Thực trạng lao động trẻ em ở làng nghề Việt Nam

An Linh

(Dân trí) - Do đặc điểm quy mô sản xuất hộ gia đình, nhóm hộ, nhiều gia đình tại nông thôn Hà Nội vẫn sử dụng trẻ em để phụ giúp các công việc trong làng nghề.

Hiện, các địa phương ở Hà Nội Chương Mỹ, Gia Lâm, Hoài Đức, Thường Tín, Thanh Oai có rất nhiều làng nghề riêng như đan lát, thêu, may, mộc... quy mô hộ gia đình. Trong đợt dịch Covid-19, nhiều trẻ em tại đây thay vì được đến trường, tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí hữu ích, nhiều phải lao động sớm bằng cách trợ giúp gia đình.

Đơn cử, tại các làng nghề ở xã Canh Nậu và xã Bình Phú (Thạch Thất) hiện có từ 190 đến hơn 200 trẻ em phải lao động sớm hoặc có nguy cơ lao động sớm; tương tự nhiều làng nghề khác trên địa bàn huyện Chương Mỹ, Gia Lâm, Hoài Đức, Thường Tín, Thanh Oai… cũng có lao động trẻ em. Tính chung, các huyện có làng nghề của Hà Nội hiện có khoảng 30.000 lao động trẻ em.

Thực trạng lao động trẻ em ở làng nghề Việt Nam - 1

Thực tế, việc lao động trẻ em có thể tạo ra lợi ích trước mắt cho xã hội, cho gia đình và bản thân các em nhưng về lâu dài, nó tước đi các đặc quyền, lợi ích của trẻ.

"Trẻ em tham gia lao động sớm bị hạn chế cơ hội và điều kiện cần thiết để phát triển toàn diện về thể chất, tâm lý, trí tuệ. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, trẻ em đi làm xa gia đình bị kẻ xấu lôi kéo làm những việc phi pháp hoặc bị lạm dụng, xâm hại, mua bán…", bà Ninh Thị Hồng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cảnh báo.

Ông Vũ Thế Vương, Trưởng họ Đặng tại Thường Tín cho biết: "Thường Tín có rất nhiều nghề, trong đó có tranh và thêu, việc sử dụng trẻ em vào hoạt động làng nghề là có, nhưng ranh giới giữa việc cho trẻ em tham gia vào nghề của cha ông để đỡ mai một khác với việc lạm dụng lao động trẻ em thay thế.

Đề cập đến tình trạng trẻ em lao động sớm, ông Chang Hee Lee, Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam khẳng định, mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới khó có thể đạt kết quả như mong muốn nếu không có giải pháp hiệu quả nhằm giảm số lao động trẻ em xuống mức thấp nhất.

Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), quy định về lao động trẻ em được thể hiện rõ trong hệ thống pháp luật hiện hành. Vì vậy, trước hết, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các quy định của pháp luật trong cộng đồng, đồng thời xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sử dụng lao động trẻ em trái quy định.

Để hạn chế tình trạng sử dụng lao động trẻ em thì ngoài khung chính sách phù hợp, các ngành, địa phương, nhất là các bậc phụ huynh cần quan tâm nhiều hơn đến trẻ em. Đừng vì những lợi ích trước mắt mà để trẻ em phải lao động sớm.

Bên cạnh đó, việc lao động trẻ em hiện nay đã có những quy định pháp luật cụ thể, sử dụng đối tượng này doanh nghiệp, hộ gia đình sẽ phải đứng trước quy định xử phạt của pháp luật. Nếu hợp tác, hướng ra xuất khẩu với đối tác lớn, việc sử dụng lao động trẻ em là hành vi bị cấm trong các quy định của luật pháp quốc tế.

Theo ông Đặng Hoa Nam, số lượng lao động trẻ em ở Việt Nam nằm ở mức các nước trung bình tại châu Á - Thái Bình Dương. Số lượng này những năm gần đây đang giảm dần. Vấn đề này Cục Trẻ em và Bộ LĐTB&XH hết sức quan tâm. Mục tiêu của dự án giảm thiểu và xóa bỏ lao động trẻ em là trách nhiệm của gia đình, đoàn thể, xã hội và quản lý nhà nước. Đây là hành động liên đới hướng đến nhận thức, năng lực, trách nhiệm của chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức có liên quan đến người sử dụng lao động, cộng đồng và trẻ em.

Thực trạng lao động trẻ em ở làng nghề Việt Nam - 2

Để hạn chế lao động trẻ em cần thiết phải tuyên truyền rộng rãi đến người dân các quy định của pháp luật. Đầu tiên là việc vận động gia đình đưa trẻ em đến trường và xác định việc đi học, học nghề là cách tạo thu nhập ổn định và bền vững nhất. Tiếp đó, các cơ quan chức năng tuyên truyền việc sử dụng lao động là vi phạm pháp luật, sẽ bị xử lý nghiêm.