe công an phường, thứ 5 là cứu thương", bạn đọc Vụ Trần thắc mắc.

Xe bus có phải là xe ưu tiên?

Giải đáp thắc mắc của bạn đọc, luật sư Nguyễn Thị Xuyến - Đoàn Luật sư TP Hà Nội khẳng định trong 05 loại xe được quyền ưu tiên khi tham gia giao thông, thì xe bus không nằm trong số đó. Do vậy, việc điều khiển xe buýt tham gia giao thông vẫn phải tuân thủ đầy đủ các quy định về giao thông đường bộ mà không có bất cứ sự ngoại lệ nào.

Theo Điều 22 Luật Giao thông đường bộ 2008, những xe sau đây được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới và được xếp theo thứ tự ưu tiên như sau: Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ; Xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường; Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu; Xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật; Đoàn xe tang.

Xe bus là một loại phương tiện giao thông đường bộ, khi tham gia giao thông phải tuân thủ các quy định của Luật Giao thông đường bộ 2008. Điều 8 của luật này đã quy định các hành vi bị nghiêm cấm như bấm còi liên tục; tranh giành, lôi kéo hành khách.

Riêng tại TPHCM, UBND TPHCM có ban hành Quyết định 3653/QĐ-UBND ngày 25-7-2005, trong đó có nội dung quy định về quyền ưu tiên lưu thông của xe bus khi tham gia vận chuyển khách công cộng.

Theo đó, trên các tuyến đường có từ 3 làn xe trở lên, xe bus được phép lưu thông vào các làn ô tô khác trong trường hợp làn xe bus thử nghiệm bị tắc; được phép lưu thông vào làn xe 2 - 3 bánh khi có hiệu lệnh của cảnh sát giao thông; được phép lưu thông vào làn xe 2 - 3 bánh khi cách giao lộ từ 100m trở lên và các làn ô tô đều bị tắc. Với quy định này, UBND TPHCM hướng đến mục tiêu phát huy hiệu quả hoạt động của xe bus.

Tuy nhiên, thực tế đã có những trường hợp tài xế xe bus lạm dụng quy định này, lấn ép xe máy tại các làn xe 2 - 3 bánh.

Các hành vi vi phạm của tài xế xe bus có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP. Cụ thể, hành vi bấm còi liên tục có thể bị phạt tiền 600.000 - 800.000 đồng; hành vi chạy xe không đúng phần đường hoặc làn đường quy định có thể bị phạt tiền 800.000 - 1,2 triệu đồng; hành vi chuyển làn không đúng nơi cho phép (không bao gồm hành vi xảy ra trên đường cao tốc) có thể bị xử phạt 300.000 - 400.000 đồng.

Ngoài ra, các hành vi chửi bới, cư xử thô tục còn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về trật tự công cộng theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, với mức xử phạt từ 100.000 - 300.000 đồng. Tuy nhiên Luật sư cho rằng, các mức xử phạt nêu trên cần đi kèm với cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ để hạn chế thực trạng xấu của xe bus như hiện nay.