Quản lý xe điện 4 bánh tại thị xã Cửa Lò (Nghệ An): Không cấm nhưng… không được hoạt động

(Dân trí) - Ông Doãn Tiến Dũng - Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò cho rằng thị xã không cấm xe điện nhưng những xe không thuộc dự án thí điểm của Chính phủ thì không được hoạt động.

Quản lý xe điện 4 bánh tại thị xã Cửa Lò (Nghệ An): Không cấm nhưng… không được hoạt động
Toàn cảnh buổi đối thoại giữa UBND thị xã Cửa Lò và các doanh nghiệp kinh doanh vận tải xe điện 4 bánh.

Chiều ngày 22/4, UBND thị xã Cửa Lò (Nghệ An) đã tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh vận tải xe điện 4 bánh. Ông Doãn Tiến Dũng - Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò chủ trì buổi đối thoại.

Như Dân trí đã thông tin trước đó, năm 2011, Thị xã Cửa Lò được Chính Phủ cho phép thực hiện thí điểm kinh doanh vận tải bằng loại hình xe điện 4 bánh. Theo đó, chỉ có 110 xe thuộc dự án thí điểm được phép hoạt động.

Vào ngày 29/4/2014, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn số 573/TTg-KTN yêu cầu Bộ GT-VT và Bộ Công an khẩn trương nghiên cứu đề xuất bổ sung, sửa đổi các quy định hiện hành có liên quan về tổ chức, quản lý xe điện 4 bánh; Chủ trì nghiên cứu đề xuất bổ sung và điều kiện để triển khai loại hình vận tải này ở các địa phương.

Trong công văn này, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cũng nói rõ “các địa phương đã được phép thực hiện thí điểm sử dụng xe 4 bánh chạy năng lượng điện tiếp tục thực hiện theo cơ chế thí điểm đến khi có quy định chính thức; lưu ý chỉ đạo kiểm soát phạm vi và số lượng xe hoạt động phù hợp với nhu cầu thực tế, đảm bảo an toàn giao thông và trật tự đô thị”.

Đến tháng 6/2014, dự án thí điểm kinh doanh vận tải bằng xe điện 4 bánh kết thúc. Dự án thí điểm kết thúc nhưng chế tài quản lý loại hình này chưa hoàn thiện nên UBND thị xã Cửa Lò có công văn gửi các cơ quan có thẩm quyền cho phép được tiếp tục gia hạn thí điểm và được chấp thuận.

Đầu năm 2015 toàn thị xã có 447 xe điện 4 bánh đang hoạt động. Trong khi số lượng xe điện chưa đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch nhưng để xiết chặt quản lý đối với loại hình kinh doanh vận tải này, UBND thị xã Cửa Lò chỉ cho phép 150 xe điện thuộc Công ty TNHH vận tải du lịch lữ hành và thương mại Cửa Lò được phép hoạt động, còn những xe ngoài danh sách này không được hoạt động. Đích thân Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò Doãn Tiến Dũng và Trưởng phòng Quản lý đô thị Phan Công Đối đã "ký tươi" và đóng dấu tên từng xe thuộc đơn vị được phép thực hiện dự án thí điểm.

Quản lý xe điện 4 bánh tại thị xã Cửa Lò (Nghệ An): Không cấm nhưng… không được hoạt động
Ông Doãn Tiến Dũng - Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò khẳng định thị xã không cấm nhưng xe điện ngoài thí điểm không được hoạt động.

Sự việc này khiến nhiều doanh nghiệp cùng hàng trăm hộ dân “trót” đầu tư vào xe điện hết sức bức xúc. Việc UBND thị xã Cửa Lò không cho các xe điện ngoài diện dự án thí điểm khiến hàng trăm triệu đồng của người dân của người dân bị "đắp chiếu". Tại buổi đối thoại, đại diện các doanh nghiệp đề nghị UBND thị xã Cửa Lò lý giải tại sao các xe điện không thuộc dự án thí điểm lại không được phép hoạt động trong khi số xe thí điểm không đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch? Tại sao các doanh nghiệp này đã có giấy phép đăng ký kinh doanh do Sở KH-ĐT Nghệ An cấp nhưng lại không được phép hoạt động trên địa bàn thị xã Cửa Lò?.

Ông Doãn Tiến Dũng trả lời: Theo quyết định ban đầu của UBND tỉnh Nghệ An thì chỉ cho phép 110 xe điện thí điểm. Sau đó thị xã có kiến nghị xem xét đưa những xe mua trước thời điểm 30/6/2011 (trước thời điểm thực hiện dự án thí điểm - PV) được phép hoạt động và đã được UBND tỉnh Nghệ An đồng ý nên số xe điện được phép hoạt động nâng lên 150 xe.

“Những xe điện được phép hoạt động là 150 xe điện do Chính phủ và UBND tỉnh cho phép, còn những xe không đúng theo dự án là không được hoạt động. Thị xã không cấm được xe điện. Thị xã cũng không mở rộng được xe điện nếu như Thủ tướng và các bộ ngành chưa đồng ý”, ông Dũng cho biết tại buổi đối thoại.

Tuy nhiên, ông Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò cũng tiếp thu kiến nghị của các doanh nghiệp đề nghị UBND tỉnh Nghệ An và Bộ GT-VT cho phép mở rộng dự án thí điểm xe điện 4 bánh. UBND thị xã sẽ khảo sát tình hình thực tiễn của hoạt động xe điện 4 bánh đối với nhu cầu của khách du lịch cũng như yêu cầu phát triển đô thị. Sau đó, sẽ báo cáo với Sở GT-VT và Công an tỉnh để báo cáo với UBND tỉnh Nghệ An.

“Trên cơ sở khảo sát, đánh giá tình hình thực tế, UBND thị xã sẽ kiến nghị UBND tỉnh kiến nghị với Thủ tướng chính phủ. Có được mở rộng hay không là thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, còn thị xã không có thẩm quyền", ông Dũng khẳng định.

Trong khi thị xã Cửa Lò đang “thừa” gần 300 xe điện 4 bánh thì vừa qua, chi nhánh khách sạn Mường Thanh Cửa Lò đã có đề xuất cho phép 2 xe điện của khách sạn này được phép hoạt động. Tuy nhiên, ông Doãn Tiến Dũng không đồng ý với đề xuất của chi nhánh khách sạn Mường Thanh Cửa Lò.

Mới đây, Bộ GTVT đề xuất Chính phủ cho phép loại hình phương tiện 4 bánh có gắn động cơ được hoạt động chính thức trong vùng hạn chế tại các tỉnh, thành (hoạt động trong khu phố cổ, khu du lịch, di tích lịch sử theo tuyến đường và phạm vi cố định, đáp ứng đúng mục đích phục vụ chủ yếu khách du lịch). Phạm vi khu vực hạn chế, tuyến đường và số lượng phương tiện được phép đầu tư hoạt động thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương.

Hiện nay, ngoài 4 địa phương là Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hóa và Quảng Bình được được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho thí điểm, còn có một số tỉnh, thành khác như Khánh Hòa, Hải Phòng, Lào Cai, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Bà Rịa - Vũng Tàu đã đưa loại hình xe 4 bánh chạy năng lượng điện này vào hoạt động chở khách du lịch. Theo báo cáo thì hiện cả nước có 1.086 xe điện đang hoạt động tại 30 doanh nghiệp và một số hộ kinh doanh cá thể.

Hoàng Lam