Bài 2:

Nước mắt lao động "chui": Sống khó ở, chết khó về

(Dân trí) - Chọn con đường vượt biên trái phép đi lao động “chui” ở Trung Quốc, đã có người bị chính quyền sở tại bắt, bị “cò” môi giới lừa bán, thậm chí có người bỏ mạng nơi xứ người, song với lao động nghèo đói thì “đầu gối phải bò”.

Tàn giấc mộng đổi đời

Nghe theo lời dụ dỗ của một số đối tượng “cò” mồi chuyên đưa người vượt biên trái phép, nhiều phụ nữ ở các vùng biển sẵn sàng đóng tiền để được đi “xuất khẩu lao động”. Giấc mộng đổi đời với mức lương hàng chục triệu đồng ở đâu chưa thấy, chỉ thấy đa số những người trở về đều phản ánh bị ép lao động quá sức, ăn uống không đảm bảo, môi trường làm việc độc hại, thường xuyên đau ốm, số khác không may mắn trở thành nạn nhân của nạn buôn bán phụ nữ.

Vùng biển xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc là địa bàn nóng về tình trạng xuất cảnh trái phép đi lao động chui ở Trung Quốc
Vùng biển xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc là địa bàn nóng về tình trạng xuất cảnh trái phép đi lao động "chui" ở Trung Quốc

Mấy năm trước chị N.T.V, ở xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa được một người cùng địa phương dẫn đường vượt biên trái phép sang Trung Quốc lao động. Sang đến nơi, chị V mới vỡ lẽ mình bị lừa bán cho môt người đàn ông lớn tuổi.

“Cuộc sống trong gia đình “chồng” vừa khó khăn vừa cay đắng. Nhà rất nghèo nên ông ấy không có tiền cưới, dành dụm nhiều năm mới đủ tiền mua tôi về, họ cũng thương tôi nên không đánh đập, chỉ sợ tôi bỏ trốn nên hay canh chừng cẩn mật” - chị V kể lại trong nước mắt.

Sau khi sinh được 2 người con, nhà chồng nới lỏng quản lý, lợi dụng khi chồng đi làm vắng nhà, chị V bỏ trốn về quê hương. “Trốn thoát được về nhà tôi vui mừng khôn tả nhưng hằng đêm, mỗi lần nhắm mắt lại nhớ đến hai đứa con gái khiến tôi không sao ngủ được. Tôi nhớ con, nước mắt cứ trào ra” - chị V bùi ngùi.

Trong trí nhớ của chị, 2 con gái giờ cũng trên 10 tuổi có cả nét giống cha và mẹ. Dù Trung Quốc là mảnh đất đã “chôn vùi” tuổi thanh xuân của chị nhưng nơi đó có con chị. Tình mẫu tử, dù muốn chị cũng không thể quên. Hàng ngày chị vẫn gắng làm thuê làm mướn để mong có đủ tiền quay lại nhà chồng một lần thăm các con. Chị bảo: “Dù chúng không nhận tôi là mẹ thì tôi cũng can tâm sống những ngày còn lại của cuộc đời”.

Bà B.T.P đau lòng kể về cái chết của con rể và những vất vả mà con trai và từng lao động ở Trung Quốc
Bà B.T.P đau lòng kể về cái chết của con rể và những vất vả mà con trai và từng lao động ở Trung Quốc

Theo thống kê của Đồn Biên phòng Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, 5 xã ven biển của huyện Hoằng Hóa gồm: Hoằng Phụ, Hoằng Thanh, Hoằng Tiến, Hoằng Trường và Hoằng Hải có tổng 85 phụ nữ lấy chồng Trung Quốc. Phần lớn phụ nữ trong số đó đều từng không có việc làm ở địa phương, cuộc sống gia đình rất khó khăn, bị lừa bán…

Sống khó ở, chết khó về

Trong căn nhà nhỏ hai gian nơi xóm biển xã Hưng Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa), bà B.T.P nằm trệt trên giường vì bệnh tật tuổi già. Biết chúng tôi đến tìm hiểu tình trạng lao động “chui”, mắt bà rưng rưng, toàn thân run rẩy, giọng nói nghẹn ngào, bà khóc thành tiếng vì những mất mát mà gia đình bà đã trải qua. Bà P có 4 người con cả trai gái, dâu rể thì 3 trong số đó từng vượt biên đi làm ăn tại Trung Quốc với giấc mộng đổi đời.

Bà kể, năm 2013 nghe bạn bè rủ đi lao động nước ngoài, vợ chồng con gái bà là chị T.T.D (30 tuổi) và con rể H.V.T (35 tuổi) gửi ba đứa con nhỏ cho bà nuôi rồi đi lao động “chui” ở Quảng Đông (Trung Quốc). Công việc sản xuất nhựa dù không nặng nhọc nhưng độc hại, một ngày làm 8 tiếng, cả tháng chỉ được 5 triệu đồng/người.

Gần tết năm 2014, vợ chồng chị D dự định về quê ăn tết nên gắng làm tăng ca cả ngày đêm để lấy tiền chi tiêu và mua thêm quần áo, quà cho con nhỏ ở nhà. “Chiều ngày 4/12 âm lịch năm đó, thằng T đi làm về thì nói với vợ là đau đầu, mệt mỏi trong người. Vợ nó khuyên nghỉ nhưng nó bảo nghỉ thì không có tiền về. Thằng T nằm nghỉ chờ vợ đi mua đồ về nấu cơm ăn chuẩn bị đi làm ca đêm, nào ngờ nó ngủ mãi không dậy”, nói rồi bà P khóc nấc lên vì thương hoàn cảnh con mình.

“Khi nghe tin con đột tử, cả gia đình tôi không ai tin nổi. Thằng T vốn khỏe mạnh, vài hôm trước ngày gặp nạn còn gọi về nói chuyện với con. Nó hứa với 3 đứa con khi về sẽ có quà. Khi nó mất bao nhiêu tiền dành dụm được để về quê ăn tết và mua quà cho con đành phải để đưa thi thể nó về nước” - bà P nhớ lại.

Vì lao động “chui” không có hơp đồng lại là trường hợp đột tử ở phòng trọ nên chủ lao động chối bỏ trách nhiệm, đền bù chỉ lo lót cho chị D lén đưa chồng qua biên giới về Việt Nam.

Chồng mất, ở quê không có việc làm, giờ chị D lại phải bỏ 3 đứa con, đứa lớn 11 tuổi, đứa nhỏ 8 tuổi cho bà P trông nom để đi giúp việc ở Hà Nội. “Chỉ khi nào nhớ con quá nó mới về chứ không làm thì lấy tiền đâu cho con cái nó ăn học” - bà P. chia sẻ thêm.

Con trai của bà P là anh T.V.C (34 tuổi) cũng từng lao động chui ở Trung Quốc. “Dù biết hiểm nguy rình rập nhưng ở vùng biển của Hưng Lộc này, chẳng có nghề gì vừa an toàn lại vừa có thu nhập để nuôi vợ con” - bà P nói.

Năm 2015, anh C vượt biên trái phép theo những lao động từng làm ăn ở Trung Quốc để kiếm việc làm. Thấy anh có sức khỏe nên chủ Trung Quốc nhận anh vào xưởng sản xuất nhựa với 2.000 Nhân dân tệ/tháng. Tiền lương chủ trả đều hàng tháng, đổi lại anh phải lao động 10 tiếng/ngày trong xưởng nấu nhựa độc hại. Dù khó khăn anh cũng cố gắng bám trụ để kiếm chút vốn cuối năm về quê học nghề khác để làm.

Chị N.T.V, xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa - người từng bị lừa bán san Trung Quốc làm vợ
Chị N.T.V, xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa - người từng bị lừa bán san Trung Quốc làm vợ

Làm được một năm, anh dành dụm được 1,5 vạn tệ. 20 tháng Chạp năm 2015, anh C xin chủ nghỉ để về quê ăn tết. “Xe đưa anh em lao động người Việt vừa chạy được vài kilômét từ chỗ ở của lao động ra thì bị lực lượng chức năng kiểm tra, bắt giữ toàn bộ lao động người Việt. Toàn bộ số tiền 1,5 vạn tệ tôi dành dụm được bị lột sạch. Hơn chục lao động người Việt trong đó có tôi bị giam 22 ngày mới được thả. Thế là vừa không có tiền về vừa không được ăn tết với gia đình. Sau này tôi mới biết chủ của công ty mình làm đã báo công an địa phương bắt, cướp lại tiền lương của chúng tôi. Nhưng dù tiền mất, tật mang thì ít ra chúng tôi còn tính mạng để trở về quê hương” - anh C kể và cho biết thêm, sẽ không bao giờ quay lại Trung Quốc làm lao động “chui” nữa.

Sau khi trở về địa phương, anh C gửi đơn vay vốn nhà nước, anh em bạn bè để đóng tàu mới đi khai thác hải sản trên biển. Tuy cái nghề lênh đênh trên biển, sóng gió nhưng còn hơn là đi lao động “chui” ở Trung Quốc phải xa gia đình, hiểm nguy luôn rình rập.

Ông Nguyễn Văn Biển - Chủ tịch UBND xã Hưng Lộc, huyện Hậu Lộc cho biết: “Dù địa phương có tuyên truyền, người dân cũng ký vào bản cam kết là không đi lao động “chui” song cái chính để quản lý lao động đó là việc làm. Thất nghiệp có liên quan nhiều tới việc xuất khẩu lao động “chui”.

(Còn nữa)

Ngọc Bích - Trần Lê