Báo chí trong mắt doanh nhân

(Dân trí) - Trăn trở lớn nhất của những người làm báo là hình ảnh của báo giới trong mắt nhân dân. Nói cách khác, là hình ảnh báo chí trong mắt độc giả của mình. Nhân Ngày 21-6, trân trọng giới thiệu suy nghĩ của một số doanh nhân xung quanh chủ đề này.

"Vua cá sấu" đất Bắc - Cao Văn Tuấn: Không yêu nghề sẽ làm hỏng cái cao quý của nghề

Báo chí trong mắt doanh nhân - 1

Nghề báo là một nghề cao quý nên những ai không yêu nghề báo thì đừng làm nhà báo bởi họ sẽ làm hỏng cái cao quý của mình và hỏng cả cái cao quý của nghề.

Có lẽ tôi biết không dưới 100 nhà báo và cũng ngần ấy nhà báo quen biết tôi. Họ đến với tôi vì nhiều lẽ. Khi là tư cách phóng viên đi lấy tài liệu cho bài viết, khi là khách mời của ai đó ở Hải Phòng đến Nhà hàng Nam Phương quen, khi là khách hàng đến với các sản phẩm từ cá sấu và đôi khi chỉ là đi qua, tạt vào tham quan Thạch Thi Viên (Vườn Thơ Đá - Nơi có hàng trăm phiến đá to nhỏ, được lấy từ khắp nơi và trên mỗi phiến đá đều khắc một câu thơ do bạn bè tuyển chọn) hay phòng trưng bày cổ vật ở trang trại cá sấu. Có thể do tôi cũng có cái "máu" văn nghệ sĩ, yêu văn chương, hội họa, thích giao du nên hầu hết các nhà báo đều quý mến tôi và ngược lại, tôi cũng quý mến họ. Thậm chí có người trở thành bạn thân thiết, cùng nhau chia sẻ những buồn vui của cuộc đời này.
 
Báo chí với tôi là những người bạn. Chính các nhà báo đã phong "vương" cho tôi khi họ gọi tôi là "Vua cá sấu" đất Bắc. Đành rằng ở miền Bắc, Công ty Cá sấu Việt Nam của tôi là nơi đầu tiên nuôi cá sấu và cho đến nay cũng là cơ sở có quy mô lớn nhất với số lượng lớn nhất miền Bắc nhưng nếu không có báo chí thì ai xác nhận cho chúng tôi điều đó?

Có lẽ không chỉ có tôi mà hầu hết các doanh nhân đều muốn báo chí là những người bạn đồng hành, biết chia sẻ, động viên lẫn nhau và cùng phấn đấu cho một sự nghiệp chung là làm giàu cho bản thân và cũng là làm giàu cho Tổ quốc. Doanh nhân chúng tôi tham làm chẳng qua cũng vì "giời đầy" mà mang số khổ. Nhà thì cũng ở một cái là chán, xe ô tô thì cũng chỉ đi được một chiếc, sáng ra thì cũng chỉ ăn nổi một bát canh bánh đa cua, bia vài chai, rượu vài chén… Ăn lắm, uống nhiều chỉ tổ bệnh nhiều, mau chết chứ báu bở gì đâu.

Chả hiểu sao một thời trong dư luận, hình ảnh giám đốc doanh nghiệp thường được gán với ăn chơi trụy lạc. Họ chẳng hiểu biết bao nhiêu về chúng tôi cả. Các cụ từ xưa đã dạy: "Giàu đâu có kẻ ngủ trưa…" rồi "Buôn tầu bán bè không bằng ăn dè, ở sẻn"… Làm ục mặt và tằn tiện từng đồng còn chẳng giàu nữa là rong chơi, hoang phí, ném tiền qua cửa sổ. Tôi làm nghề nuôi cá sấu và tôi không chỉ yêu mà hơn thế, tôi đam mê cá sấu. Một đam mê không thuần túy chỉ vì tiền mà còn vì danh dự. Khi các nhà báo "phong vương" cho tôi là "Vua cá sấu" tức là khoác trên vai tôi một gánh nặng trách nhiệm làm sao để xứng với "ngai vàng" mà truyền thông giao tặng.

Điều thất vọng lớn nhất của tôi đối với không ít nhà báo là sự nhàm chán. Họ hỏi những câu hỏi cũ… giống nhau và viết về chúng tôi cũng… cũ như nhau. Đó là những câu hỏi quen thuộc như anh bắt đầu nuôi cá sấu từ bao giờ? Các khó khăn gì anh đã trải qua? Anh vượt qua việc đó như thế nào? Anh có mong muốn gì không?…  Và bài viết thì luôn trung thành với môtip thời trẻ thì hàn vi, nghèo khó, lớn lên thì bằng tài năng, sáng tạo, quyết tâm vươn lên thành đạt rồi vấp ngã, vượt dậy và giờ đây là… làm từ thiện. Không chỉ có nhà báo ta mà ngay cả nhà báo nước ngoài khi gặp tôi cũng hỏi như thế. Thành thực thì lần đầu tiên được phỏng vấn rồi đăng báo kiểu này cũng sướng. Lần thứ hai thì còn thấy bình thường nhưng đến lần thứ ba thì thấy chán, lần thứ tư thì thấy chối và lần thứ năm thì vừa chán, vừa chối. Cách làm rập khuôn, lười suy nghĩ, kém sáng tạo thể hiện làm nghề mà không yêu nghề, không trọng cái nghề của mình. Làm nghề mà không yêu nghề vừa làm hỏng nghề, vừa làm hỏng mình. Lòng tự trọng nghề nghiệp hay nói cách khác, tình yêu chính bản thân mình sẽ là động lực cho mỗi cá nhân. Tại một phiến đá trong Thạch Thi Viên, tôi đã khắc 2 câu thơ của Nhà thơ - Nhạc sĩ Văn Cao, người con của Hải Phòng: "Tôi yêu Hải Phòng như yêu Việt Nam nhỏ lại - Tôi yêu Việt Nam như tôi biết yêu tôi" - Trường ca Những người trên cửa biển.  

Theo tôi, nghề báo là một nghề cao quý nhưng không phải ai viết báo cũng đều là cao quý cả. Sự cao quý hay tầm thường phụ thuộc ở mỗi con người cụ thể trong những hoàn cảnh cụ thể. Với nhà báo, tác phẩm sẽ làm nên tác giả chứ không phải nghề nghiệp làm nên họ. Vì vậy, những ai không yêu nghề báo thì đừng làm nhà báo bởi họ sẽ làm hỏng cái cao quý của mình và hỏng cả sự cao quý của nghề rất cao quý: Nhà báo!
 
Doanh nhân Việt kiều Nguyễn Hoài Bắc: Thiếu những bài về kinh tế  sắc sảo, có tính dự báo

Báo chí trong mắt doanh nhân - 2

Nhiều bài viết về kinh tế trên báo chí Việt Nam  chỉ mang tín bàn luận khi sự việc đã xẩy ra. Không ít bài rơi vào sự hời hợt, khó hiểu, chung dung, thiếu chủ kiến và nhiều khi không hội nhập, xa lạ với nhận định, dự báo của báo giới toàn cầu.

Trước hết, xin được hỏi: Trong mắt một doanh nhân, hình ảnh báo chí như thế nào?

Ở bất cứ  môi trường kinh doanh nào trên thế giới, đồng hành với doanh nghiệp luôn luôn là lực lượng thông tin đại chúng. Kinh tế càng phát triển, thế giới càng văn minh, báo chí sẽ trở thành nhu cầu thiết yếu trong đời sống xã hội. Nhờ báo chí, người dân biết, hiểu và nắm bắt được những thông tin về an ninh, chính trị, kinh tế từ vĩ mô cho đến vi mô đã và đang xảy  ra.

Với góc nhìn nhà đầu tư, ông đánh giá như thế nào về báo chí Việt Nam, nhất là báo chí trong lĩnh vực kinh tế?

Báo chí Việt Nam sau hội nhập đã mang nhiều sắc thái mới, đa dạng hóa thông tin trong nước và quốc tế, có những ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống của người dân Việt Nam. Báo chí một mặt đã chuyển tải những tin tức quan trọng về chủ trương, chính sách của Nhà nước đến mọi tầng lớp nhân dân. Mặt khác, báo chí là diễn đàn để người dân phản ánh, đối thoại, góp ý với các chủ trương, chính sách của Nhà nước.

Tuy nhiên theo tôi, một lĩnh vực cực kỳ quan trọng hiện nay là lĩnh vực kinh tế thì báo chí Việt Nam còn rất khiêm tốn, hạn chế. Nhiều bài viết về kinh tế trên báo chí Việt Nam  chỉ mang tín bàn luận khi sự việc đã xẩy ra. Không ít bài rơi vào sự hời hợt, khó hiểu, chung dung, thiếu chủ kiến và nhiều khi không hội nhập, xa lạ với nhận định, dự báo của báo giới toàn cầu. Không ít bài viết đáng giá về nội tạng của nền kinh tế nhưng lại thiếu nhãn quan chính trị (đây là yếu tố chi phối rất lớn đến nền kinh tế) nên dễ rơi vào chông chênh, thiếu thuyết phục và thường là không đưa ra được những giải pháp để bình ổn tình hình cũng như hóa giải khó khăn. Phải chăng chúng ta thiếu những cây bút chuyên sâu, sắc sảo hay việc đào tạo phóng viên kinh tế còn nhiều lỗ hổng?

Là người đầu tư vào Việt Nam nhiều năm và ở nhiều lĩnh vực, ông đã vấp phải những khó khăn gì? Khi đó, báo chí Việt Nam đã làm gì giúp ông?

Tôi trở về đất nước lần đầu tiên vào năm 1992, khi đó Việt Nam mới mở cửa. Trong cái khó khăn chung của quốc gia và cộng với khó khăn riêng của bản thân, tôi đã thất bại cho những dự tính kinh doanh thương mại vượt khả năng của mình cả về hiểu biết và tài chính. Tôi lại quay lại Canada tiếp tục kiếm tiền đến 1998, tôi trở về lần thứ hai với kinh nghiệm, trải nghiệm cũng như nguồn lực tài chính dồi dào hơn. Nhưng thực tế cuộc sống luôn biến động, không giống như những gì mình tin tưởng, hi vọng nên những dự án của cá nhân tôi và của cả công ty cũng luôn đối mặt với hết khó khăn này đến khó khăn khác. Ví dụ như việc mở con đường nhánh vào Khu công nghệ cao IQLinks và Trường nghề Việt Nam - Canada của chúng tôi là đúng luật nhưng cũng vấp phải không ít trở ngại. Chỉ đến khi báo chí lên tiếng, các cơ quan chức năng trung ương vào cuộc thì cơ quan chủ quản mới phải đồng ý để chúng tôi mở con đường này. Từ đó, tôi đã nhận ra một điều rằng: Báo chí là sức mạnh vô hình nhưng đầy uy lực khi vấn đề của mình đặt ra là đúng.

Gần đây nhất (tháng 6/2011), một nhà thầu đã vi phạm nghiêm trọng các điều khoản trong hợp đồng, gây tổn hại không nhỏ cho chúng tôi. Vụ việc được đem ra giải quyết tại tòa.  Tại đây, Tòa án nhân dân thị xã Chí Linh vì lý do nào đó đã bác toàn bộ nội dung khởi kiện của chúng tôi. Công ty chúng tôi đã gửi công văn đến các một số tòa soạn báo và các cơ quan chức năng cấp cao. Sau khi nghiên cứu hồ sơ, nhiều tờ báo đã lên tiếng ủng hộ chúng tôi đồng thời các cơ quan như Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội và các  sứ quán Canada, Ôtrâylia đều đã có công văn ủng hội việc làm đúng của chúng tôi.

Ông đã bao giờ  bị báo chí "làm phiền"?

Tôi chưa bao giờ bị báo chí làm phiền vì nói thật, tôi luôn muốn chung sống hòa bình, nhất là với truyền thông nhưng tối cũng rất "rắn" và nắm rất vững Luật Báo chí nên khó bị… bắt nạt.

 Theo ông, doanh nhân Việt kiều đang chờ đợi gì ở báo chí?

Có lẽ không chỉ doanh nhân chúng tôi mà tất cả mọi người dân Việt Nam đều mong muốn chúng ta có một nền báo chí tiên tiến, hiện đại. Ở đó, ngoài tinh thần thượng tôn pháp luật, báo chí còn phản ánh được và được phản ánh đầy đủ mọi tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân. Báo chí thực sự trở thành món ăn tinh thần, một nhu cầu thiết yếu của đời sống xã hội và khi đó, kinh tế chắc chắn sẽ phát triển. Với các nhà báo kinh tế, chúng tôi chờ đợi những bài viết phân tích sâu sắc, có tính dự báo cao để cung cấp cho chúng tôi những thông tin chính xác, giúp chúng tôi có những định hướng đúng trong kinh doanh.

Mỗi tờ báo đều ít nhiều để lại ấn tượng đối với tôi. Riêng Báo điện tử Dân trí Khuyến học & Dân trí thì tên gọi đã chỉ rõ mục đích là người nâng cao dân trí, nhất là với những người ít có điều kiện học tập trong trường lớp. Một ấn tượng nữa đối với tôi là sự sẻ chia, là tình yêu thương đùm bọc qua các hoạt động xã hội và quỹ Tấm lòng nhân ái. Tôi cũng rất thích tờ DtiNews vì ở đó có đội ngũ biên tập tiếng Anh khá chuẩn, nó góp phần gắn kết với đồng bào ta ở nước ngoài đồng thời quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.

Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hải Phòng Phạm Hồng Điệp: Sẽ phối hợp cùng Dân trí  trong công tác từ thiện

Báo chí trong mắt doanh nhân - 3

Từ nhiều năm qua, báo chí luôn đồng hành cùng doanh nhân Hải Phòng nói chung và Hội doanh nhân trẻ Hải Phòng nói riêng. Báo chí đã phản ánh kịp thời, đa chiều và hiệu quả những hoạt động của doanh nghiệp, thông tin về tình hình và xu hướng phát triển của nền kinh tế trong nước và thế giới, đồng thời ủng hộ, cổ vũ những thành công của doanh nghiệp, chia sẻ với những khó khăn mà chúng tôi gặp phải, qua đó, định hướng dư luận trong chiến lược phát triển, góp phần vào sự ổn định và phát triển của doanh nghiệp trong nền kinh tế nước nhà.

Góp phần đưa thương hiệu đến với bạn hàng

Xin nói lên những suy nghĩ của mình về sự gắn kết, đồng hành của báo chí với Công ty Shinec chúng tôi làm ví dụ.

Do ngành nghề đa dạng như sản xuất các sản phẩm nội thất tàu thủy phục vụ cho các nhà máy đóng tàu và nội thất dân dụng xuất khẩu sang thị trường các nước EU, đầu tư xây dựng KCN Nam cầu Kiền, 10 năm qua, Shinec luôn nhận được sự ủng hộ, đồng hành, chia sẻ, phối hợp của nhiều cơ quan báo chí. Báo chí luôn là kênh thông tin hữu ích, tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá để nhiều người biết đến sản phẩm của doanh  nghiệp. Các bài viết về những công trình do Shinec thực hiện có chất lượng cao như nội thất du thuyền  Emeraude… đã góp phần đưa thương hiệu của doanh nghiệp đến với nhiều bạn hàng cả trong và ngoài nước. Nhiều báo còn có các bài viết về hoạt động sản xuất kinh doanh, văn hoá doanh  nghiệp của Shinec. Đây là sự ghi nhận, nguồn cổ vũ, động viên với những thành tích đã đạt được, tạo động lực cho doanh nghiệp phấn đấu, hoạt động và phát triển. Các bài viết của báo chí trong quá trình doanh nghiệp thực hiện dự án với những thông tin chính xác, khách quan đã góp phần định hướng dư luận, ủng hộ, giúp doanh nghiệp giải quyết vướng mắc, khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng.

Cùng với đó là các bài viết phản ánh kịp thời những vướng mắc cần tháo gỡ như trong vấn đề giải tỏa, về những phiền hà trong thủ tục hành chính, về một số cơ chế chính sách còn nhiều bất cập… đã giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn.

Trong điều kiện hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam rất cần nhiều hơn nữa những thấu hiểu, sẻ chia… Đó thực sự là những liều thuốc bổ vô cùng đáng trân trọng và có tác dụng thiết thực, nhất là khi chúng ta đang tiến hành cải cách thủ tục hành chính thì những tiếng nói khách quan của báo chí sẽ đem lại hiệu quả cao không chỉ cho riêng doanh nghiệp mà còn cho cả xã hội.

Báo chí & doanh nghiệp phối hợp bảo vệ môi trường

Từ năm 2008, Shinec phối hợp với một số báo như An ninh Hải Phòng, Diễn đàn Doanh nghiệp, Kinh doanh Tiếp thị mở diễn đàn về một vấn đề có tính thời sự là bảo vệ môi trường đã tạo được hiệu ứng tích cực. Hàng trăm lượt người tham gia diễn đàn với nhiều ý kiến xây dựng có trách nhiệm. Đây thực sự là một hoạt động hết sức có ý nghĩa, khi còn không ít người chưa có ý thức, khi còn không ít doanh nghiệp thiếu trách nhiệm xã hội, thậm chí chạy theo lợi nhuận mà trực tiếp hoặc gián tiếp hủy hoại môi trường thì việc báo chí gióng lên những hồi chuông cảnh báo là cần thiết và thiết thực. Tôi cho rằng việc kết hợp giữa doanh nghiệp và cơ quan báo chí trong việc giáo dục ý thức cộng đồng giữ gìn và bảo vệ môi trường là một sáng kiến hay và nên được tổ chức thường xuyên. Thậm chí, có thể phát triển thêm với nhiều chủ đề thiết thực như: Bảo vệ An ninh trật tự xã hội, hoặc Xây dựng nếp sống văn minh, Văn hóa doanh nghiệp…

Dân trí - Tờ báo hàng đầu về công tác xã hội

Trong số hàng trăm báo, tạp chí của cả nước hiện nay, có nhiều báo ngoài chức năng tuyên truyền giáo dục của mình còn làm rất tốt công tác xã hội, từ thiện như Báo điện tử Dân trí, An ninh Hải Phòng… Theo tôi, làm được điều đó là do các tờ báo này đã đi đúng hướng và làm tốt công tác vận động các tổ chức xã hội và doanh nghiệp phối hợp thực hiện. Shinec đã nhiều lần cùng với Báo ANHP tổ chức các chương trình đền ơn đáp nghĩa, tặng quà tết, tặng sổ tiết kiệm cho người nghèo, thăm và tặng quà trẻ em ở Làng trẻ mồ côi Hoa Phượng…  Đây là một công việc cần được duy trì và nhân rộng với sự tham gia của nhiều tổ chức, nhiều doanh nghiệp, bởi vì ý nghĩa sâu xa của việc làm này ngoài sự chia sẻ theo tinh thần nhân văn của dân tộc còn góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Với cương vị là Chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ Hải Phòng, tôi nghĩ rằng trong thời gian tới, không chỉ Shinec mà các doanh nghiệp hội viên của Hội sẽ tiếp tục phối hợp với các báo hoạt động xã hội trong đó có Dân trí, một tờ báo hàng đầu về công tác xã hội tại thời điểm hiện nay.

Với doanh nghiệp chúng tôi, phía trước còn nhiều khó khăn, thử thách, để hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của thành phố, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, chúng tôi  mong rằng, sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ, cổ vũ, đồng hành, chia sẻ của báo chí. Đó là tình cảm quý báu, hỗ trợ, động viên, để doanh nghiệp có thêm sức mạnh phát triển và lớn mạnh.

Đại biểu Quốc hội XII - Doanh nhân Phạm Thị Loan: Không giữ phẩm giá không phải là nhà báo

Báo chí trong mắt doanh nhân - 4

Từ khi đổi mới, báo chí đã có bước chuyển mình rất lớn. Từ chỗ chỉ "tô hồng" thì sau đổi mới, báo chí đa dạng hơn, phản ánh thông tin nhiều chiều hơn và điều quan trọng là báo chí đã quan tâm đến số phận những người dân "thấp cổ bé họng". Tuy nhiên, không phải báo chí lúc nào cũng được làm và làm được những điều như thế vì "lực bất tòng tâm" và những nguyên nhân khác. Báo chí phải là tiếng nói trung thực, phản ánh tâm tư, nguyện vọng và cả những băn khoăn, bức xúc, thắc mắc của nhân dân. Báo chí cần góp phần chống tiêu cực nhưng cũng không quên những điển hình tiên tiến, những tấm gương tốt.

 Phẩm giá của nhà báo là bản lĩnh và sự trung thực

Đối với đại biểu Quốc hội, báo chí là một trong những nguồn thông tin quan trọng, giúp cho đại biểu rất nhiều trong các hoạt động của Quốc hội. Qua báo chí, Quốc hội biết được những chủ trương, nghị quyết, chính sách của mình ban hành có được quần chúng nhân dân đón nhận hay không? Có đi vào cuộc sống hay không? Còn những gì chưa phù hợp, cần sửa đổi… Báo chí giúp đại biểu Quốc hội thu thập thông tin để qua đó, hiểu được tâm tư, nguyện vọng, mong muốn chính đáng của cử tri. Mặt khác, qua báo chí, đại biểu Quốc hội có cơ hội thể hiện quan điểm của mình trước công chúng đồng thời qua báo chí, người dân giám sát được các hoạt động của đại biểu Quốc hội. Điều này rất có ý nghĩa vì cử tri biết được người mình đã tín nhiệm, đã bỏ phiếu đã làm gì cho mình? Có năng lực không? Có bản lĩnh không? Có thực sự vì dân, vì nước không? Báo chí còn là nguồn thông tin quan trọng mà qua đó, không ít đại biểu đã dùng để đặt câu hỏi trong các phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Báo chí chính là cầu nối giữa nhân dân với Quốc hội cho nên rất cần sự vững chắc và thông thoáng.

Cũng như hầu hết các đại biểu và cử tri, điều tôi mong muốn là báo chí phản ánh đầy đủ, sâu sắc và trung thực đời sống cũng như tâm tư nguyện vọng của nhân dân để từ đó, giúp các nhà hoạch định chính sách có những quyết sách hợp lý để đảm bảo quyền lợi cho nhân dân. Với từng phóng viên, điều làm nên phẩm giá nhà báo chính là bản lĩnh và sự trung thực.

"Đính chính" chỉ là giải pháp khi sự đã rồi

Đối với doanh nhân, báo chí cũng đóng vai trò rất to lớn trong tiến trình phát triển của một doanh nghiệp. Qua báo chí, các doanh nghiệp nắm bắt được tâm lý thị trường và xu hướng phát triển thị trường. Qua báo chí, doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu… Nhờ báo chí, các doanh nghiệp có cơ hội phản ánh những bất hợp lý trong chủ trương, chính sách để từ đó có những tác động làm thay đổi các chính sách bất hợp lý sao cho phù hợp với cuộc sống.

Điều mà doanh nhân cần nhất ở báo chí là sự cảm thông, chia sẻ, đồng cảm và biết phê phán cái sai, bảo vệ cái đúng. Điều mà doanh nhân thất vọng nhất là việc nhà báo thiếu thận trọng trong khai thác và xử lý thông tin dẫn đến việc đưa tin không chính xác vì hậu quả khôn lường, nhất là đối với các doanh nghiệp có nhiều công nhân, nó  ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhiều người. Các cụ dạy lời nói như mũi tên bay ra khỏi cánh cung, không thu lại được nên việc "đính chính" hay "nói lại cho rõ" đều chỉ là giải pháp tình thế khi sự đã rồi.

Do có điều kiện tiếp xúc nhiều với báo giới, tôi nhận thấy rằng những nhà báo chân chính đều rất thận trọng, nghiêm túc và giữ gìn phẩm giá. Không, nói như thế chưa chính xác vì với tôi, tất cả các nhà báo đều thận trọng, nghiêm túc và giữ gìn phẩm giá và những ai không làm được điều đó thì họ không phải là nhà báo. 

Vũ Ngọc Khanh - Hà Quỳnh Trang 
(Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền)