Nỗi đau Phnom Penh

(Dân trí) - Hiếm có một sự kiện nào xảy ra ở nước ngoài lại thu hút sự quan tâm cùng lời chia sẻ cảm động của đông đảo bạn đọc Việt Nam đến thế. Biết bao nước mắt cùng những nỗi day dứt từ Việt Nam được gửi tới người dân Campuchia sau thảm họa tối 22.11.

Không chỉ những người từng có dịp đến với đất nước chùa tháp hiền hòa, xinh đẹp, mới cảm thấy đau xót trước thảm họa bất ngờ ngay trong thời bình đã  cướp đi sinh mạng của hàng trăm người dân Campuchia. Mà bất kỳ ai khi hay tin dữ đều không thể tin nổi điều kinh khủng như vậy có thể xảy ra trong một dịp lẽ ra phải rất vui vẻ như thế.

Là một trong những người từng tới chính cây cầu Koh Pik (đảo Kim Cương) rất đẹp ấy, bạn  Nguyễn văn Hùng  - email: hungambor@gmai.com viết:

 

Tôi không tin được những gì đã đọc. Thật đau lòng. Làm thế nào mà có quá nhiều người chết như vậy? Tôi cứ đọc đi đọc lại nhiều lần xem có sự nhầm lẫn nào chăng ? Cách đây 4 tháng  tôi có tham gia 1 tuần hội chợ tại đảo Koh Pik và có dịp qua lại cây cầu này hàng chục lần. Thật khó xảy ra tai nạn dẫm đạp vì cầu rất ngắn và khá dốc về 2 đầu, nối với 2 đầu cầu là những con đường rộng và bãi đất  trống trải . Cầu lại không cao, nước sông không chảy siết . Nếu cầu bị kẹt, ùn tắc thì  trước khi lên cầu sẽ thấy ngay,  mà như vậy không ai muốn chen vào thêm để dẫn đến thảm họa ?  Dẫu sao chuyện cũng đã xảy ra rồi. Xin thành thật  chia buồn cùng gia đình những nạn nhân và  đất nước Campuchia. Các nhà tổ chức sự kiện cũng nên lưu ý tình huống này. Khi đến thì lần lượt, nhưng khi về  thì một lượt với 1 con đường độc đạo thì hậu quả  thật khó lường

 

Vâng, thủ đô Phnom Penh hiền hòa, mến khách có ai ngờ lại phải chứng kiến giờ phút đen tối nhất trong lịch sử Campuchia kể từ sau thời diệt chủng Khmer đỏ, như lời Thủ tướng Hunsen mô tả vụ dẫm đạp hoảng loạn trên cầu Koh Pik dịp lễ hội Nước Bon Om Touk.

 

Tôi từng được nghe một vị Đại sứ VN trước đây ở Campuchia nhận xét, rằng có lẽ ít Việt kiều ở nước nào lại khó khăn và kém thành đạt như bà con ta ở Campuchia. Điều này được chính một Việt kiều Campuchia xác nhận với tôi trong một lần gặp gỡ kiều bào tại Hà Nội. Chị Việt kiều đó cứ chảy nước mắt, nghẹn ngào mãi khi nhắc lại quãng đời cực khổ trước đây của chính mình và nhiều người đồng hương khác.

 

 May mà sau đó vợ chồng tui chuyển được về Phnom Penh, chứ còn ở tỉnh thì khổ cực hoài à. Nhiều người muốn về thăm VN mà gom chưa đủ tiền ” – lời kể của chị còn cứa vào tim tôi rất lâu sau đó…Để rồi nay nước mắt  tôi lại hòa cùng nước mắt bao người VN,  khi hay tin trong số ít nhất 378 người chết và 755 người bị thương và nhiều người còn mất tích đêm 22.11 ấy có cả những kiều bào VN.

 

Cảnh tượng kinh hoàng khi có tới hàng ngàn người dồn chặt trên một cây cầu nhỏ, phụ nữ và trẻ em không có không khí để thở, ai cũng la hét, hoảng loạn… ở Phnom Penh lần này, một lần nữa gợi lại trong tôi những ký ức đau thương.

 

Đó là những hình ảnh khủng khiếp đến không thể tin nổi,  khi những con sóng thần lừng lững như những trái núi đổ ập vào, san thành bình địa những bãi biển mới trước đó thật tráng lệ và chật ních du khách.  Đó là những vụ chen lấn,  hoảng loạn đẫm máu từng xảy ra với những đoàn hàng triệu tín đồ Hồi giáo hành hương tới Thánh địa Mecca. Đó là những vụ chen lấn xô đẩy đẫm máu vừa mới đây thổi xảy ra tại một sân bóng ở châu Phi, tại một buổi hòa nhạc ở Nga, hay trong một nghi thức tôn giáo ở Ấn Độ…

 

Đúng như một bạn đọc đã viết: Thiên tai thì khó bề tránh khỏi, nhưng những tai nạn do con người gây ra sao lại cay đắng và xót xa đến nhường này. Nhiều bạn đọc đồng thời cũng cảnh báo, đây nên được coi như một bài học cho những nhà tổ chức của VN chúng ta. Đất nước ta cũng có rất nhiều lễ hội tập trung đông người, rất cần thiết để chúng ta rút ra được những kinh nghiệm quý báu về phương pháp phòng ngừa và kiểm soát đám đông.
 
Ngày mai Campuchia quốc tang, nỗi đau biết bao giờ mới có thể nguôi ngoai...

 

Thanh Nguyễn