Lãi suất giảm, doanh nghiệp vẫn lo "chết đói trên mâm cỗ"

Hải Hà

(Dân trí) - Các chương trình giảm lãi suất được thực hiện dồn dập nhưng doanh nghiệp vẫn than khó tiếp cận vốn vay. Nguyên nhân của nghịch lý này lại không đến từ chính sách tiền tệ.

Doanh nghiệp "chết đói trên mâm cỗ"

Cuối năm 2022, doanh nghiệp "khóc" khi phải đi vay với lãi suất 14-15%/năm. Sau rất nhiều nỗ lực giảm lãi suất của hệ thống ngân hàng, gần đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết lãi suất cho vay đã giảm xuống còn trên 9%/năm. Đó cũng là lúc nghịch lý xảy ra.

Dù cho lãi suất cho vay trở nên tốt hơn rất nhiều, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế quý I/2023 chỉ đạt 2,06%, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng 5,04% cùng kỳ 2022. Điều đó, nhiều chuyên gia cho rằng, nghĩa lãi suất giảm không có nhiều ý nghĩa vì doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ. Hay nói cách khác, doanh nghiệp đang "chết đói trên mâm cỗ".

Lãi suất giảm, doanh nghiệp vẫn lo chết đói trên mâm cỗ - 1

Bất chấp lãi suất cho vay trở nên tốt hơn rất nhiều, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế quý I/2023 chỉ đạt 2,06% (Ảnh minh họa: Tiến Tuấn).

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã phân tích nguyên nhân lớn nhất gây nên nghịch lý.

Theo ông Hải, kinh tế đang có nhiều khó khăn. Báo cáo tài chính của doanh nghiệp niêm yết, số liệu xuất nhập khẩu của hải quan… đã phần nào phản ánh được thực tế này. Ngành khó khăn nhất phải kể đến là bất động sản. Bất động sản khiến nhiều ngành khác lao đao theo như xây dựng, vật liệu xây dựng, da giày, dệt may, thủy sản... Rất ít ngành được hưởng thuận lợi.

Khi nhiều ngành gặp khó khăn thì tiêu thụ giảm, sản xuất giảm. Kết quả là nhu cầu tín dụng cả ngắn hạn và dài hạn sẽ giảm theo dù lãi suất đã được hệ thống ngân hàng điều chỉnh giảm.

Ngoài nhu cầu tín dụng giảm, còn một nguyên nhân khiến tín dụng giảm chính là nhiều doanh nghiệp muốn vay vốn nhưng không vay được.

"Chỗ nào chậm trễ phải trảm"

"Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng này nhưng nguyên nhân lớn nhất mà Chính phủ và nhiều người chưa nhắc tới nhiều chính là thủ tục hành chính. Hôm nay, tôi chỉ nhấn mạnh vào thủ tục hành chính", ông Nguyễn Hoàng Hải phân tích.

Theo ông Hải, thủ tục hành chính ách tắc, nhiêu khê và… nhạy cảm từ cấp cơ sở (xã phường, quận huyện, tỉnh thành) tới cấp bộ… 

Ví dụ tiến độ đầu tư công chậm, chậm là do thực thi chậm ở các cấp. Cần phải đặt ra câu hỏi tại sao cùng một chính sách mà mỗi tỉnh thành lại có tốc độ giải ngân nhanh chậm khác nhau. Vấn đề không nằm ở tiền vì tiền đã có sẵn rồi nhưng không giải ngân được. Vấn đề nằm ở thủ tục hành chính. Thủ tục hành chính ách tắc ở nhiều khâu.

Đầu tư công ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng ở chỗ khi được giải ngân, đầu tư công sẽ kích thích các ngành phát triển theo như bất động sản, xây dựng, giao thông,… Đây là những ngành vay vốn nhiều.

Có địa phương nghèo nhưng cũng không rốt ráo cho doanh nghiệp. Có dự án mãi không được cấp phép, kể cả dự án bé cũng phải trình lên Chủ tịch, Phó Chủ tịch thì Quản lý Khu công nghiệp mới được cấp phép.

Còn xét về từng ngành nghề riêng biệt, việc tiếp cận vốn của bất động sản cũng đang mắc kẹt ở thủ tục hành chính. Việc cấp phép dự án là rất lâu. Đi sâu vào doanh nghiệp mới thấy vấn đề liên quan đến đất đai, cấp phép rất căng thẳng. Có doanh nghiệp chia sẻ đi xin giấy phép mà phải đi "gõ" hết cửa nọ cửa kia. 

Nhưng "cấp phép" lại là việc quan trọng. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp bất động sản muốn bán dự án cho đối tác nước ngoài mà không bán được vì vướng pháp lý. Nếu có giấy phép, họ hoặc có thể bán dự án để lấy vốn hoạt động, hoặc cầm cố tại ngân hàng để vay vốn.

Vì vậy, kiến nghị Chính phủ thành lập tổ kiểm tra về Thủ tục hành chính, thực hiện nhiều đợt kiểm tra từ các cấp cơ sở đến Bộ ngành, thậm chí cả trung ương. Đề nghị phải làm nhanh thủ tục hành chính, không dây dưa.

"Chỗ nào chậm trễ phải trảm, phải ráo riết như "đốt lò" thì mới nhanh. Phải làm vài vụ mới nhanh được", ông Nguyễn Hoàng Hải nhấn mạnh.

Còn tình trạng hiện tại là chỗ làm nhanh chưa được khen thưởng, chậm không bị kỷ luật.

Còn nói về tăng trưởng tín dụng, cần phải biết với các ngân hàng, từ ngân hàng nước ngoài đến ngân hàng thương mại cổ phần đến ngân hàng quốc doanh, tất cả đều có nguồn vốn tốt, muốn đẩy ra cho vay để có lợi nhuận. Nhưng họ không đẩy ra bằng mọi giá mà có chọn lọc. Dự án khả thi, đầy đủ pháp lý thì được giải ngân, còn dự án không khả thi thì ngân hàng sẽ thận trọng.

Khi thủ tục hành chính được đẩy nhanh, có những việc 3 năm mới hoàn thành thì có thể giải quyết xong 3 đến 4 tháng, từ đó gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Với các dự án bất động sản, khi khó khăn được tháo gỡ, dự án từ ít khả thi lại thành khả thi, ít rủi ro hơn cho cả doanh nghiệp cũng như ngân hàng.

Tóm lại, Chính phủ, các Bộ ban ngành đã đưa ra rất nhiều giải pháp quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế nhưng điều quan trọng nhất là thủ tục hành chính, thủ tục xét duyệt của các cấp phải nhanh lên.