Bỏ xứ tha hương vì một lần nhỡ tay kích chuột

Bảo Khang

(Dân trí) - Cầm một chiếc điện thoại trên tay, dù bạn là ai, bao nhiêu tuổi, chỉ cần có tiền là có thể "không làm mà vẫn có ăn" nhờ những canh bạc online thần kỳ.

Vài phút nhàn rỗi, đôi vai "nặng nợ"

Những ai thường xuyên sử dụng mạng xã hội đều dễ dàng bắt gặp những hình ảnh quảng cáo tài xỉu, chơi bóng, bắn cá, xóc đĩa, đánh bạc trực tuyến trá hình thông qua các trò chơi như đua vịt, đua chó ảo…

Nhiều người, dù rất tỉnh táo, nhưng vì những lý do "cần tiền" và thỏa mãn trí tò mò, hay đơn giản không muốn lao động, vui tay muốn thử… hàng trăm người đã bị những canh bạc online "thao túng tâm lý" lúc nào không hay.

H.L., một nhân vật đã từng phải "bỏ xứ", cắt đứt liên lạc với gia đình, cơ quan, sau một thời gian dài trả nợ đã kể lại rằng, anh là một người trước đó không hề nghiện cờ bạc. Do một lần tình cờ kích vào hình ảnh một cô gái nóng bỏng mời chào chơi bóng, L. đã khiến cả gia đình "chết lặng" khi hàng trăm con nợ khủng bố, đòi tiền, thậm chí là chửi rủa, lăng mạ, mạt sát.

"Lần đầu mình chơi thấy dễ ăn tiền nên càng chơi càng ham. Chơi lần sau tiền vào lớn hơn lần trước. Những lần được không sao, chứ những lần thua đậm, đầu óc mình như phát điên, nghĩ đủ cách để gỡ lại.

Sau khi vay hết người thân, bạn bè, họ hàng, mình chuyển sang cầm cắm đồ, vay các app tín dụng đen. Dần dần, mình bị chết chìm trong nợ nần, tự đẩy mình vào bế tắc, không còn cách nào khác, mình phải trốn đi nơi khác để bố mẹ không bị liên lụy", L. kể lại.

Khác với L., N.V.N lại là một người thường xuyên chơi tài xỉu. "Chơi quen rồi, không chơi không chịu được. Mình chơi số tiền cũng ít, cùng lắm cũng chỉ dăm bảy triệu. Thua thì vẫn cắm lương để hồi được. Mình cũng vài lần bị các app tín dụng đen đòi nợ, nhưng mà "ngựa quen đường cũ", đánh nó ham, khó cai hơn cai nghiện", N. chia sẻ.

Có rất nhiều thủ đoạn để các chủ tài khoản trực tuyến tiếp cận các "con bạc". Một trong những chiêu thức phổ biến là phát sóng trực tuyến, hay còn gọi là livestream.

Đây là hình thức các chủ tài khoản lách quy định của các nền tảng và của các cơ quan chức năng. Sau mỗi phiên livestream, các chủ tài khoản thường xóa luôn, hoặc bỏ tài khoản. Chính điều này khiến các cơ quan chức năng rất khó để truy vết và xử lý.

Bỏ xứ tha hương vì một lần nhỡ tay kích chuột - 1

Livestream đánh bạc được coi là hình thức lách luật của nhiều tài khoản trên các nền tảng mạng xã hội (Ảnh: Chụp màn hình).

Đánh bạc qua mạng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Theo luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP Hà Nội, theo quy định của pháp luật, hành vi đánh bạc được thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào với mục đích được-thua bằng tiền hay hiện vật mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nhưng thực hiện không đúng với quy định trong giấy phép được cấp đều bị coi là đánh bạc trái phép.

Riêng đối với hành vi đánh bạc trái phép trên môi trường mạng, Tòa án nhân dân tối cao đã quy định rất rõ tại Công văn 196/TANDTC-PC ngày 04/09/2018. Theo đó, đánh bạc "sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội" được hiểu là việc sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông và các phương tiện điện tử để đánh bạc trực tuyến (như hình thành nên các chiếu bạc online hoặc sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để tổ chức đánh bạc, gá bạc) để được thua bằng tiền hoặc hiện vật.

Về xử phạt vi phạm hành chính, người nào có hành vi đánh bạc bằng máy trái phép có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 28 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

Trong trường hợp hành vi đánh bạc qua mạng có dấu hiệu hình sự, người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo tội danh tương ứng với tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi phạm tội. 

Cụ thể, hành vi đánh bạc qua mạng trái phép có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội đánh bạc theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 321 Bộ luật hình sự hiện hành với khung hình phạt từ 3 -7 năm tù, nếu số tiền hay hiện vật dùng đánh bạc trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng; hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi tổ chức đánh bạc; hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội tổ chức đánh bạc, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, căn cứ khoản 3 Điều này.

Đối với hành vi tổ chức đánh bạc trái phép qua mạng, người thực hiện hành vi phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội tổ chức đánh bạc theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 322 Bộ luật hình sự với khung hình phạt từ 5-10 năm tù, nếu thỏa mãn một trong những trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều này. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Luật sư Trần Xuân Tiền cho biết thêm, ngoài hành vi đánh bạc trái phép, hành vi livestream, quảng cáo trá hình các hình thức đánh bạc cũng bị coi là hành vi vi phạm pháp luật, căn cứ theo quy định tại Điều 7 Luật Quảng cáo 2012 về cấm quảng cáo "Hàng hóa, dịch vụ bị cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật". 

Theo đó, căn cứ Khoản 1 Điều 33 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, quy định vi phạm về quảng cáo, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo có mức xử phạt hành chính từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng. 

Thêm vào đó, hành vi của các đối tượng đưa phát thông tin vi phạm pháp luật lên mạng xã hội một cách công khai là vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP về cung cấp, chia sẻ thông tin về đánh bạc và phục vụ đánh bạc, theo đó, mức phạt cho hành vi này là từ 10 - 20 triệu đồng.

Ngoài ra còn có thể bị xử lý hình sự về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông nếu thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng theo quy định tại Điều 288 Bộ Luật hình sự hiện hành. Theo đó, người phạm tội này có thể bị phạt tiền lên đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù cao nhất lên đến 07 năm; bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.