Trách nhiệm của giám đốc hành hung trọng tài trên sân bóng

PV

(Dân trí) - Theo luật sư, việc xác định mức độ thương tật của trọng tài cũng như tính chất, mức độ hành vi của người hành hung sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng để xác định trách nhiệm của người này.

Như Dân trí thông tin, ngày 3/1, trọng tài L.T.K. (32 tuổi, quê Long An) được phân công điều hành trận đấu giữa 2 đội Doanh nhân Quảng Ngãi và Celadon An Phú tại Giải Bóng đá Doanh nhân online tại sân vận động Nhà thi đấu TDTT Phú Thọ (quận 11, TPHCM). Trong trận, do phản ứng quyết định của trọng tài, ông N.H.Q. (42 tuổi, ở huyện Hóc Môn, TPHCM) đã hành hung khiến trọng tài K. không thể tiếp tục điều khiển trận đấu.

Sau khi tiếp nhận trình báo của trọng tài K., Công an quận 11 đã đưa người này đi giám định thương tật, đồng thời triệu tập ông Q. tới làm việc. Tại cơ quan công an, ông Q. thừa nhận hành vi vi phạm.

Trách nhiệm của giám đốc hành hung trọng tài trên sân bóng - 1

Tình huống cầu thủ Nguyễn Hồng Quang đấm gục trọng tài Lê Tuấn Kiệt (Ảnh: DNOL).

Với hành vi trên, ông Q. có thể bị xử lý ra sao theo quy định của pháp luật là thắc mắc của nhiều độc giả Dân trí.

Luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đánh giá, với môn thể thao có tính đối kháng cao và sức nóng lớn như bóng đá, việc va chạm, ẩu đả hay xô xát giữa những người tham gia là không tránh khỏi. Tuy nhiên, va chạm thường chỉ dừng lại ở xô đẩy hoặc các tác động chưa quá lớn và được các bên giải quyết dựa trên thỏa thuận hoặc các biện pháp kỷ luật theo điều lệ, nội quy giải đấu.

Tuy nhiên, đối với sự việc ghi nhận trong clip, có thể thấy hành vi của ông Q. không chỉ dừng lại ở xô xát, ẩu đả với trọng tài mà thể hiện ý chí xâm phạm tới sức khỏe của trọng tài. Do đây là hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, bên cạnh việc bị kỷ luật bằng hình thức cấm thi đấu vĩnh viễn theo quyết định của ban tổ chức, người đàn ông này còn có thể chịu chế tài hành chính hoặc hình sự, tùy thuộc tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.

Xét thấy đây là hành vi có dấu hiệu cố ý gây thương tích, luật sư Giáp cho rằng kết quả giám định thương tật của trọng tài K. sẽ là căn cứ quan trọng để xem xét trách nhiệm pháp lý của ông Q. Cụ thể, trong trường hợp trọng tài có mức độ thương tật dưới 11% và hành vi không thuộc các tình tiết định khung theo quy định tại khoản 1, Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, vận động viên này có thể được xem xét miễn trách nhiệm hình sự.

Khi đó, ông Q. có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi cố ý gây thương tích theo khoản 5, Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Mức phạt áp dụng là 5-8 triệu đồng.

Trách nhiệm của giám đốc hành hung trọng tài trên sân bóng - 2

Kết quả siêu âm chấn thương của trọng tài Lê Tuấn Kiệt (Ảnh: NVCC).

Trường hợp vị trọng tài có mức độ tổn hại sức khỏe từ 11% trở lên hoặc dưới 11% nhưng hành vi được xác định thuộc các tình tiết định khung theo quy định của pháp luật, ông Q. có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích theo Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015.

Đối với trường hợp hành vi có dấu hiệu hình sự, cần xác định chính xác mức độ thương tật của vị trọng tài cũng như các tình tiết định khung (nếu có) có thể áp dụng theo điều luật này. Trường hợp kết quả xác định mức độ thương tật cũng như các tình tiết định khung cho thấy dấu hiệu tội phạm theo khoản 1, Điều 134 Bộ luật này, việc khởi tố vụ án và xem xét trách nhiệm hình sự đối với ông Q. sẽ chỉ áp dụng trong trường hợp có yêu cầu của bị hại khi đó là trọng tài K.

Nếu các bên có thể hòa giải, trọng tài K. không yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự, cơ quan công an sẽ không khởi tố vụ án và chỉ áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm của ông Q.

Nếu hành vi có dấu hiệu của các khoản 2, 3 hoặc 4 Điều này, cơ quan công an có thể ra quyết định khởi tố vụ án hình sự mà không cần yêu cầu của bị hại.

Hoàng Diệu