Nhức nhối về sự quậy phá của lứa tuổi vị thành niên

(Dân trí) - Có lẽ, chưa bao giờ đạo đức của giới trẻ lại trở thành vấn đề nóng bỏng, nhức nhối như hiện nay. Gần đây, có quá nhiều hành động xấu xa, bạo lực, vi phạm pháp luật do đối tượng vị thành niên gây ra.

Điều đó làm cho tình hình an ninh trật tự, môi trường xã hội thêm phần phức tạp, nghiêm trọng. Nhìn vào hiện tượng bất thường này, chúng ta thật sự lo lắng về bước đi, tương lai của thế hệ trẻ.

 

Giờ đây, người ta không khó tìm ra những người thuộc giới trẻ có lối sống buông thả, đua đòi ăn chơi, thậm chí rơi vào cạm bẫy tệ nạn xã hội. Để thoả lối sống buông thả, tự do, làm theo ý thích, tha hồ ăn chơi đua đòi, nhiều thanh thiếu niên đã kết thành băng nhóm kiểu “xã hội đen”, bày đủ trò “mưu ma chước quỷ”, sẵn sàng gây sự đánh nhau, trấn lột, trộm cắp, thậm chí giết người... chẳng ghê tay; nhẫn tâm đến mức sát hại cả người thân yêu của mình. Giải trình của bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh trước Quốc hội, cho thấy một thực tế thật đau buồn: 9,48% tội phạm trong năm qua nằm trong nhóm tuổi vị thành niên. Gần 10% tội phạm ở tuổi vị thành niên là một “kỉ lục” đau buồn. Nguyên nhân thứ nhất là do theo thống kê chưa đầy đủ thì cả nước có đến 140.000 học sinh bỏ học. Nguyên nhân thứ hai là do nhà nhà chạy theo kinh tế, người người lo kiếm tiền đã dẫn đến tình trạng ảnh hưởng xấu thường trực đến tâm lí của con trẻ. Nguyên nhân thứ ba, xét trên cấp độ vĩ mô của xã hội, việc người lớn gian dối, tham nhũng, tàn phá, huỷ hoại môi trường cũng góp phần xô đẩy giới trẻ trượt dài hơn trên con đường tăm tối. Ông Bộ trưởng cũng nhấn mạnh rằng, chỉ có 10% các vụ giết người là do lưu manh chuyên nghiệp gây ra, còn 90% là do các nguyên nhân xã hội tác động.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Bức tranh xám xịt về tội phạm là vậy, còn lối sống, văn hoá của thanh thiếu niên thì sao? Tại nhiều thành phố, thị xã trên cả nước, vì lợi nhuận, tiền bạc, người ta đua nhau mở quán bar dành riêng cho trẻ em .Từ nông thôn đến thị thành, đâu đâu cũng đầy rẫy quán net, chủ yếu là để chơi game bạo lực... Rất nhiều nhà hàng đủ loại tạo điều kiện cho các em ăn nhậu, chơi bời trác táng. Bọn trẻ còn thể hiện mình ở những quán xá dành cho người lớn. Thi thoảng ở các thành phố lớn lại xuất hiện những “động lắc” của lũ trẻ với đủ loại đối tượng nhưng hầu hết là thanh thiếu niên ham chơi và thích đua đòi, con nhà giàu có nhưng thiếu giáo dục, thiếu cả sự êm ấm trong gia đình, bố mẹ sống ly thân, ly hôn...

Môi trường văn hoá, xã hội đã thực sự bị ô nhiễm do những sản phẩm xấu, độc hại đang hằng ngày, hằng giờ hủy hoại, bào mòn lối sống đạo đức, nhân cách của thanh niên, thiếu niên. Vì lợi nhuận, doanh thu, cá nhân lẫn tập thể một số đơn vị nhà xuất bản không ngại ngần tung ra thị trường những loại sách kể lể, miêu tả tỉ mỉ cách làm tình một cách trần trụi, các cuốn truyện tranh thiếu nhi tràn ngập hình ảnh sex với những lời đối thoại tục tĩu, chửi thề, vô văn hoá. Họ chẳng hề quan tâm và biết rằng những sản phẩm xấu ấy có tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến con trẻ như thế nào? Còn nữa, trẻ em cũng thường xuyên nhìn thấy những cảnh ăn mặc hở hang, thiếu vải, những cảnh làm tình rất “sex” trên các kênh truyền hình nước ngoài, trên internet, ngay cả phim Việt Nam cũng bắt đầu câu khách bằng lắm cảnh “nóng” của trai gái yêu đương...

 

Môi trường văn hóa bị ô nhiễm ấy đã làm cho nhiều em bị nhuốm đen tâm hồn, bị cuốn vào lối sống tự do, buông thả và ngộ nhận cho rằng như thế mới là điệu nghệ, mới là hợp thời! Cho nên tình trạng ham muốn và quan hệ tình dục sớm do bắt chước, “làm thử” đã bắt đầu trỗi dậy, lan tràn trong giới trẻ. Có em lấy làm tự hào, đắc chí khi thoả nguyện chuyện đó. Đến lúc không có nữa thì sinh  thèm, sinh hư, làm bậy, cưỡng bức, hiếp dâm, tổ chức cưỡng bức, hiếp dâm tập thể. Dần dà, quan niệm và biểu hiện về tình yêu nam nữ không còn ý nghĩa thiêng liêng và giá trị nữa. Lấy nhau rồi bỏ nhau ngay trong tích tắc, chả hối tiếc, đau khổ gì. Ôi, còn đâu những giá trị của gia đình truyền thống tốt đẹp ngày xưa! Những giá trị, truyền thống ấy hôm nay đã bị các bạn trẻ làm cho phai nhạt, mất mát dần đi.

Vấn đề trên của thanh thiếu niên đã được gióng lên hồi chuông cảnh báo từ lâu. Nhưng sự phản ứng, quan tâm và tìm các giải pháp  thoả đáng cho nó của xã hội, gia đình, đặc biệt là đoàn thể, chính quyền các cấp vẫn còn hạn chế, yếu ớt, nửa vời, chưa có sự thống nhất, phối kết hợp đồng  bộ, quyết liệt trong nhận thức lẫn hành động. Khả năng dự báo, tuyên truyền giáo dục, ngăn chặn, trấn áp từ xa, từ lúc mới manh nha của chúng ta hầu như không đạt hiệu quả. Khi mọi việc đã xảy ra rồi, hậu quả đã hiện hình thì ta mới biết, mới vào cuộc. Và cách xử lí, giải quyết sự vụ liên quan đến đạo đức, lối sống xuống cấp ở giới trẻ của các cơ quan có chức năng có thẩm quyền còn thiếu nhất quán, nảy sinh nhiều tiêu cực, nên không có mấy tác dụng răn đe, cảnh tỉnh những đối tượng, trường hợp khác.

Để tìm những giải pháp thoả đáng cho vấn đề đạo đức, lối sống của thanh thiếu niên hiện nay, đúng là một nhiệm vụ cực kì khó khăn? Nhưng không có nghĩa là chúng ta buông xuôi, đổ tội tất cả cho cơ chế thị trường, thời buổi đã đổi khác. Chúng tôi thiết nghĩ, giải pháp trước hết là ở trách nhiệm, thái độ, hành vi của người lớn. Người lớn thiếu gương mẫu, đầu tàu, làm những việc xấu xa, tày trời, vi phạm pháp luật trắng trợn... thì làm sao trở thành tấm gương sáng cho con cháu noi theo? Công an, pháp luật lại không nghiêm minh, trắng đen không rõ ràng, nói một đằng làm một nẻo... thì làm sao gieo được niềm tin cho thanh thiếu niên về sự công bằng xã hội?

Để có được môi trường văn hóa, xã hội trong sạch, tạo nhiều sân chơi văn hóa nghệ thuật lành mạnh cho thanh niên, thiếu niên, đồng thời kiên quyết xóa bỏ những sản phẩm văn hóa xấu độc, thì điều đó đòi hỏi sự quan tâm, thái độ, trách nhiệm, hành động mang tính cộng lực, đồng bộ, thường xuyên, liên tục của cả xã hội- gia đình- nhà trường bằng nhiều cách thức, biện pháp thiết thực, khả thi. Ví dụ như, nhà xuất bản văn hoá- thông tin gần đây cho ra những truyện tranh có nội dung xấu, ảnh hưởng không tốt đến thiếu niên, thì cơ quan chức năng phải xử cho nghiêm, có biện pháp quản lí thật chặt chẽ. Ví dụ như đoàn thể, chính quyền, nhà trường địa phương phải nắm được trên địa bàn mình có bao nhiêu thanh thiếu niên hư, đặc điểm, tính chất của nó như thế nào và có biện pháp giáo dục, giúp đỡ ra sao. Tất nhiên, không chỉ dừng lại bằng những lời nói, các bài giáo dục mang tính giáo huấn mà có những hành động cụ thể, thiết thực, như tạo công ăn làm ổn định cho đối tượng ấy.

 

                                        Đỗ Tấn Ngọc

                                               Quảng Ngãi

 

LTS Dân trí - Tác giả bài viết trên đây đã phân tích một cách sâu sắc những nguyên nhân đa chiều dẫn tới sự xuống cấp đạo đức cũng như tha hóa trong lối sống của không ít thanh thiếu niên ngày nay.

Điều đáng trách ở người lớn là sự thiếu gương mẫu về lối sống và đạo đức; chưa làm tròn trách nhiệm trong giáo dục gia đình cũng như việc buông lỏng quản lý môi trường văn hóa, môi trường xã hội, vì vậy tuổi trẻ mới lớn ngày nay ít được giáo dục những điều tốt đẹp trong khi bị tiêm nhiễm nhiều ảnh hưởng xấu diễn ra cả trong gia đình và ngòai xã hội.  Nhà trường và thầy cô giáo chỉ mới quan tâm đến việc “dạy chữ” mà chưa quan tâm đúng mức đến việc “dạy người”; chưa tìm ra biện pháp giáo dục có hiệu quả đối với học sinh hư.

Việc giáo dục con em chúng ta chỉ đem lại hiệu quả mong muốn bằng sự gương mẫu về mọi mặt của người lớn. Đi đôi với sự chăm lo giáo dục của gia đình, cần có sự quan tâm giáo dục đạo đức trong nhà trường, đặc biệt là  các ngành chức năng cần quan tâm nhiều hơn đến việc quản lý môi trường văn hóa và môi trường xã hội.